Về Hội An thưởng thức bánh đập
(Giúp bạn)Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người Quảng Nam nào cũng biết đến. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ.
Bánh đập có nhiều ở miền Trung nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An.
Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt. Với bánh tráng nướng, bánh được tráng cực kỳ mỏng, rồi mang đi phơi khô và nướng trên bếp than đỏ, sau đó bỏ vào bao cột kín để giữ được độ giòn lâu và dùng làm dự trữ. Bánh tráng ướt, chỉ khi nào ăn mới làm.
Bánh đập được tạo nên từ hai loại bánh này. Ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt quệt lên nhân đậu xanh nhuyễn, phết dầu mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá (mì bánh đa sợi nhỏ) vào cùng với lớp bánh tráng ướt.
Tiếp đó dùng tay đập nhẹ nhẹ lên bánh để hai miếng bánh dính lại với nhau, phần bánh tráng nướng bị vỡ và phần bánh ướt sẽ kết dính các vụn bánh nướng lại, giúp cho miếng bánh tráng nướng không cứng cũng không bị mềm nhũn mà ươn ướt, dẻo dẻo. Sau đó gập đôi bánh lại là đã có một chiếc bánh đập. Bánh đập phải thật mỏng ăn mới ngon.
Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có vừng, chấm nước mắm ớt và đồ ăn ghém chua. Nước chấm được pha từ mắm cái. Mắm pha với một chút đường, trái dứa bằm nhỏ, một chút hành phi dầu, nêm nhiều tỏi và ớt sừng xanh đặc hiệu của xứ Quảng, loại ớt này khi giằm vào mắm thì dậy mùi thơm đặc trưng. Như thế là đã có một chén nước chấm hoàn thiện. Chén nước chấm chỉ đơn giản vậy thôi nhưng ngon đến lạ!
Nhìn chiếc bánh đập đơn giản là thế nhưng khi đã thưởng thức rồi mới cảm nhận được cái ngon, cái hấp dẫn, sự độc đáo riêng có của nó. Cái giòn tan của bánh tráng nướng, cái mềm mềm của bánh tráng ướt, vị beo béo của mỡ hành, cộng thêm mùi mắm nêm nồng nồng, cay cay thật hấp dẫn. Nếu ai có dịp tới Hội An đừng quên thưởng thưc món ăn dân dã, đặc trưng này.