Ăn uống hợp lý
(Giúp bạn)
I. Cách ăn uống hợp lý
1. Bốn tiêu chuẩn về ăn uống
Vấn đề an toàn ăn uống đã ngày càng được mọi người quan tâm hơn, có nước đã đề ra khẩu hiệu “ba giảm”, “ba tăng”, “ba không”, “ba chú ý” như sau.
Ba giảm
Giảm muối
Giảm đường
Giảm chất béo
Ba tăng
Tăng các thực phẩm tươi sống
Tăng ăn rau xanh
Tăng ăn hoa quả.
Ba không
Không ăn những thực phẩm thiếu vệ sinh
Không ăn những thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất.
Không ăn những thứ để lâu, hoặc biến chất, mùa hè không ăn các thứ để qua đêm.
Ba chú ý
Chú ý chất độc chì, không dùng các sản phẩm đựng trong hộp hàn chì, nhất là các hộp đựng sữa cho trẻ em.
Chú ý đến chất lượng các loại thực phẩm, đặc điểm và thời gian sử dụng, đọc kỹ thuyết minh sản phẩm. Chú ý đến các thông tin về an toàn thực phẩm.
Phụ nữ có thai cần chú ý không rượu, cà phê v.v… Các loại cá thịt phải đun nấu chín.
Cần ghi nhớ các tiêu chuẩn “ba giảm”, “ba tăng”, “ba không”, “ba chú ý” rất đáng được chúng ta tham khảo.
2. Ăn thế nào để được sống lâu
Nước Mỹ đã để khá nhiều thời gian nghiên cứu về nguyên nhân ăn uống để được sống lâu của người Nhật Bản và cho rằng đậu nành đã có tác dụng quan trọng làm nên điều kỳ diệu này. Vì đậu nành có chứa phần lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, là món ăn có ích cho tuổi thọ lý tưởng nhất. Vấn đề này cũng đã được giáo sư Cận Đằng chinh, công tác ở trường đại học Đông Bắc Trung Quốc báo cáo hai lần:
Ăn cơm nhiều quá có thể sé làm cho con người già yếu sớm vì ăn cơm tất phải kèm theo nhiều muối, kết quả não bộ bị trúng gió tăng lên.
Nơi có nhiều người sống lâu thường là những nơi có nhiều đậu nành và các loại cá, nhất là loại cá nhỏ, còn nơi nào không có cá thì họ ăn nhiều đậu nành, cả hai thứ này đều có tác dụng quan trọng đến tuổi thọ của con người.
Những người sống lâu thường thích ăn rau, nhất là củ cải và bí đỏ.
Ở những nơi thường xuyên ăn rong biển, đại não ít bị trúng phong, nên có nhiều người trường thọ, còn ở những khu vực miền núi, số người bị cảm ốm nhiều, tuổi thọ ngắn.
Ở những nơi ít cá và rau cũng là nơi có tuổi thọ ngắn, nhất là thanh niên thường tử vong vì bệnh tim mạch.
Ăn hoa quả không có quan hệ gì đến sống lâu, tuy nhiên, ngoài hoa quả, nhiều loại thực phẩm đều có liên quan đến tuổi thọ. Xưa kia, ở Hy Lạp nổi tiếng là nơi có ít người bị cảm và bệnh tắc cơ tim, họ ăn dầu ô liu (trong dầu có nhiều chất béo không bão hòa rất có lợi cho sức khỏe) và ăn nhiều đạm thực vật có trong đậu nành.
3. Ăn “hơi đói” sẽ sống lâu
Cùng với tuổi tác tăng lên, khi đã già cần hạn chế ăn uống, nếu ăn no quá, bội thực, no đói thất thường, đều ảnh hưởng đến tuổi thọ. Điều này đã được các nhà khoa học chứng minh qua các thí nghiệm động vật.
Từ năm 1991 đến năm 1993, một giáo sư người Đức và bảy cộng sự đã sống trong “vòng sinh vật thứ hai” ở bang Arizona suốt hai năm trời, tiến hành các thí nghiệm cần thiết. Sau khi ghi chép đầy đủ lượng muối ăn ít đi, ông thấy cơ thể có những thay đổi như sau: trọng lượng cơ thể của bốn người đàn ông giảm 1/4%, còn bốn người đàn bà giảm 10%. Huyết áp của cả tám người bình quân giảm 20%, đường trong máu giảm 30%, chất cholesterol trong cả tám người bình quân là 195 giảm xuống đến mức “cực kỳ khỏe mạnh và bình thường” là 125.
Giáo sư nói: Năm 1993, sau khi rời khỏi “vòng sinh vật thứ hai” họ tiếp tục ăn ít muối với lý do: ăn ít muối “sẽ có lợi cho sức khỏe, sẽ sống lâu”.
Mấy trăm năm qua, các nhà khoa học đã liên tục thí nghiệm trên chuột. Ví dụ: để một số con chuột ăn thật no, còn một số con chỉ ăn bằng một nửa, kết quả cho thấy: số chuột ăn đói có thể trạng và tinh thần tốt hơn hẳn số chuột ăn no, tim khỏe hơn, khả năng miễn dịch cao hơn, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn, sinh đẻ nhiều, có đến 70% sống lâu.
