5 món lẩu nóng hổi cho tiệc tất niên
(Giúp bạn)Trong dịp Tất niên hoặc đón năm mới, chị em có thể làm những món lẩu này mời khách và đãi cả nhà nhé!
- 1
Lẩu cháo chim
Lẩu cháo chim chắc chắn sẽ khiến buổi tiệc tất niên thêm hấp dẫn.
Nguyên liệu:
- Chim bồ câu hoặc chim cút ngon
- Gạo tẻ, gạo nếp
- Ý dĩ, đẳng sâm, kì tử
- Quẩy
- Rau cải, nấm...
Cách làm:
Ngâm gạo nếp với gạo tẻ với tỉ lệ 1:9 khoảng 30 phút rồi xay nhẹ cho hạt gạo vỡ ra, đem nấu thành cháo. Lưu ý là cháo sẽ được dùng như nước lẩu nên các bạn chú ý chế nhiều nước để cháo loãng, có độ hơi sánh là được.
Dùng kéo cắt đôi thân chim thành 2 nửa, thả vào nồi cháo ninh cùng, rắc thêm ý dĩ ninh nhỏ lửa đến khi cháo nhừ.
Trong lúc đợi cháo nhừ các bạn nhặt rau cải, rửa sạch, vẩy ráo, cắt khúc vừa ăn. Kiểm tra nếu thấy cháo đã nhừ thì các bạn cho nốt đẳng sâm và kì tử vào nồi cháo, nêm nếm gia vị vừa miệng.
Bày tất cả các nguyên liệu ăn kèm món lẩu cháo chim như quẩy và rau cải ra bàn, đặt nồi lẩu cháo vào giữa, vừa ăn vừa đun và nhúng giống như cách ăn lẩu thông thường.
Trong quá trình ăn nước sẽ cạn dần, đó cũng là lúc thịt chim chín nhừ và cháo có độ đặc sánh, mọi thứ tinh hoa của tất cả các nguyên liệu tiết ra đều tập trung cả vào nồi cháo ấy.
Mỗi người múc 1 bát, rắc thêm chút tiêu rồi húp cạn, thật là ngon và ấm bụng.
- 2
Lẩu mắm
Lẩu mắm là món ăn đặc sản của vùng miền Tây Nam Bộ. Cách làm lẩu mắm cũng khá đơn giản. Cùng trổ tài nấu lẩu mắm tiếp đãi gia đình và bạn bè trong những ngày mưa nhé!
Nguyên liệu:
- 500 gr xương ống
- 300 gr cá hú
- 200 gr tôm sú
- 150 gr thịt quay
- 100 gr chả cá
- 500 gr ngao
- 200 gr mực (có thể không ăn nếu bạn kiêng dịp đầu tháng)
- 100 gr mắm cá linh, cá sặc
- 1 quả cà tím
- Sả, hành, tỏi băm nhỏ
- Rau ăn kèm gồm: rau muống, hoa chuối, rau rút, rau cải, rau đắng, hoa bí (rau kim châm, hoa súng…)
- Vắt me khô, ớt
Cách làm:
- Xương ống rửa sạch, luộc qua nước sôi một lần rồi rửa sạch lại cho hết bọt, cho vào nồi ninh 2 tiếng làm nước dùng.
- Cá cắt khúc vừa ăn. Ngao, mực, tôm rửa sạch để ráo nước. Thịt quay, chả cá thái miếng vừa ăn.
- Cà tím rửa sạch, thái miếng con chì.
- Hành, tỏi, sả băm nhỏ. Phi thơm hành tỏi, cho cà tím vào xào qua, nêm nếm ít gia vị rồi đổ vào nồi nước dùng xương.
- Trong 1 chảo nhỏ, lấy một ít nước dùng xương cho vào. Cho mắm cá sặc, cá linh vào đun trong 10 phút để tạo ra hương vị lẩu mắm.
- Cho thêm sả băm nhỏ vào để dậy mùi.
- Khi nước dùng hơi sánh đục các bạn lọc lấy xác cá rồi đổ lại nước dùng mắm vào nồi nước dùng xương. Vì mắm cá cũng đã mặn rồi nên các bạn nêm ít gia vị thôi nhé. Cho thêm vắt me và 3 thìa cà phê đường vào để làm cho nước dùng được thanh ngọt.
- Rau rửa sạch, ngâm nước muối cho ra đĩa.
- Chế nồi nước dùng vào nồi lẩu. Cho thịt quay, cá, ngao, mực, tôm và rau vào và cùng thưởng thức nhé!
- Món lẩu mắm có thể ăn kèm cùng cơm hay bún.
Trong lúc tiết trời vào thu, một nồi lẩu mắm thơm phức kết hợp với bị ngọt của tôm, mực ngao và vị béo ngậy của cá hú sẽ thu hút tất cả thành viên trong gia đình bạn.
