Đồ bếp chuyên nghiệp cho những đầu bếp tại gia (P2)
(Giúp bạn)Dù nhiều hay ít, những dụng cụ làm bếp và làm bánh thiết yếu cũng được xem như những trợ thủ đắc lực của bạn trong bếp, không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo thành công cho bất cứ công thức nào.
Trong phần 2 này, hãy cùng khám phá những dụng cụ làm bếp, làm bánh bạn nhé!
- 1
Đui bắt bông kem
Trong trang trí bánh kem không thể không kể đến túi và đui bắt bông kem. Bộ dụng cụ này quan trọng khi bạn cần bóp đường viền, tạo hình hoa, vẽ hình, viết chữ lên bánh... Nếu chưa sở hữu đủ bộ, bạn cũng có thể hài lòng và thỏa thích bắt bông kem với những đui cơ bản như sò, sao, hoa, lá, cánh hoa hồng.
- 2
Khuôn tròn
Khuôn tròn đế liền là một trong những loại khuôn cơ bản nhất trong làm bánh, thích hợp để làm các loại bánh bông lan/gateau cơ bản. Ngoài đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng, giá thành khuôn nhôm cũng thấp hơn so với những loại khuôn chống dính, hay khuôn đế rời.
- 3
Khuôn bánh táo (pie)
Khuôn pie cũng có dạng hình tròn, thành thấp, phẳng hoặc lượn sóng. Khuôn pie đế liền thích hợp khi bạn cần làm các bánh có lớp vỏ phía dưới, nhân bánh (thường là trái cây) ở giữa và trên mặt bánh phủ kín 1 lớp vỏ bột nữa trước khi nướng bánh. Khi nướng loại bánh này, lớp nhân trái cây thường tiết ra nhiều nước, dùng khuôn đế liền bạn sẽ không lo phần nước bị trào ra lò.
- 4
Khuôn nướng pizza
Nếu bạn muốn tự tay làm pizza tại nhà thì sở hữu một khuôn nướng pizza là cần thiết. Khuôn phổ biến đươc làm từ chất liệu nhôm dày cao cấp, nhôm anod chống chày xước hoặc thép, đảm bảo nhiệt được phân bố đều khắp chiếc pizza. Một khuôn đường kính cỡ 32cm đủ để bạn làm được chiếc pizza cỡ lớn rồi. Trong đó khuôn đế liền rất thích hợp nếu bạn muốn làm vỏ bánh mềm. Ngoài ra một dạng khuôn đục lỗ khác sẽ giúp bạn có được chiếc pizza đế mỏng vỏ giòn hoàn hảo.
- 5
Cán bột mini
Cây cán bột mini thực sự là trợ thủ đắc lực cho bạn trong bếp nhất là khi bạn cần cán những miếng bột nhỏ để làm bánh ngàn lớp, bánh quy hay cả pizza nữa. Loại cán không có tay cầm này giúp bạn dễ dàng cảm nhận bột cũng như tạo hình như ý muốn.
- 6
Khuôn muffin/cupcake
Những khuôn muffin xinh xắn này cũng là dạng khuôn thường dùng và nên có trong bếp của bạn. Về kích thước, với cupcake thường có loại mini (đường kính miệng khoảng 3-4cm) và loại thường (đường kính miệng 5-7cm), khuôn muffin có thể to hơn song về hình dáng cơ bản giống nhau nên bạn hoàn toàn có thể nướng cùng một loại khuôn. Ngoải ra dạng khuôn này cũng thích hợp cho bạn nào muốn làm các loại bánh popover hay bánh mỳ ổ nhỏ, tart nhỏ...
- 7
Khuôn madeleine
Khuôn dành cho các loại bánh sponge cỡ nhỏ truyền thống của Pháp với hình dạng đặc trưng giống vỏ sò. Khuôn Madeleine thường có dạng khay liền với 8 – 12 khuôn sò nhỏ, chất liệu bằng kim loại hoặc Silicone.
- 8
Khuôn silicon
Hẳn với những ai đã đam mê làm bánh ngọt không thể không sở hữu 1 loại khuôn silicon. Đặc điểm nổi bật của khuôn là chống dính tốt, dễ vệ sinh và tiết kiệm diện tích bởi có thể gấp gọn. Ngoài ra khuôn silicon cũng rất đa dạng về kiểu dáng, có thể khuôn có hình tim, hình cánh hoa hay con thú, đồ vật...
- 9
Khuôn đổ kẹo
Bạn hoàn toàn có thể tự tay làm được những viên kẹo xinh xắn, đáng yêu mang cá tính của riêng mình nhờ bộ khuôn đổ sô cô la này. Ngoài làm kẹo socola bạn cũng có thể dùng để đổ thạch rau câu, sugarpaste, marzipan bởi khuôn được thiết kế các chi tiết nhỏ rất sắc nét và có thể lấy ra dễ dàng. Khuôn được làm từ nhựa độ bền cao, an toàn với thực phẩm, có thể giữ lạnh trong thời gian ngắn không lo gãy vỡ.
- 10
Cân điện tử
Làm bánh đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối về định lượng của các nguyên liệu sử dụng, nên cân là thứ không thể thiếu. Ưu điểm của một cái cân điện tử là có thể đong đến 1gram hoặc 0,1gram hay những đơn vị khác như oz, lb, ml và đặc biệt bạn không phải nhớ trừ bì như cân cơ.