“Ăn hơi đói” một chút, tại sao lại khiến động vật sống lâu? Các giáo sư kết luận: tế bào chết là nguyên nhân quan trọng của suy yếu, và “ăn hơi đói” sẽ kích thích tiềm năng của cơ thể để nó cứu vãn cho tế bào khỏi chết. Ông còn nói: chuột có một loại hoocmôn giống như loại cholesterol trong cơ thể, thực tế chứng minh, tiếp tục cho chuột ăn ít sẽ có tác dụng kích thích chất hoocmôn của nó.
Vậy tại sao con người ở các nước đang phát triển lại tổn thọ? Giáo sư giải thích: nguyên nhân tổn thọ ở các nước đang phát triển chính là vì thiếu dinh dưỡng, chứ không phải họ ăn ít. “Sở dĩ người Hy Lạp khỏe mạnh và trường thọ không phải vì họ ăn tiết kiệm, mà chính là họ ăn có kế hoạch, như ăn những món ăn ít nhiệt lượng, có dinh dưỡng cao, nhất là những món có nhiều vitamin, ít chất muối nhưng chủng loại món ăn phải đa dạng, bữa nào cũng phải có rau, hoa quả, một ít ngũ cốc và một ít thịt”.
II. Kiến thức về ăn uống
1. Về ba bữa ăn
Làm thế nào để tăng cường được chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nhưng không bị béo và vẫn giữ được vẻ đẹp thân hình? Các chuyên gia đã đưa ra chuẩn mực về ba bữa ăn.
Tổ hợp dinh dưỡng
Một học giả Ai Cập sau một thời gian dài nghiên cứu đã chỉ rõ: các chất protein, cacbon hydrat và chất béo rất quan trọng đối với sức khỏe, thiếu một trong ba chất đó đều không được, cái chính là ở chỗ xử lý tổ hợp dinh dưỡng cho thật hợp lý, cụ thể là chế biến món ăn như thế nào để có tỷ lệ giữa chất béo và rau hợp lý nhất và hết sức tránh ăn cùng với cơm, mì nhiều chất dầu. Như vậy sẽ hấp thụ được nhiều dinh dưỡng và giảm được béo.
Khéo chọn chất béo
Nhất thiết không ăn chất béo có hại cho sức khỏe, biện pháp duy nhất là phải biết lựa chọn. Theo phân tích của các nhà dinh dưỡng học thì: chất béo chia làm ba loại: loại thứ nhất sẽ làm tăng thêm nhiều chất cholesterol như các loại thịt và các sản phẩm từ thịt, sữa và sữa chua; loại thứ hai gồm thịt gà, các loại trứng, các loại vỏ cứng; loại thứ ba có thể làm giảm béo của chất cholesterol như dầu ôliu, dầu ngô, dầu đậu v.v… Rõ ràng hai loại sau là sự lựa chọn tốt nhất của bạn.
Định lượng ba bữa ăn
Việc nắm vững định lượng ba bữa ăn rất quan trọng. Lượng ăn không thể quá nhiều hoặc ít. Khi tính toán về nhiệt lượng và khẩu phần ăn trong một bữa phải nắm vững sự khác biệt về thực phẩm sống và thực phẩm chín. Ví dụ: thịt gà chín chỉ bằng 80% trọng lượng thịt gà sống, thịt bò chín chỉ bằng 65% trọng lượng thịt bò sống. Ngoài ra, nhiệt lượng trong cùng một loại thực phẩm cũng không hoàn toàn giống nhau như 100gr thịt gà con chỉ có khoảng 400 calo, nhưng ở thịt gà lớn lại là 550 calo. Nên cố gắng chọn những thực phẩm đồng loại nhưng có lượng nhiệt tương đối thấp. Theo tính toán, khẩu phần ăn hàng ngày của nam và nữ thanh niên đại để như sau: gạo 500g, một quả trứng, thịt gà, thịt vịt hoặc thịt lợn nạc 50 – 100g, cá 50 – 100g, đậu 50 – 100g, rau 500g, sữa bò 100g, dầu ăn 10 – 25g.
Không nên ăn nguội
Ăn nóng sẽ tăng thêm nhiệt lượng cho cơ thể. Nếu thức ăn nguội thì phải hâm lại cho nóng rồi mới ăn, như thế sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn còn nếu ăn nguội sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng.
Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ
Nhai kỹ chỉ tiêu tốn một số năng lượng nhất định, lại duy trì được thể trọng.
Ăn ít, năng hoạt động
Tuy ăn nhiều sẽ không có lợi cho việc duy trì sự ổn định trọng lượng cơ thể nhưng vẫn có không ít người khó kiềm chế mình. Vậy phải làm thế nào? Biện pháp hợp lý nhất là nhịn bữa ăn sau, để bữa ăn trước đủ thời gian tiêu hao bớt lượng nhiệt thừa trong cơ thể. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, nhịn bữa cơm tối là thỏa đáng nhất, cho dù có thấy đói một chút nhưng không ảnh hưởng gì đến cơ thể, hơn nữa sau khi đi ngủ việc tiêu hao năng lượng rất ít. Biện pháp tốt nhất vẫn là năng vận động.