- 3
Lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng được nhiều ưa thích vì vị chua thanh mát lại vẫn đậm đà, rất thích hợp cho những ngày trời se lạnh. Với cách làm lẩu cua đồng như thế này, cả nhà sẽ có một bữa ăn đầy hấp dẫn và thú vị.
Nguyên liệu: (cho 5-6 người ăn)
- Cua đồng: 700 gram
- Xương ống: 500 gram
- Bắp bò: 500 gram
- Đậu phụ: 4 bìa
- Cà chua: 4 quả to
- Sấu xanh: 5 - 6 quả
- Dấm bỗng: 1/2 bát con
- Gừng: 2 củ to
- Hành khô: 10 củ
- Rau nhúng lẩu: Rau xà lách hoặc rau diếp, tía tô, kinh giới, hoa chuối... (Có thể thay thế bằng các loại rau ưa thích)
- Dầu ăn, gia vị...
Thực hiện:
Ninh nước dùng xương
- Trước tiên, đặt vỉ nướng lên bếp ga, để lửa ở mức vừa phải, nướng xém vỏ một nhánh gừng nhỏ và 3 - 4 củ hành khô. Nướng xong, dùng dao bóc vỏ, rửa sạch. Đập dập gừng và hành để riêng.
- Xương ống rửa sạch, chần qua nước vừa đun sôi, vớt ra rửa lại một lần nữa. Cho xương, gừng và hành khô đã đập dập phía trên vào nồi, thêm 2 - 3 thìa canh gia vị cùng với 1 - 1.5 lít nước.
- Nếu dùng nồi áp suất, các bạn chỉ ninh khoảng 25 - 30 phút là được. Nếu ninh trên bếp ga bình thường, lưu ý không để sôi quá mạnh sẽ làm nước dùng không được trong.
Lọc cua
- Cua đồng mua về đổ vào trong nồi nhỏ, xóc đều với muối hạt cho cua nhả hết bẩn. Rửa nhiều lần với nước. Tách bỏ phần mai, gạt gạch cua vào bát nhỏ. Phần thịt cua cho vào cối giã nhuyễn.
- Nếu không muốn lích kích, các bạn có thể mua cua giã sẵn ngoài chợ.
- Hòa cua xay với khoảng 1 - 1.5 lít nước sạch để lấy nước. Nên bóp nhuyễn cua xay khoảng 5 - 10 phút để phần nước được đặc.
- Tiếp theo, lọc lấy nước trong qua một chiếc rây nhỏ.
Rán đậu
- Đậu phụ rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn, để thật ráo nước. Không nên rán đậu ngay sau khi mua về hoặc mới rửa vì đậu còn nhiều nước và khó rán giòn.
- Cho đậu phụ vào chảo dầu nóng già. Rán đều tay trên lửa to để đậu vàng đều và giòn nhưng vẫn giữ được độ mềm, béo bên trong.
Ướp thịt bò: Gừng gọt sạch vỏ, rửa sạch, đập dập hoặc thái con chì tùy thích. Nêm khoảng 1 thìa canh gia vị, trộn đều. Chỉ nên ướp thịt bò trước khi ăn 20 phút để thịt không bị thâm.
Chuẩn bị rau nhúng lẩu:
- Rau xà lách và các loại rau thơm khác mua về nhặt bỏ gốc, rửa sạch, để ráo rồi thái nhỏ vừa ăn.
- Mọi người thường thích ăn lẩu cua với rau sống, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dùng lẩu cua với một số loại rau mùa lạnh khác rất ngon như rau cải chíp, rau cải xoong, nấm...
Chế nước lẩu:
- Cà chua rửa sạch, bổ cau, không nên thái cà chua quá mỏng. Sấu xanh rửa sạch, nạo vỏ. Hành khô đập dập hoặc thái mỏng tùy thích. Tùy theo sở thích bạn có thể tăng số lượng hành khô. Càng nhiều hành khô phi thơm thì nước lẩu càng thơm.
- Đặt nồi lẩu lên bếp ga, đổ nước dùng xương đã ninh đầy 1/2 nồi. Tiếp theo, đổ bát nước cua xay đã lọc vào đầy nồi. Cho cà chua, sấu, dấm bỗng và gia vị, đun nhỏ lửa.
- Ở bước này cần đun nhỏ lửa để gạch cua đóng bánh. Nếu vội vàng đun trên lửa to thì gạch cua sẽ tan vào nước, khi ăn không cảm nhận được rõ rệt mùi vị của gạch cua.
- Trong thời gian chờ nước lẩu sôi, cho dầu ăn vào chảo nhỏ, chờ nóng già thì thả hành khô vào phi vàng.
