Làm sao đi xe máy an toàn trong nội thành (p.1)
(Giúp bạn)Có một điểm những người đi xe máy gần như ai cũng biết: Xe máy không vững bằng ôtô và có nguy cơ ngã xe rất cao. Chỉ một va chạm, đặc biệt là va vào tay lái bạn đã dễ dàng mất lái và ngã ra đường. Lúc đó nếu có xe ô tô lao lên từ phía sau thì nguy cơ tử vong hoặc tàn tật là điều khó tránh khỏi, trong thực tế những tấm thảm kịch này cũng lặp đi lặp lại nhiều lần. Để giúp cho các bạn lái xe máy được an toàn hãy để ý những điều sau đây.
- 1
Hạn chế đi song song với sườn ôtô ở khoảng cách gần hơn 3 m
Cần hạn chế tối đa thời gian phải đi song song với sườn ôtô. Đặc biệt là khi đường hẹp, đi song song với sườn ôtô với khoảng cách nhỏ hơn 3m sẽ có nhiều rủi ro. Cách xa sườn ôtô 3 m là quá nhiều? Không xa lắm đâu.
Nếu bạn chứng kiến ai đó bị ngã xe, sẽ thấy thường tư thế nằm sấp, toàn thân nằm dài ra đường tay lao về phía trước, toàn bộ thân người từ mũi tay tới chân dài khoảng 2m, chưa kể do quán tính, khi ngã còn bị trượt đi một đoạn ra giữa đường, nguy cơ bị cán phải rất cao và đặc biệt là đầu và ngực lại ở gần tim đường dễ bị cán nhất :(.Có nhiều người "hồn nhiên" đi song song cùng ôtô tải hoặc xe buýt ở khoảng cách chỉ 1 m. Điều này rất mạo hiểm. Chỉ một va chạm với bất cứ thứ gì (bộ hành, xe rác, xe đạp hay chính xe máy đi cùng chiều), va tay lái phía phải dẫn tới tay lái bị quặt đột ngột sang phải, quán tính làm người ngã ra hướng ngược lại bên trái, trượt ra giữa đường, và chắc chắn vừa đẹp vào bánh sau xe ôtô. Không có tài xế nào xử lý kịp tình huống này vì nạn nhân ngã vào bánh xe của họ.
Nếu thấy xe ôtô đang vượt mình, đi chậm hơn để nó vượt qua mình thật nhanh, hạn chế phải đi song song với ôtô. Nếu vì một lý do gì đó, ôtô đi cùng vận tốc với mình thì cần chủ động tăng hoặc giảm tốc độ để vượt qua nó hoặc đi hẳn phía sau nó, không đi song song. Nếu vượt qua nó rồi cũng không nên đi ngay trước mũi xe, nên cách xa mũi xe đó.
- 2
Hạn chế vượt ôtô hoặc bị ôtô vượt
Đi chậm quá làm cho bạn bị nhiều xe khác (trong đó có ôtô) vượt qua, đi nhanh quá sẽ phải vượt nhiều xe khác. Tốt hơn nên đi với vận tốc chung của dòng người.
Nếu thấy ôtô đằng sau (nhìn gương chiếu hậu), đi sát vào lề phải chủ động đi chậm lại cho nó vượt qua, nó vượt qua rồi bám đuôi kiên nhẫn. Tóm lại giảm thiểu thời gian phải đi song song với thân xe tải hoặc xe buýt.
- 3
Chỉ vượt khi chắc chắn
Phần lớn các vụ tai nạn khi vượt xe ôtô trong nội thành là các trường hợp đang vượt sườn phải thì va chạm với các phương tiện khác cùng chiều và ngã vào bánh ôtô. Vậy nếu đường quá hẹp và không đảm bảo, hãy kiên nhẫn bám đuôi và chờ đợi chứ đừng vượt.
Tuy nhiên, có lúc xe ôtô tải hoặc xe buýt đi quá chậm, bạn không thể kiên nhẫn hít khói xe, thì trước khi vượt phải chắc chắn không có xe máy nào đang chạy cùng chiều bên phải để tránh trường hợp đang vượt thì va chạm với các đối tượng này.