Ăn ít, chia ra nhiều bữa
Vẫn cùng một định lượng nhưng chia nhỏ ra, ăn thành năm lần trở lên, như vậy so với ba bữa sẽ tốt hơn và nhiệt lượng hấp thụ sẽ ít hơn.
Cần hấp thụ đủ các nguyên tố vi lượng
Những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng: béo có liên quan đến việc thiếu một số nguyên tố dinh dưỡng vi lượng như B1, B6 và axit nicotinic, chúng là những chất phân giải chất béo. Canxi, sắt, kẽm cũng là những chất cần thiết cho sự trao đổi chất trong cơ thể. Những dinh dưỡng vi lượng này chủ yếu phân bố trong lương thực thô, rau rừng, rau xanh và các hoa quả khô, nếu chế biến ba bữa ăn chính với nhiều món ăn khác nhau, rồi ăn thêm một số hoa quả sẽ có đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Cách ăn tốt nhất
Ăn thật vui vẻ, kèm theo sự tưởng tượng ăn ngon và thích thú chính là cách ăn tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.
2. Những kiến thức về ăn sáng
Sự nguy hại khi không ăn sáng
Hiện nay có tình trạng phổ biến là thanh niên và học sinh thường bỏ bữa ăn sáng, thậm chí cá biệt còn có người coi việc không ăn sáng là biện pháp giảm béo. Các chuyên gia y học khuyến cáo: không ăn sáng sẽ rất nguy hại vì:
Sau bữa ăn khoảng từ 4 – 6 tiếng, trong bụng về cơ bản không còn gì nữa, các chất dinh dưỡng đã bị tiêu hóa hết, chỉ còn một số nhỏ trong cơ thể, một phần khác đã biến thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Nếu một người ăn cơm tối vào lúc 19 giờ thì đến nửa đêm trong bụng đã không còn gì, nếu sáng hôm sau không ăn sáng, đợi đến 12 giờ trưa mới ăn thì bụng đã phải chịu đói đến 12 tiếng, các dịch vị trong mật bị khô lại, các bác sĩ cho rằng trong trường hợp đó, dịch vị mật có thể kết tinh thành các hạt nhỏ dẫn đến sỏi mật. Về lý luận, điều đó rất có thể sẽ xảy ra. Ngoài ra, nếu bụng đói lâu, chất vị toan sẽ kích thích dạ dày, gây tổn hại cho màng dạ dày, gây nên viêm dạ dày, thậm chí loét dạ dày.
Không ăn sáng, bụng đói lâu, do đường trong máu xuống thấp, gan phải làm việc nhiều để phân giải đường, dẫn đến tổn thất gan.
Thường xuyên không ăn sáng sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh, thiếu niên.
Đường trong máu thiếu, năng lượng thiếu có thể sẽ làm cho đại não thiếu năng lượng, làm mất sự tập trụng, tinh thần uể oải, ảnh hưởng đến học tập và công tác.
Kết quả điều tra của một giáo sư đại học Nhật Bản cho thấy: Những trẻ em không ăn sáng thường mắc bệnh táo bón. Lý do: không ăn sáng, lượng hấp thụ bị ít đi, kết quả là các chất xơ trong cơ thể giảm, gây nên táo bón. Nếu không thay đổi thói quen này sẽ dễ dẫn đến tình trạng táo bón lâu dài.
Thực trạng ăn sáng hiện nay của người Trung Quốc
Cuộc sống nhộn nhịp hiện nay ở các đô thị đã làm thay đổi cả cách sống của người dân, “chuông đồng hồ” của cơ thể bị loạn nhịp, thói quen ăn sáng dường như đã biến mất. Có người còn nói khôi hài rằng “Chẳng qua tôi chỉ điều chỉnh thời gian ăn sáng cho phù hợp mà thôi, có nghĩa là chuyển bữa ăn sáng xuống giữa đêm, cũng có thể gọi đó là bữa ăn đêm. Dù gọi đó là gì đi chăng nữa thì khi ngủ dậy của thấy thoải mái, sáng không thấy đói”. Cũng mừng là số người ăn sáng vẫn chiếm số đông hơn.
Nhưng hiện nay vẫn tồn tại phổ biến lối ăn đơn giản, ít dinh dưỡng, kết cấu bữa ăn không hợp lý. Thói quen ăn sáng truyền thồng là cơm rang, quẩy, bánh nướng, bánh bao, cháo, mì v.v… có thể nói đa số người dân Trung Quốc thường có thói quen ăn sáng. Ở Nam Ninh và Vũ Hán người ta thường ăn sáng bằng mì ăn liền, ở Trùng Khánh lại thích ăn bánh rán, ở Thành Đô thì ăn bánh bao, ở Nội Mông thì lại thích ăn các thứ quà vặt, ở Bắc Kinh, Thẩm Dương thì lại thích ăn cháo. Cách ăn sáng ở các địa phương trên đều không hợp lý. Điều đó chứng tỏ rằng mọi người chưa quan tâm đầy đủ về chất dinh dưỡng của bữa ăn sáng, càng chưa chú ý đến kết cấu hợp lý, khoa học của bữa ăn sáng.
