Cách làm mới smartphone Android cũ

15:10 27/02/2014

(Giúp bạn)Người dùng mới cần chú ý đưa thiết bị về lại trạng thái cài đặt gốc, khai báo tài khoản Google, cài đặt bộ gõ Tiếng Việt và nâng cấp các ứng dụng sẵn có.

Bài viết hướng dẫn thực hiện trên smartphone sử dụng hệ điều hành Android phiên bản 2.3.6, đây cũng chính là phiên bản phổ biến trên hầu hết các dòng điện thoại Android cũ, giá rẻ đang được bán ngoài thị trường. Đối với những dòng smartphone mới hơn được cài đặt Android 4.0 trở lên, cách cài đặt có thể khác.

  • 1
    Đưa máy về trạng thái gốc

    Thông thường, người bán sẽ chủ động thực hiện việc này trước khi giao máy. Tuy nhiên, nếu phát hiện trên điện thoại có những ứng dụng, dữ liệu lạ, như hình ảnh, video, phần mềm chat có lưu sẵn tài khoản… thì bạn hãy tự tay đưa thiết bị về lại trạng thái cài đặt gốc.

    Đầu tiên, vào Settings, Privacy, chọn "Factory data reset". Nếu muốn xóa luôn dữ liệu của thẻ nhớ đang gắn trong máy, chọn thêm "Erase SD card". Lưu ý rằng, phải sao lưu những dữ liệu quan trọng trong thẻ nhớ trước khi xóa. Xong, nhấn Reset phone, "Erase everything". Lúc này, điện thoại sẽ thực hiện quá trình xóa dữ liệu và tự khởi động lại.

    cach-lam-moi-smartphone-android-cu-1

  • 2
    Thiết lập lại thông tin

    Sau khi thiết bị khởi động lại, màn hình sẽ ở chế độ khóa. Người dùng chỉ việc mở khóa màn hình, rồi thực hiện các thiết lập cho lần đầu sử dụng. Đối với những dòng điện thoại được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam, hều hết đều cài đặt Tiếng Việt làm ngôn ngữ mặc định. Do vậy, trên màn hình thiết lập lúc này sẽ là Tiếng Việt. Trước khi vào các thiết lập khác, người dùng nhấn vào “Thay đổi ngôn ngữ” để chọn sang ngôn ngữ muốn dùng thực sự. Sau đó, nhấn vào biểu tượng Android trên màn hình để qua bước cài đặt SIM, kết nối Wi-Fi.

    Sử dụng Android, đồng nghĩa với việc đã chấp nhận sự gắn bó chặt chẽ với Google, cũng như các ứng dụng của hãng (Google Search, Gmail, Google Maps, YouTube…). Theo đó, Google yêu cầu được thu thập dữ liệu từ các hoạt động của bạn trên môi trường Internet, thông tin vị trí địa lý. Bạn có thể cho phép hoặc không cho phép Google thực hiện việc này, đồng thời khai báo tài khoản Google để sử dụng cho tất cả các dịch vụ, ứng dụng trên.

    Tiếp theo, bạn cần đặt lại ngày giờ cho thiết bị. Nếu smartphone có GPS, bạn có thể nhờ nó định vị và xác định múi giờ một cách tự động, hoặc theo thông tin từ nhà mạng (nếu đang gắn SIM trong điện thoại).

    Đó là những thiết lập cơ bản ban đầu. Xong, màn hình chính sẽ xuất hiện cho bạn sử dụng các tính năng của smartphone.

  • 3
    Cập nhật ứng dụng

    Hệ điều hành Android mặc định luôn được cài đặt sẵn một số tiện ích, bạn cần kiểm tra lại các ứng dụng nào lỗi thời để cập nhật phiên bản mới nhất để nó hoạt động ổn định hơn và đầy đủ tính năng hơn. Trước hết, nhấn vào biểu tượng CH Play (hoặc Play Store), nhấn phím Menu, chọn My Apps, Browse Apps. Danh sách các ứng dụng có bản cập nhật mới sẽ hiện ra, bạn nhấn vào tên ứng dụng, rồi chọn Update, "Accept & download".

    cach-lam-moi-smartphone-android-cu-2

  • 4
    Cài đặt bộ gõ Tiếng Việt

    Ở những phiên bản Android cũ như 2.3.6 thường không được cài đặt sẵn bộ gõ Tiếng Việt, do đó người dùng cần phải tự cài đặt từ kho ứng dụng Play Store. Người dùng có thể tải và cài đặt bộ gõ Vietname IME tại địa chỉ này.

    cach-lam-moi-smartphone-android-cu-3

    Sau khi cài đặt thành công, bạn vào Settings, chọn "Language & keyboard", nhấn Vietnamese IME để cho phép bộ gõ này hoạt động. Tiếp theo, chọn Vietnamese IME Settings để thiết lập kiểu gõ là VNI hay TELEX. Cuối cùng, vào Select input method, chọn Vietnamese IME trong danh sách hiện ra.

Comments