Đừng vượt phải ôtô cùng lúc với vượt cả xe máy xe đạp bên trong để rơi vào tình trạng kẹp giữa, chỉ một va chạm sẽ không có cơ hội nào cho bạn nữa. Ngoài ra, khi vượt phải phải chắc chắn không có nguy cơ va chạm với các xe từ trong các ngõ lao ra. Các đối tượng bộ hành đi dưới lòng đường cũng phải cẩn thận, va chạm với họ cũng làm bạn ngã xe.
Đã có rất nhiều bài học "chết người" vì vượt không an toàn. Ví dụ đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân), một con đường hẹp chỉ 1 chiều ôtô, nhưng lại là đường toàn xe siêu trường siêu trọng chạy rầm rập suốt ngày. Có thanh niên vì không thể chờ đợi bám đuôi xe container nên đã cố vượt va vào viên gạch ngã vào bánh xe.
Một con đường "tử thần" khác như Kha Vạn Cân ở TP HCM, toàn xe hàng chục tấn chạy cùng xe máy, cũng nho nhỏ kiểu như vậy. Ở những con đường đó lại có rất nhiều ngõ dân sinh và rủi ro xe từ ngõ lao ra rất cao.
Khi bạn vượt xe tải xe buýt ở những con đường hẹp như vậy là quá mạo hiểm. Tất cả chỉ phụ thuộc vào chữ "Nếu": nếu không có xe nào trong ngõ lao ra, nếu không có viên gạch nào giữa đường, nếu không có nắp hố ga nhô cao chìa ra đường, nếu xe tải không lán sang phải, nếu thằng xe máy không chuyển hướng đột ngột...
Đừng đặt tính mạng của mình và người ngồi sau xe mình vào tay người khác! Đừng vượt khi vẫn có chữ "Nếu".
- 4
Chọn lộ trình an toàn
Đường "an toàn" là những đường không thuộc nhóm đường vành đai, hoặc đường cấm xe tải xe buýt liên tỉnh hoạt động, hoặc đường có mật độ xe buýt nội đô thấp.
Ở HN hoặc tpHCM, để đi từ điểm này đến điểm khác thường có nhiều con đường khác nhau. Khi thời gian dư giả không quá gấp gáp, hãy đi những đường nhỏ "chỉ xe máy với nhau". Nếu bạn có bị ngã xe ở đó, chỉ bị thương chứ không đến nỗi bị xe ôtô cán.
Ví dụ như ở HN: thay vì đi đường Láng, có thể đi đường Nguyên Hồng + Thái Thịnh, thay vì đi Kim Mã, đi Lê Hồng Phong + Đội Cấn. Thay vì đi Xuân Thủy - Cầu Giấy, đi Nguyễn Khánh Toàn + Nguyễn Phong Sắc...
- 5
Không đi vào sườn ôtô khi nó vào khúc cua
Ôtô dài hơn xe máy rất nhiều, nên khi vào cua, thân xe càng dài càng tạo biên độ gạt rất rộng. Bạn cứ tưởng tượng bánh sau ôtô là tâm quay, và khi ôtô quay vòng nó như cái compa đang quay vậy.
Khi tôi lái ôtô qua khúc cua, nhiều khi phải phanh đứng hẳn xe lại vì có xe máy bon chen vào sườn. Nếu không nhìn gương, xe sẽ quệt vào xe máy và họ sẽ ngã vào gầm.
Rất tiếc đã có những vụ xe máy thì "vô tư không biết", tài xế thì chủ quan khi cua không đá gương kiểm tra sườn xe, nên lại cán người như vụ Xe buýt số 32 cán chết 2 người ở trước cổng Rạp Xiếc TW khi rẽ qua khúc cua vào đường Trần Bình Trọng.
Người lái xe máy nên hiểu về đặc điểm này của ôtô khi rẽ, để tránh những rủi ro đáng tiếc.