Hiện nay Nhật Bản không những là một cường quốc kinh tế thế giới, mà còn là nước có tuổi thọ cao trên thế giới. Các chuyên gia và các nhà khoa học ở châu Âu và châu Á đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bữa ăn sáng đối với sức khỏe. Đã từ lâu rồi, ăn sáng không còn dừng lại ở chỗ ảnh hưởng đến sức khỏe nữa, mà còn là nguyên nhân trực tiếp gây nên các bệnh mỡ máu, tim mạch, nghễnh ngãng, cảm cúm v.v… Vì thế, cần phải chú ý đến việc ăn sáng.
Bữa ăn sáng hợp lý, khoa học
Như trên đã nói, không ăn sáng sẽ có hại nhiều mặt đối với cơ thể. Vậy nên ăn bữa sáng như thế nào để có đủ dinh dưỡng? Có người cho rằng sáng nên ăn trứng gà, uống sữa, thực ra cách ăn như vậy là không hợp lý và không đủ nhiệt lượng. Trước hết, uống sữa lúc đói, do vị toan tác động vào nên không có lợi cho việc hấp thụ tiêu hóa, nhất là đối với chất canxi. Ngoài ra, thành phần chủ yếu của trứng gà và sữa bò là protein mà tốc độ chuyển hóa của protein lại chậm hơn tinh bột, chẳng những không thể nhanh chóng cung cấp năng lượng cho cơ thể, mà còn tiêu hao mất nhiều nhiệt lượng, như vậy sẽ rất lãng phí. Vì thế, buổi sáng nên ăn một, hai món chính như bánh bao, bánh cuốn v.v… đồng thời ăn thêm một ít rau như rong biển, củ cải, khoai tây hoặc rau xanh, rồi sau đó mới ăn trứng gà, uống sữa và ăn hoa quả. Nếu tuân thủ cách ăn này có thể coi bữa ăn sáng như vậy là đủ chất dinh dưỡng.
Nếu ăn sáng theo tiêu chuẩn như vậy thì chẳng những sẽ hấp thụ được nhiều cacbon hydrat, protein, chất béo, nhiệt lượng, sulfure, phốt pho, các sinh tố và chất xơ, mà còn hấp thụ được nhiều kali, canxi, magiê v.v… Việc chế biến thực phẩm hợp lý, chua mặn cân đối, ăn uống khoa học sẽ rất có lợi cho sức khỏe.
3. Bốn thói quen tốt trước khi ăn
Đánh răng trước khi ăn
Nhiều người cho rằng đánh răng sau khi ăn sẽ kịp thời trừ bỏ được những thứ bám vào kẽ răng và bảo vệ được răng. Thực ra thì không phải như vậy, chất đường trong thức ăn khi bám vào kẽ răng đã sinh phản ứng, các chất chua đã hình thành, nên đến lúc đó mới đánh răng là quá muộn. Chỉ có đánh răng trước lúc ăn mới có thể giảm bớt được sự hình thành của chất chua, mới duy trì được sự sạch sẽ của răng.
Uống nước canh trước khi ăn có giá trị như uống thuốc bổ
Trong dân gian thường lưu truyền cách nói: “Uống canh trước lúc ăn, chính là uống thuốc bổ”. Xem ra cách nói này cũng có cơ sở khoa học nhất định. Trước khi ăn, uống một ít nước canh cũng có thể ví như hoạt động chuẩn bị trước khi vận động, làm cho tuyến tiêu hóa tiết ra đủ lượng dịch cần thiết để chuẩn bị tốt cho cơ thể tiếp nhận thực phẩm, có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ.
Vận động trước khi ăn sẽ giảm béo
Vận động là cách giảm béo tốt nhất. Vận động sau bữa ăn sẽ khó “động viên” một lượng chất béo lớn sẽ hấp thụ vào cơ thể, còn vận động trước bữa ăn thì lúc đó bụng không có gì, chất béo trong tế bào bụng chưa có sự hình thành chất chua mới nên vận động sẽ dễ “động viên” chất béo để chuyển hóa thành nhiệt lượng và tiêu hao đi. Vì thế, tập luyện trước khi ăn từ 1 – 2 giờ sẽ có tác dụng giảm béo.
Ăn hoa quả trước bữa ăn sẽ có nhiều cái lợi
Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng nếu ăn hoa quả sau bữa ăn thì các món ăn vẫn còn nằm trong dạ dày, sẽ có hiện tượng lên men, gây trướng bụng, táo bón v.v… còn ăn hoa quả trước bữa ăn sẽ giúp dạ dày tiêu hóa tốt không bị thức ăn kích thích.
4. “Năm điều không nên” sau khi ăn
Không nên nới lỏng thắt lưng
Nếu sau khi ăn nới lỏng thắt lưng sẽ làm cho bụng sệ xuống, hoạt động của hệ thống tiêu hóa và dây chằng của ống tiêu hóa tăng thêm gánh nặng dễ làm cho ruột bị gấp khúc dẫn đến tắc ruột, làm sa dạ dày, bụng trên khó tiêu hóa.
