Làm sao để 'giải cứu' món ăn bị mặn
(Giúp bạn)Bạn có thể xử lý rắc rối này bằng cách sử dụng một số thành phần khá đơn giản sẵn có trong bếp. Sau đây là một số bí quyết giúp làm giảm bớt lượng muối trong món ăn.
- 1
Sử dụng thêm nguyên liệu của món ăn
Cách phổ biến nhất để giảm bớt độ mặn cho món ăn đã nấu là tăng thêm số lượng các nguyên liệu cơ bản có trong món ăn. Nếu thấy món ăn mặn hơn bình thường, bạn có thể nấu thêm một số thành phần chính và cho chúng vào món ăn (có thể cho thêm nước nếu cần).
- 2
Nước chanh tươi
Cho thêm một ít nước chanh tươi vào món ăn cũng giúp làm giảm bớt muối. Đây là một trong những cách loại bớt muối mà không làm hỏng mùi vị của món ăn.
Tuy nhiên, cần chú ý là chỉ được cho nước chanh vào những món ăn không sử dụng các sản phẩm từ sữa. Tính a-xít của chanh sẽ khiến những thành phần có nguồn gốc từ sữa bị kết tủa.
- 3
Đường hoặc mật ong
Một ít đường hoặc mật ong cũng là biện pháp giúp bạn “cứu” món ăn đang bị mặn do có quá nhiều muối. Độ ngọt của đường và mật ong sẽ trung hòa, làm giảm bớt vị mặn.
- 4
Sữa chua nguyên chất hoặc cà chua
Việc tăng cường thêm độ chua cho món ăn bằng cách sử dụng sữa chua nguyên chất hoặc cà chua sẽ làm cho vị của món ăn dịu lại, ít mặn hơn lúc ban đầu.
- 5
Khoai tây sống
Để “cứu nguy” cho món ăn bị mặn, bạn có thể gọt vỏ một củ khoai tây sống, thái thành những miếng to và cho vào món ăn. Ngâm khoai tây trong món ăn đã nấu khoảng 10 phút. Khoai tây có khả năng hút bớt lượng muối. Lưu ý là không lấy khoai tây ra khỏi món ăn cho đến khi bạn dọn bữa.
Phương pháp này rất thích hợp với các món hầm, súp và nước hầm xương.
- 6
Giấm thơm
Giấm thơm cũng là một loại gia vị có khả năng khử loại chất mặn của muối. Chỉ cần cho một lượng nhỏ giấm thơm vào món ăn, vị mặn sẽ từ từ giảm dần. Trong quá trình cho giấm vào, chỉ nên cho từng ít một rồi nếm thử cho đến khi cảm thấy vừa miệng.