Thơm như bánh cuốn Hà Nội ngày đông
(Giúp bạn)Một sáng mùa đông thức dậy, thèm ăn một cái gì đó nóng, dễ nuốt mà không phải là bún, phở, tôi chợt nhớ ra bánh cuốn. Thế là khoác áo lại, bắt một chuyến xe buýt tới gõ cửa nhà người bạn phố Hàng Cót rồi hai người đủng đỉnh xuống Hàng Gà, “Bánh cuốn Phượng” đã mở cửa, đón những thực khách đầu tiên.
Quán nhỏ xíu, căn nhà số 68, mới sơn sửa lại nên nhìn nổi bật giữa những căn nhà tường vàng, mái nâu lân cận. Quán độc đáo ở chỗ chỉ mở cửa đúng từ 7 giờ sáng và hết khách lúc chưa đến 11 giờ trưa. Bàn ghế được xếp gọn nhất có thể do đặc thù nằm trong Phố Cổ, đất chật người đông.
Một khoảnh nhỏ- hơi nhô ra vỉa hè là chỗ ngồi của người chuyên tráng bánh, người chuyên rắc hành, thái chả cho khách, người chuyên lo trông coi xe, dọn dẹp bát đũa. Thế mà cứ đều răm rắp, ai có việc người đó, chưa bao giờ xảy ra cãi cọ, dù khách hàng có khi phải đứng xếp hàng mới đến lượt vào ăn.
|
Chúng tôi là những người mở hàng của “Bánh cuốn Phượng” sớm hôm đó. Người tráng bánh chỉ mặc một lần áo len, vì riêng hơi nóng tỏa từ chiếc nồi hơi lên cũng đủ làm chị ấm hồng đôi má.
Trên mặt bàn, nước chấm, rau thơm, ớt, tỏi, hạt tiêu đã sẵn sàng. Rau húng xanh non, mỡ màng. Tô nước chấm đều ăm ắp, màu hổ phách trong veo, nhìn rõ những lát ớt đỏ tươi và những miếng nấm hương được thái mỏng. Tôi “kết” bánh cuốn Hàng Gà cũng vì thứ nguyên liệu “không giống ai” của món ăn này: nấm hương.
Cùng với mộc nhĩ, thịt nạc, hành củ, nấm hương được băm nhỏ và xào chín để làm nhân bánh. Nấm hương cũng được xắt nhỏ, xào thơm rồi thả vào tô nước chấm nóng hổi, chờ thực khách cảm nhận được cái thơm, cái giòn của món ăn.
|
Hai phần bánh cuốn chả được bưng ra trước mặt chúng tôi. Những miếng bánh cuốn trắng mềm mại, trong veo, nhìn rõ cả những lát hành và nấm hương được băm nhỏ xếp chồng lên nhau trên một chiếc đĩa màu xanh ngọc. Cạnh đó là vài lát chả quế đã được hấp nóng hổi. Vài cọng rau thơm xanh xanh phủ một lớp trên cùng. Tôi tò mò nhìn người bạn đồng hành cẩn thận rắc một chút hạt tiêu, thả thêm vài lát ớt vào bát nước chấm. “Trời lạnh, thế này là tuyệt nhất!”, anh cười.
Nước chấm hòa đủ vị chua cay mặn ngọt. Bánh cuốn nóng hổi, mềm mại, thơm lừng mùi nấm hương, thịt nạc, mộc nhĩ. Một chút hăng hăng của cọng rau húng. Tất cả hòa vào một vị ngon khó cưỡng lại. Chúng tôi ai cũng gắp liên tục cho đến khi chiếc đĩa trống trơn, chỉ còn lại... vài cái cuống rau thơm. Người bạn nháy mắt, “Ấm người rồi chứ?”. Tôi tiếc rẻ, chưa muốn đứng dậy vì mải hít hà mùi thơm của những đĩa bánh cuốn đang được bưng ra cho những vị khách tiếp theo...
Tôi thích bánh cuốn. Hầu như đến tỉnh thành nào tôi cũng nếm thử món ăn này. Bánh cuốn trứng Lạng Sơn ăn ngầy ngậy, là lạ. Bánh cuốn kèm chả mực Hạ Long ngon đậm đà. Bánh cuốn thịt nướng Tam Đảo ăn giữa một trời đất đầy sương mù và gió lạnh kể ra cũng thú vị.
|
Riêng ở Hà Nội thôi cũng có bao nhiêu thức bánh cuốn: Bánh cuốn nguội Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội) ngon một cách giản dị, bánh cuốn nhân thịt gà cuối phố Hàng Bồ lạ lẫm, bánh cuốn Thanh Vân nhân ruốc tôm thơm lừng đầu phố Hàng Gà.... Thế nhưng, công nhận, tôi chỉ yêu bánh cuốn nhân nấm, thịt của cửa hàng Phượng- 68 Hàng Gà ấy.
Không phải quán nhỏ, xinh xắn trông sang Hàng Mã rực rỡ màu sắc mỗi độ Giáng sinh, năm mới; cũng không phải bát nước chấm ngon mềm môi mỗi lần nếm thử; không phải anh bạn đi cùng có nụ cười duyên...; mà có lẽ món ăn Hà Nội ngon ở chính cái không gian, nơi những món ăn có tuổi đời cả trăm năm, được hình thành trong một con phố cổ kính, xưa cũ...
Tôi yêu sớm mùa đông Hà Nội, khi gió thổi vừa đủ làm người ta lạnh, ngồi xuống một hàng bánh cuốn đầu phố Hàng Gà, ngắm khói bay trên tay người tráng bánh, ngửi mùi thơm từ gạo, từ hành, từ nấm, nếm thử miếng bánh cuốn tưởng giản đơn nhưng lắm kỳ công của người làm ra nó.
Thế là đủ cho bao nhiêu yêu thương về một vùng đất tôi gọi tên: Hà Nội!