Không nên hút thuốc lá ngay
Sau khi ăn, dạ dày và đường ruột hoạt động rất khẩn trương, toàn bộ các màng của mạch máu nhỏ đều căng phồng, sức hấp thụ khói thuốc lên gấp mười lần so với lúc bình thường.
Không nên uống nước chè ngay
Chè có rất nhiều axit amin, khi đi vào đường ruột sẽ làm cho chất protein trong thức ăn vón cụn khó tiêu hóa.
Không nên tắm ngay
Tắm sẽ làm cho lưu lượng máu ở bề mặt cơ thể tăng lên, lưu lượng máu trong đường ruột giảm xuống tương ứng, chức năng tiêu hóa bị giảm.
Không nên đi bách bộ ngay
Sau khi ăn, nếu đi bách bộ ngay sẽ làm cho lượng vận động tăng lên, ảnh hưởng đến sự hấp thụ dinh dưỡng của hệ thống tiêu hóa. Nhất là, đối với người già, người mắc bệnh suy tim, xơ cứng mạch máu và huyết áp cao, sau bữa ăn thường có hiện tượng tụt huyết áp.
5. Hãy bảo vệ dạ dày của bạn
Dạ dày là một trong năm ngũ tạng của cơ thể, là bộ phận làm nhiệm vụ tiêu hóa, đồng thời cũng là bộ phận quan trọng sống còn của con người. Nhưng nhiều người vẫn chưa ý thức được lối sống khoa học và cách điều chỉnh ăn uống, vì thế đã gieo tai họa cho dạ dày. Muốn đề phòng bệnh dạ dày, cần kiêng kỵ những điều sau đây:
Không để tinh thần căng thẳng
Nếu để tinh thần căng thẳng, phiền muộn kéo dài sẽ gây thương tổn tinh thần dễ dẫn đến bệnh loét dạ dày.
Không lao động quá sức
Dù lao động chân tay hay lao động trí óc, nếu làm quá sức đều dẫn đến tình trạng không cung cấp đủ máu cho dạ dày, dịch vị toan quá nhiều, trong khi chất dính lại giảm làm cho màng dính bị tổn thương sinh ra bệnh tật.
Không uống rượu quá mức
Bản thân rượu đã trực tiếp gây tổn hại cho màng dính của dạ dày, dẫn đến xơ cứng gan, viêm tuyến tụy. Vì rượu được dạ dày hấp thụ trực tiếp cho nên càng tăng thêm tổn thất và bệnh tình của dạ dày.
Không nên nghiện thuốc lá
Thuốc lá kích thích sự tiết dịch của dạ dày và chất xúc tác gây nên sự phá hoại màng dính của dạ dày.
Không nên ăn uống no đói thất thường
Khi no hoặc đói, chất vị toan và chất protein xúc tác đều có sự thay đổi. Nếu ăn no quá, chất vị toan sẽ nhiều, thời gian thức ăn phải dừng lại chờ đợi lâu, dễ gây tổn thương cho dạ dày.
Không để bệnh truyền nhiễm lây lan
Nguyên nhân bệnh truyền nhiễm dạ dày và loét hành tá tràng là do người bệnh dùng chung bát đũa, bàn chải đánh răng hoặc hôn nhau làm lây bệnh sang người khác.
Không nên ăn trước lúc đi ngủ
Ăn trước lúc đi ngủ không phải là thói quen tốt, chẳng những nó làm cho ta khó ngủ mà còn làm cho người béo lên, hơn nữa sự tiết dịch vị toan quá nhiều trong đêm sễ dễ dẫn đến loét dạ dày.
Không nên ăn ba bữa thất thường
Định lượng cho mỗi bữa ăn cần chế biến hợp lý, bảo đảm lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nhất là bữa ăn sáng được coi là “thuốc bổ” càng cần được ăn no, ăn ngon. Rất nhiều người mắc bệnh dạ dày đều có liên quan đến việc lâu không ăn sáng. Tục ngữ đã có câu: “Ăn sáng thì phải ăn no, ăn trưa thì phải ăn cho ngon lành, ăn tối nên ăn ít hơn”. Ăn xong nên nghỉ ngơi chừng 20 phút rồi hãy hoạt động.
Không ăn các món nguội quá hoặc nóng quá
Món ăn nguội quá hoặc nóng quá đều có tác dụng kích thích nhất định đến dạ dày. Vì thế, mùa hè không nên ăn đồ nguội, uống giải khát có đá quá nhiều, vì thế làm tổn thương đến màng dính của dạ dày dẫn đến bệnh dạ dày.
Không ăn các món ăn kích thích
Không nên ăn nhiều các món có kích thích mạnh như hành sống, ớt tươi, nước chè đặc, cà phê v.v… vì chúng rất dễ làm tổn hại đến màng dính của dạ dày.
