Có nên mua bán danh sách email không?
(Giúp bạn)Nếu bạn bỏ 200.000đ ra, bạn sẽ có danh sách email với 10 triệu địa chỉ thật (rất ấn tượng!), nhưng chắc chắn là bạn sẽ không thể dùng được danh sách email này, thậm chí đi tong luôn cả thương hiệu. Tại sao?
- 1
Email còn được sử dụng rất thấp
Vì những mục đích khác nhau, chúng ta thường tạo khá nhiều địa chỉ email nhưng chỉ sử dụng khoảng 2-3 email trong số chúng. 2-3 địa chỉ đó gọi là email còn được sử dụng. Danh sách email trên được góp nhặt cách đây cả chục năm, chủ yếu bằng phần mềm quét tìm email hoặc qua các chương trình, hội nghị, nên tỉ lệ email còn sử dụng sẽ rất rất thấp. Đó là chưa kể 1 số dịch vụ email sẽ xóa tài khoản nếu sau 1 khoảng thời gian không đăng nhập.
Ai làm email marketing đàng hoàng sẽ biết là tỉ lệ mở email với danh sách email tốt chỉ vào khoảng 10-30%, thì với cái danh sách email này, tỉ lệ mở email giỏi lắm là được 1-2% nhưng tỉ lệ bounce sẽ rất cao.
- 2
Bạn sẽ bị đưa vào blacklist
Tỉ lệ bounce là 1 trong những tiêu chí để các nhà cung cấp dịch vụ email như Gmail, Yahoo đánh giá là bạn có spam hay không. Nếu bạn gửi email với số lượng lớn và tỉ lệ bounce cao (khoảng 10%), nhà cung cấp sẽ đưa bạn vào blacklist ngay lập tức, và điều này sẽ giết luôn thương hiệu của bạn.
Giả sử tôi sử dụng email moriator[at]thuthuatmarketing.com gửi 1 số lượng email lớn đến các địa chỉ Gmail, thì Gmail sẽ chặn luôn những email có đuôi [at]thuthuatmarketing.com, và tôi không còn cơ hội gửi đến Gmail được nữa. Yahoo và các dịch vụ khác cũng tương tự như vậy.
Nếu bạn nào đã sử dụng Mailchimp hoặc GetResponse, nếu danh sách email bạn thêm vào có tỉ lệ bounce >10%, bạn sẽ bị khóa tài khoản.
- 3
Làm sao để gửi 10 triệu email?
Gmail chỉ cho gửi tối đa 500 email/ngày, nếu hơn thì bạn sẽ bị khóa tài khoản trong vòng 3 ngày. 10 triệu email thì bạn phải mất đến… 20.000 ngày, tức 54 năm mới gửi xong (hahaha). SMTP còn ít hơn, chỉ được 100 email/ngày.
Nếu bạn sử dụng thuê server để gửi email, thì chắc chắn bạn sẽ bị nhà cung cấp lock tài khoản ngay khi bạn vừa nhấn nút “Send”.
- 4
Tỉ lệ thần thánh vào inbox 99% là lừa đảo
Gmail và Yahoo có bộ lọc thư rác cực kì thông minh và gần như không thể qua mặt được. Trừ phi Google & Yahoo tự gửi, chứ nếu có cái phần mềm thần thánh cho tỉ lệ thần thánh 99% thì mình bỏ nghề ngay. Có rất nhiều tiêu chí để các dịch vụ email xác định 1 email spam.
- 5
Danh sách được test kĩ càng cũng là lừa đảo
Test email là một việc rất khó và tốn nhiều công sức. Các nhà cung cấp email đều chặn được các yêu cầu kiểm tra email không rõ nguồn gốc nên các phần mềm test email thường không hiệu quả với số lượng lớn. Do đó, với 10 triệu email mà test kĩ càng là chuyện vô lý.
Hơn nữa, các email này được thu thập bằng các phần mềm tự động quét website hoặc qua các hội thảo, chương trình nên không có chuyện được phân loại chi tiết.
- 6
Phạm pháp
Chẳng có luật pháp nước nào cho phép bạn spam cả. Cơ bản là bạn không được quyền mua bán danh sách email mà không có sự đồng ý của người nhận, không được sử dụng các phần mềm thu thập email và không được lấy email mà không được người sở hữu địa chỉ email cho phép.