Hướng dẫn kiểm tra laptop trước khi sử dụng

14:43 27/02/2014

(Giúp bạn)Vừa mua xong chiếc laptop mới cứng, chắc hẳn ai cũng muốn thiết bị của mình thật hoàn hảo và không gặp sự cố nào. Tuy nhiên, trước khi trải nghiệm sản phẩm, bạn cũng nên thực hiện vài bước kiểm tra cần thiết nữa nhá. Nếu phát hiện sai sót, bạn hãy đem ngay tới cửa hàng phân phối để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu quá trình chúng ta cần thực hiện này.

  • 1

    Kiểm tra tổng quan
     
    Trước lúc xuất xưởng, laptop thường được kiểm tra rất kỹ lưỡng. Nhưng model có thể gặp sự cố khi vận chuyển, bảo quản… Cũng có trường hợp cửa hàng bán máy refurbished (loại 2, loại 3) với giá brandnew nhằm đánh lừa khách hàng. Bởi vậy, muốn đảm bảo chiếc laptop vừa mua còn mới tinh, bạn cần kiểm tra toàn diện phần vỏ ngoài. Kế đó, bạn xem xét những vị trí dễ xước sơn như góc cạnh, kiểm tra phía trên và dưới thân máy có bị lõm hay không…
     
    Khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, bạn cần liên hệ ngay với nhà phân phối và trao đổi về những điều trên nhé.

    huong-dan-kiem-tra-laptop-truoc-khi-su-dung-1

    Muốn đảm bảo chiếc laptop vừa mua còn mới tinh, bạn cần kiểm tra toàn diện phần vỏ ngoài.

  • 2

    Kiểm tra màn hình, bàn phím
     
    Bước tiếp theo, chúng ta cùng mở máy và ngắm nghía thật kỹ phần màn hình. Màn hình chuẩn sẽ rất phẳng, không gặp lồi lõm, không dính vết tì đè của bàn phím. Một số dòng máy không được thiết kế tốt hoặc gặp lỗi trong quá trình sản xuất sẽ khiến màn hình bị in hằn dấu của bàn phím. Về lâu về dài, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng màn hình.
     
    Bên cạnh đó, bạn hãy kiểm tra bàn phím xem nút bấm nào lắp sai vị trí, không bị kẹt, lỏng hay flex (lún phím).... Để mắt tới cả những phím cảm ứng đa phương tiện cũng chẳng thừa đâu teen nhé.

  • 3

    Kiểm tra pin và phụ kiện
     
    Thông thường, nhà sản xuất sẽ tặng một số phụ kiện kèm theo laptop, quan trọng nhất là pin và sạc (adapter). Hãy kiểm tra pin với những dấu hiệu "đau khổ" như méo, xước, mùi lạ, han gỉ tại các điểm tiếp xúc…
     
    Với sạc pin, chúng ta cần nghiên cứu dây dẫn nhằm đảm bảo không bị gẫy, đứt, hay dập tại mọi vị trí. Các đầu cắm dây phải luôn chắc chắn, không được lỏng. Nếu kiểm tra tới đây mà chưa gặp trục trặc thì bạn cứ yên tâm khám phá tiếp nào.

    huong-dan-kiem-tra-laptop-truoc-khi-su-dung-2

    Kiểm tra ổ cứng nhằm đảm bảo mọi thông số trùng khớp như nhà sản xuất thông báo.

  • 4

    Kiểm tra hoạt động của bàn phím, màn hình và pin
     
    Chúng ta lắp pin, cắm sạc, khởi động máy và chờ màn hình desktop hiện lên. Bạn tiếp tục tìm kiếm điểm chết trên màn hình bằng cách thay đổi hình nền (chuyển về chế độ 1 màu) hoặc kích hoạt phần mềm chuyên dụng Checkmonitor. Ngoài ra, chiếc màn hình xịn cũng không thể bị ố, hiển thị sai lệch màu sắc, sổ ngang, sổ dọc...
     
    Muốn thử nghiệm bàn phím, bạn bật trình soạn thảo văn bản và kiểm tra từng phím bấm. Bạn cũng đừng quên kiểm tra touchpad nữa.
     
    Với pin, bạn cứ việc sạc đầy rồi test bằng tiện ích hỗ trợ như Battery Meter, AIDA64, Everest, Battery Care... Hãy chú ý cả tới nhiệt độ của pin tại chế độ làm việc bình thường, không được quá nóng!

  • 5

    Kiểm tra cổng giao tiếp và ổ quang
     
    Bây giờ, bạn triển khai kiểm tra các cổng giao tiếp bằng cách cắm thử thiết bị ngoại vi. Đặc biệt, ngoài cổng USB phổ biến, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn tới nhóm ít sử dụng như eSATA, HDMI, VGA… Bạn biết đấy, nếu sau này dùng đến rồi phát hiện trục trặc thì sẽ rất khó giải quyết. Sau đó, bạn chuyển sang ngâm cứu Bluetooth, Wi-Fi, đầu đọc thẻ nhớ, webcam…
     
    Đối với ổ đĩa quang, chúng ta có thể ghi thử vài chiếc đĩa. Lưu ý, một vài ổ quang DVD bị lỗi, chỉ cho phép đọc chứ không ghi được nên việc kiểm tra bằng cách đọc đĩa DVD vẫn chưa thật an toàn đâu.

  • 6

    Kiểm tra ổ cứng
     
    Kiểm tra ổ cứng nhằm đảm bảo mọi thông số trùng khớp như nhà sản xuất thông báo. Đặc biệt, dung lượng ổ cứng phải sát mức chuẩn. Thông thường, ổ cứng 320GB sẽ báo dung lượng khoảng 300GB, còn ổ cứng 500GB phải xấp xỉ 460GB trong hệ điều hành. Sự chênh lệch này do cách tính khác nhau giữa nhà sản xuất và hệ điều hành. Tuy nhiên, con số cao thấp không được quá lớn đâu.

  • 7

    Kiểm tra hệ điều hành
     
    Ngày nay, hầu hết laptop được cài sẵn hệ điều hành. Bởi vậy, bạn hãy nhớ kiểm tra bản quyền kèm theo máy nữa nhé. Muốn thực hiện, bạn truy cập trang chủ Microsoft theo đường dẫn này, nếu kết quả báo về "Successfully Complete" thì yên tâm rồi đấy.

Comments