Không nên lạm dụng thuốc
Dùng thuốc phải theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên lạm dụng, nhất là nên tránh dùng các loại thuốc tiêu viêm liên tục để tránh bị thủng màng dính hoặc chảy máu dạ dày hoặc nghiêm trọng hơn dẫn đến ung thư dạ dày.
Không nên ăn các loại thực phẩm nướng, hun khói, rán, quay
Ít ăn hoặc không ăn các loại thực phẩm quay, rán, xào, đốt, hun khói v.v…
6. Nhai kỹ, ăn chậm sẽ kéo dài tuổi thọ
Nhai kỹ làm cho thức ăn bị nghiền nát, nước bọt bao quanh thực phẩm sẽ dễ nuốt.
Các nhà dinh dưỡng học đề nghị, mỗi miếng ăn nên nhai từ năm mươi lần trở lên, khi nhai, cơ hàm và răng phải hoạt động mạnh có thể giúp tuần hoàn máu cục bộ, làm cho răng chắc khỏe và trắng bóng. Càng nhai kỹ, nước bọt tiết ra càng nhiều, trong nước bọt có tới trên mười loại hoạt tính xúc tác có khả năng hòa tan các vitamin, các axit hữu cơ, các chất khoáng, chẳng những có lợi cho tiêu hóa, mà còn có tác dụng diệt trùng, giải độc, đồng thời còn có tác dụng công kích mạnh vào “sát thủ” gen tự do để bảo vệ tế bào, làm giảm các độc tố gây bệnh.
Sau khi đã nhai kỹ, thức ăn đi vào đường ruột, được tác động trực tiếp của chất xúc tác tiêu hóa, thức ăn đã nhuyễn nên tiêu hóa càng tốt hơn. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy: nước bọt có thể làm cho những chất độc hại thành vật chất không độc hại đối với cơ thể, nếu ăn những món thịt rán thì sau khi nhai độ nửa phút mọi độc tố cũng sẽ trở nên vô dụng. Ngoài ra, những thực phẩm có độc tố, sau khi nhai, bị nước bọt tác động vào sẽ có tác dụng giải độc thần kỳ. Có người nói rằng nước bọt là liều thuốc phòng bệnh thiên nhiên vốn có của con người, câu nói đó rất có cơ sở.
Đi đôi với nhịp độ cuộc sống tăng nhanh, rất nhiều người vì muốn tiết kiệm thời gian, đã ăn vội ăn vàng, như vậy là không tốt. Do nhai không kỹ, nước bọt tiết ra ít, nên không thể phát huy được tác dụng tiêu hóa, sát trùng và giải độc, dần dần đem lại tai hại cho cơ thể. Phàm là những người sống lâu, phần lớn khi ăn đều nhai kỹ, đó là thói quen tốt, cần được duy trì.
Vì thế, nước bọt tiết ra càng nhiều thì càng có lợi cho việc sống lâu.
7. Những điều cần chú ý khi ăn các món quà vặt
Những món quà vặt chính bán trên thị trường gồm 5 loại: Hoa quả khô, đường sữa, thịt khô, món chiên phồng, các món dầm.
Các loại quả khô: Hạt dưa, lạc, táo, nho, hạnh nhân v.v… Những loại thực phẩm này chứa nhiều protein, nguyên tố vi lượng, vitamin thiên nhiên có thể giúp trẻ em rèn luyện sức nhai, sẽ có tác dụng tốt đến sự phát triển răng của trẻ nhỏ, nhưng cần hết sức tránh không nên cho trẻ nhỏ ăn các thực phẩm rán bằng dầu.
Các loại đường sữa: Có khá nhiều loại đường sữa, hoa quả dầm, socola v.v… Những loại thực phẩm này đều chứa đường, chất béo, nhiệt lượng, protein, muối vô cơ và vitamin vì thế nên cho trẻ ăn có mức độ, còn người già, người mắc bệnh tiểu đường thì không nên ăn.
Các món chiên phồng gồm: khoai tây chiên, bỏng ngô v.v… Ngoài nhiệt lượng cao, chất béo ra, các loại thực phẩm này còn có nhiều muối vô cơ, vitamin, protein v.v… giá trị dinh dưỡng tương đối thấp, khi ăn vào nó sẽ giãn nở nên đã có tác dụng giảm bớt sự căng thẳng, kích thích thần kinh và giảm bớt sự mệt mỏi.
Các loại thực phẩm mặn: Nếu ăn nhiều thì chất mặn trong cơ thể sẽ dư thừa, khó tiêu. Các loại thịt ướp khô tuy có chứa chất protein, chất béo bão hòa nhưng lại có hại cho răng.