- Khi hành khô lên màu vàng, tắt lửa, nhanh tay đổ bát gạch cua vào, dùng đũa khuấy nhẹ.
- Đổ phần gạch cua vừa phi thơm bên trên vào nồi nước dùng vừa sôi lăn tăn. Lúc này, bạn cũng có thể vớt gạch cua ra một bát, lúc nào ăn thì thả lại vào nồi.
Bây giờ, nồi lẩu cua đồng thơm ngon đã sẵn sàng để gia đình bạn thưởng thức.
Nồi lẩu cua đồng hấp dẫn, thanh mát vị chua của dấm bống và sấu tươi, nước dùng ngọt, đậm đà.
- 4
Lẩu bò nhúng dấm
Được cùng cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món lẩu thật là tuyệt.
Nguyên liệu:
- Thịt bắp bò: 400-500 gr
- Nước dừa tươi: 2 quả
- Dứa chín: 1 quả
- Cà rốt: 1 củ
- Dưa chuột: 1 quả
- Chuối xanh: 1 quả
- Dừa nạo: 100 gr
- Sả: 2 củ
- Mắm nêm, dấm trắng
- Bún, bánh tráng
- Giá, xà lách, rau thơm, rau mùi, kinh giới
Cách làm:
- Sả các bạn đem đập dập để thả vào nước dùng cho thơm.
- Nạo cùi dừa thành những lát mỏng.
- Dưa chuột, cà rốt nạo vỏ rồi thái lát mỏng hoặc xắt thành những thanh nhỏ, dài.
- Chuối xanh các bạn tước bỏ vỏ và cũng xắt như dưa chuột, cà rốt. Có điều sau khi xắt chuối cần ngâm ngay vào 1 bát nước có pha dấm để chuối không bị thâm.
- Dứa các bạn chia làm 3 phần, 1 phần xắt dài dùng để cuốn, 1 phần thái lát để thả vào nước dùng, 1 phần băm nhỏ để pha với mắm nêm.
- Đổ nước dừa tươi vào nồi, thả sả và dứa vào đun sôi khoảng 10 phút để lấy mùi thơm. Vì nước dừa tươi và dứa chín đã có độ ngọt rồi nên các bạn không cần cho thêm đường, chỉ cần nêm hạt nêm cùng với một chút giấm tạo vị chua nhẹ cho nước dùng là được.
- Rau sống sau khi nhặt rửa sạch, các bạn nên ngâm với nước muối khoa loãng khoảng 10 phút rồi mới vớt ra vẩy ráo nhé. Pha mắm nêm với dứa băm nhỏ và vài lát ớt. Bày tất cả các nguyên liệu của món bò nhúng dấm ra đĩa. Khi ăn, đặt nồi nước dùng lên bếp, đun sôi rồi nhúng thịt bò vừa chín tới. Dùng bánh tráng cuốn rau sống, chuối, dứa, dưa chuột, bún với thịt bò vừa nhúng, chấm mắm nêm và thưởng thức.
Thịt bò sẽ trở nên mềm và ngọt hơn sau khi chế biến và món ăn này rất thích hợp cho những bữa nhậu tụ tập bạn bè hoặc quây quần với gia đình.
- 5
Lẩu gà
Cuối tuần có nhiều thời gian chị em hãy chế biến một nồi lẩu gà để cả nhà cùng nhâm nhi nhé!
Nguyên liệu:
- Gà ta: 1 con (1,2-1,5 kg)
- 1 nồi nước dùng xương
- Tim, cật: 500 g
- Thuốc bắc: 1 gói
- Trứng lộn: 2 quả
- Nấm đông cô: 1 ít
- Cà chua: 3-4 quả
- Sả: 3-4 củ
- Hành hoa, rau mùi
- Rau các loại (rau cần, ngải cứu, cải cúc, cải xanh…)
- Gia vị: bột nêm, mì chính, sa tế
Cách làm:
- Gà làm sạch chặt miếng vừa ăn.
- Tim, cật rửa sạch cắt bỏ phần hôi thái miếng mỏng vừa.
- Rau các loại rửa sạch để ráo.
- Cà chua thái múi cau phi thơm với hành xào sơ.
- Chế phần nước dùng bao gồm: nước dùng xương cùng vài nhánh xả đập dập, nấm đông cô ngâm nở rửa sạch, 1 gói thuốc bắc, 2 quả trứng lộn, cà chua xào vừa tới cùng 3 thìa canh bột nêm.
- Bây giờ có thể mời cả nhà ngồi vào bàn thưởng thức món lẩu gà để xua tan cái lạnh mùa đông rồi nhé.
Chúc các bạn có một bữa tiệc tất niên thật đầm ấm nhé!