Người ta gọi những món ăn linh tinh đó là “thực phẩm rác rưởi” nhưng “ăn nhiều cũng chẳng ích gì”, tốt nhất nên tập trung vào ba bữa chính để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
8. Cần thay đổi thói quen ăn thịt
Qua các số liệu cho thấy: lượng thịt tiêu thụ hiện nay đã cao gấp ba lần so với năm 1950. Các chuyên gia nói rằng: Xu thế phát triển hiện nay của thế giới đã chứng minh: Trong tương lai, con người cần thay đổi thói quen ăn thịt, phải từng bước làm quen với thói quen ăn lương thực và các món ăn chế biến từ các loại đậu đỗ. Lương thực và các loại đậu đỗ sẽ trở thành những thực phẩm thay thế cho thịt, cung cấp nhiều protein chất lượng cao cho cơ thể.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, cũng như cuối thế kỷ 20, chúng ta phát hiện ra sự nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe, tăng thêm gánh nặng kinh tế, nghiên cứu đã chứng minh: ăn nhiều protein động vật cũng sẽ tăng thêm gánh nặng cho sức khỏe, kinh tế và xã hội.
Nguyên nhân chính khiến các nhà khoa học phản đối ăn thịt là:
Trong những năm tới, thế giới sẽ thiếu nước nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất thịt, bởi lẽ muốn sản xuất được 1kg thịt phải sử dụng tới 7kg lương thực mà muốn có 7kg lương thực thì phải sử dụng tới 7000kg nước. Ngoài ra, bò cũng phải uống nước. Các nhà khoa học nói rằng có đến 70% lượng tiểu mạch và ngô do nước Mỹ sản xuất đã dùng vào việc chăn nuôi, vậy bạn có biết cần bao nhiêu nước để phục vụ cho việc trồng trọt đó không?
Phân súc vật trên toàn cầu đã gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường sống của con người và để có được một nông trường chăn nuôi, biết bao nhiêu cánh rừng từ Indonesia đến sông Amazon đã bị phá trụi, cùng với thời gian, các khu rừng sẽ còn tiếp tục bị chặt phá, nếu không kiên quyết chặn lại thì hậu quả môi trường sẽ khôn lường.
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh: việc ăn nhiều thịt có liên quan mật thiết tới việc làm tăng tỷ lệ các bệnh tim mạch, béo phì, ung thư đường ruột, ung thư vú và một số bệnh tật khác. Các nhà khoa học cho rằng: 20 năm sau, mọi người sẽ dần thay đổi thói quen ăn uống, sẽ ăn rau, hoa quả, lương thực và các loại đậu đỗ. Đậu nành từ nay về sau sẽ phát huy tác dụng quan trọng trong bữa ăn. Nó sẽ giúp con người phòng ngừa được bệnh tim mạch và bệnh khối u, sữa đậu nành sẽ thay thế sữa bò.
III. Hạn chế tăng trọng lượng cơ thể và hấp thụ quá nhiều nhiệt lượng
1. Nếu quá nhiều nhiệt lượng, trọng lượng cơ thể sẽ tăng
Cách tính trọng lượng cơ thể
Tiêu chuẩn trọng lượng (kg) = chiều cao (cm) – 105.
Ví dụ: một người cao 1,65m thì tiêu chuẩn trong lượng của người đó là (165 – 105 = 60kg).
Tiêu chuẩn trọng lượng cơ thể (kg) = [chiều cao(cm) - 100] x 0,9.
Ví dụ: cao 1,65m thì tiêu chuẩn trọng lượng sẽ là:
(165 – 100) x 0,9 = 58,5 kg.
Tiêu chuẩn trọng lượng (kg).
Nam = 0,715 (hằng số) x chiều cao (cm) – 58,1
Nữ = 0,626 (hằng số) x chiều cao (cm) – 58,1
Ví dụ: Nam cao 1,65m thì tiêu chuẩn trọng lượng sẽ là:
1,65 x 0,715 – 58,1 = 59,88 (kg)
Nữ cao 1,65m thì tiêu chuẩn trọng lượng sẽ là:
165 x 0,626 – 58,1 = 45,19 (kg).
Thông qua tính toán, nếu vượt quá 10% tiêu chuẩn trọng lượng thì là quá cân, vượt quá 20% là béo quá, thấp hơn 10% là nhẹ quá, thấp hơn 20% là gầy quá.
Nguồn nhiệt lượng
Mỗi người một ngày hấp thụ đủ “ba chất dinh dưỡng lớn” là đủ nhiệt lượng, chúng chính là động lực sống của con người.
Cacbon hydrat: Là nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể như hoa quả tươi, rau, nước hoa quả, các sản phẩm đậu, tiểu mạch, gạo tẻ v.v… trong đó cacbon hydrat là thực phẩm tương đối lý tưởng, nó vừa cho bạn cảm giác no, vừa giúp bạn không hấp thụ quá nhiều nhiệt lượng.
Protein: Tuy nguồn nhiệt lượng do protein cung cấp cho cơ thể không nhanh chóng và hiệu quả bằng cacbon hydrat nhưng nó lại là nguồn nhiệt lượng được tích lũy trong cơ thể. Khi cacbon hydrat đã “dùng hết”, cơ thể cần đến nhiệt lượng thì mới dùng đến nó, chất albumin ở đay chủ yếu là có trong các thực phẩm động vật gồm có cá, gia cầm, các loại thịt, sữa và các sản phẩm làm từ sữa, trứng gà và các loại đậu đỗ v.v…
Chất béo: Chất béo có nhiệt lượng cao nhất chủ yếu là từ các dầu động vật và thực vật. Cần hạn chế nhiệt lượng do chất béo cung cấp vào khoảng 25% tổng nhiệt lượng cần thiết trong ngày bởi vì nếu hấp thụ nhiều nhiệt lượng cần thiết trong ngày bởi vì nếu hấp thụ nhiều nhiệt lượng trong chất béo thì chẳng những cơ thể bị thừa nhiệt và cholesterol, mà còn làm tăng tỷ lệ mắc các chứng bệnh ung thư đường ruột, ung thư vú, ung thư tụy, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư buồng trứng v.v… Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 150 – 200g thực phẩm động vật là đủ.
Các loại thực phẩm có nhiệt lượng cao nhất là đậu đỗ, dầu lạc, dầu vừng, cứ 100g có đến 900 calo.
Phân phối ba bữa ăn
Nếu muốn giảm béo, thì tỷ lệ nhiệt lượng của ba bữa ăn trong ngày nên như sau: buổi sáng 25%, buổi trưa 50%, buổi tối 25%. 75% nhiệt lượng cần trong ngày phải được hấp thụ đủ trước 1 giờ chiều, khi ăn cần nhai thật kỹ, đừng vội vàng, thời gian ăn tốt nhất nên kéo dài khoảng 20phút, ăn xong cần rời khỏi bàn ngay, như thế sẽ có lợi cho tiêu hóa và tránh ăn quá nhiều.
Tại trung tâm vận động ở Mỹ, các nhà khoa học đã nghiên cứu một nhóm phụ nữ béo, họ cho những phụ nữ này mỗi ngày hấp thụ 1200 calo, trong đó 25% nhiệt lượng (300 calo) hấp thụ từ bữa ăn sáng, 50% nhiệt lượng (600 calo) hấp thụ từ bữa ăn trưa và 25% nhiệt lượng (300 calo) hấp thụ từ bữa ăn tối. Mỗi tuần họ giảm béo được từ 0,45 – 0,9kg, đây là tỷ lệ giảm béo nhanh nhất. Không nên hy vọng giảm béo nhanh chóng. Nếu trọng lượng cơ thể hiện tại của bạn không quá nặng thì bạn cũng đừng nên quá lu bù với tiệc tùng, đặc biệt không nên ăn tối xong đi ngủ ngay, bởi vì ăn cơm tối xong, nói chung con người ít hoạt động, nhiệt lượng hấp thụ sẽ tích tụ thành các chất béo làm cho ta ngày càng béo.
Cần kiên trì thói quen ăn ba bữa theo khẩu hiệu sau đây:
“Sáng ăn ngon miệng, trưa ăn no, tối ăn ít”.
2. “Giảm ăn dưỡng sinh” sẽ giảm béo và có lợi cho tuổi thọ
Duy trì tiêu chuẩn trọng lượng cơ thể, hạn chế hấp thụ nhiều nhiệt lượng, phân phối hợp lý ba bữa ăn chính là cách mà người ta gọi là “hạn chế ăn dưỡng sinh”. Qua nghiên cứu cho thấy: hạn chế ăn có thể giúp thần kinh thực vật, nội tiết và hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích thích, điều chỉnh được các hoạt động của cơ thể, làm tăng khả năng miễn dịch, giữ được trang thái thăng bằng của hệ thống thần kinh.
Nhà khoa học Mỹ đã suy luận: nếu loài người áp dụng mô hình ăn ít thì có thể sống lâu hơn từ 20 – 30 năm. Người đầu tiên đề xuất thuyết “Ăn ít để được sống lâu” là một học giả người Italy, khi ông 83 tuổi vẫn cưỡi ngựa leo núi và đã sống trên 100 tuổi. Nghiên cứu mới nhất của nước ngoài cho thấy: “Ăn hơi đói có thể kéo dài tuổi thọ”.
Trong bản tổng kết kinh nghiệm về những người sống lâu trong mấy nghìn năm qua của Trung Quốc cũng đã nêu lên: “Ăn ngót dạ một tí sẽ không cần phải thuốc thang”. Trong dân gian cũng có câu: “Hạn chế ăn uống có thể phòng ngừa được bách bệnh”. Một người Anh đã trường thọ 152 tuổi, sống qua chín đời vua ở nước Anh, ông luôn hạn chế ăn uống, đã từng được mời vào hoàng cung, sau khi dự bữa tiệc linh đình toàn là cao lương mỹ vị, ông đã qua đời.
Tôn Tư Mạc, nhà danh y nổi tiếng đời Đường là người thọ trên 100 tuổi, mọi người hỏi ông về cách sống, ông đáp: “Chỉ có cách đừng ăn no quá”. Câu nói giản dị ấy đã cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa hạn chế ăn uống và trường thọ.
Đương nhiên, hạn chế ăn uống không có nghĩa là càng ăn ít càng tốt, tiền đề của nó là: lựa chọn thực phẩm, dinh dưỡng cân đối, no, đói phải mức. Các chuyên gia khuyến nghị: hàng ngày, mỗi người nên hấp thụ từ 1200 – 1500 calo nhiệt lượng và giảm hấp thụ chất đường, chất béo động vật.