Kiếm tiền từ bán hàng trực tuyến: thử thách và bí quyết

15:11 27/02/2014

(Giúp bạn)Nếu xác định kinh doanh trực tuyến, bạn có 2 hướng để lựa chọn: Đăng ký gian hàng trên một “siêu thị” online hoặc làm chủ một cửa hàng riêng trên mạng.

  • 1

    “Cơ sở hạ tầng” cho trang web

    Để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, số vốn ban đầu khoảng 5 – 10 triệu đồng đủ để chúng ta xây dựng một trang web đơn giản. Việc tiếp theo là mua tên miền. Tên miền nên ngắn gọn, dễ nhớ, dễ tìm thấy trên các công cụ tìm kiếm và cũng nên liên quan tới mặt hàng mình muốn bán. (Hiện nay, giá một tên miền “.com” khoảng 10 USD/1 năm sử dụng). Sau khi có tên miền, chúng ta mua nơi lưu trữ trang web (host).

    Chúng ta làm sao để đảm bảo cửa hàng thật “ăn khách”? Mình nên thuê một công ty chuyên thiết kế web. Một trang web ổn phải đảm bảo giao diện thuận tiện cho đối tượng truy cập, có thông tin khuyến khích mọi người đăng nhập. Thông thường, một trang web ổn “nuốt” khoảng 800 USD và đôi khi số tiền lớn hơn, dưới 3000 USD đối với những trang web “xịn”.

    Việc kinh doanh sẽ có nhiều lợi thế, tạo được ấn tượng tốt cho khách nếu chúng ta đầu tư lớn cho trang web ngay lúc khởi sự. Còn ngược lại, khi không đủ tiền hoặc chưa tin tưởng vào việc kinh doanh, chúng ta không thể “mạnh tay” dồn vốn thì đành chọn cách nâng cấp trang web dần, chấp nhận những thiệt hại “tiềm ẩn” như: khó níu chân khách quay trở lại nếu thiết kế trang web quá tệ… Chưa kể, trong quá trình nâng cấp, trang web gặp các sự cố, gây gián đoạn truy cập…

    Để trang web lớn lên, chúng ta luôn có sẵn một số tiền để nuôi trang web, cụ thể như phí duy trì tên miền hàng năm; phí lưu trữ website hàng tháng hoặc hàng quý/năm (do mình lựa chọn); và cả chi phí quảng cáo.

    kiem-tien-tu-ban-hang-truc-tuyen-thu-thach-va-bi-quyet-1

  • 2

    Nguồn hàng ổn định

    Chúng ta cần đảm bảo “shop online” luôn có hàng. Nếu hết hàng, trong những mẫu mình đang giới thiệu, thì chúng ta phải nhanh chóng cập nhật hoặc thông báo, tránh để khách khó chịu vì liên tục nhận được câu trả lời “hết hàng”.

    Trong kinh doanh, việc có hàng tồn kho là bình thường. Chúng ta nên bán thanh lý hoặc làm quà khuyến mãi trước khi chúng hết hạn sử dụng.

  • 3

    Thanh toán tiện lợi

    Chúng ta cũng có nhiều cách thanh toán với khách hàng. Cách truyền thống là người giao hàng sẽ thu tiền đối với người mua ở nội thành. Theo kinh nghiệp của tôi, 8/10 trường hợp chủ shop đi giao sản phẩm, mang theo nhiều mặt hàng khác để khách lựa chọn đã bán thêm được hàng. Nếu đào tạo được nhân viên giao nhận có thể chào hàng được thì càng tốt, vì sẽ tạo được sự chuyên nghiệp trong mắt khách hàng.


    Riêng khách hàng ở ngoại thành, chúng ta sử dụng dịch vụ COD (dịch vụ phát hàng và thu tiền hộ của các bưu điện). Doanh nghiệp phải trả phí dịch vụ trên mỗi giao dịch, phí vận chuyển tùy vào từng công ty. Ví dụ như sử dụng dịch vụ của GNN Express, phí cố định giao nhận hàng hóa trị giá dưới 500 ngàn đồng là 10 ngàn-12 ngàn đồng và 2,5 % cho những giao dịch có giá trị cao hơn (áp dụng khu vực thành phố lớn). Tuy nhiên, phương thức này bất tiện ở điểm đến cuối tháng, bưu cục mới chuyển tiền hàng cho doanh nghiệp.

    Hiện hình thức thanh toán qua internet còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là người bán ngại giao hàng mà chưa nhận tiền còn người mua thì ngại đưa tiền truớc mà chưa thấy “mặt mũi” sản phẩm. Hơn nữa, nhiều khách hàng Việt Nam cũng chưa thông thạo việc sử dụng thẻ để thanh toán qua internet.

  • 4

    Chăm sóc khách hàng

    Nhờ có địa chỉ email của khách hàng, chúng ta có thể gửi email tư vấn hoặc giải đáp thắc mắc theo yêu cầu, gửi thư cảm ơn sau mỗi lần khách mua hàng và chúc mừng vào dịp lễ Tết, thông báo các chương trình khuyến mãi (chỉ nên gửi 1 lần trong mỗi dịp khuyến mãi để tránh làm phiền họ)…là điều quan trọng. Chúng ta cũng nên tạo điều kiện cho khách hàng có thể đánh giá sản phẩm một cách công khai trên web.


    Chăm sóc khách hàng tốt giúp chúng ta giữ được “danh tiếng” lâu dài, đừng để sai lầm nhỏ khiến tên “shop” bị đánh giá xấu trên các diễn đàn và mất khách.

    Chúng ta cũng nên xây dựng cơ chế đổi-trả hàng linh hoạt tùy từng sản phẩm. Trường hợp khách đòi trả hàng ngay khi mới nhận sản phẩm thì chúng ta có thể đáp ứng, sau khi trừ phí vận chuyển (riêng mỹ phẩm dùng rồi thì không đổi-trả được).
  • 5

    Quảng cáo hiệu quả

    Có nhiều cách để chúng ta quảng cáo trang web như “chào” trang web cho người thân, bạn bè và nhờ họ giới thiệu cho những người khác nữa. Hiện đại hơn, có thể nói là kiểu “bắt buộc” nhưng rất tiết kiệm: quảng cáo trên những trang tìm kiếm như Google. Kế đó là kiểu quảng cáo trên facebook. Việc này giúp chúng ta chủ động “túi” tiền, đo được hiệu quả trên mỗi lần xuất hiện hoặc số lần click chuột. Cách thứ 3, đặt banner quảng cáo trên những trang web.

    Việc này khá tốn tiền. Đa số những người xem tin hiếm khi click vào các banner/logo quảng cáo nếu như nó không đem lại lợi ích cho người xem (khuyến mãi, quà tặng…). Cuối cùng là việc vào các diễn đàn để quảng bá, chúng ta tư vấn tiêu cho người tiêu dùng và không gây ảnh hưởng xấu tới các đối thủ cạnh tranh. Dù sử dụng cách nào để quảng cáo, chúng ta cũng phải đảm bảo uy tín, chất lượng và đừng nên “rao” quá phóng đại về hàng hóa.

    Cửa hàng online có nhiều tiện ích hơn so với cửa hàng thực tế (offline) về mặt địa lý, không gian trưng bày, có xu hướng, phạm vi toàn cầu nhưng rất dễ “chết” nếu bị phản hồi xấu từ các nguồn trên internet. Trong tình huống này thì có vô vàn cách giải quyết và chỉ có thể xử lý theo tùy trường hợp.

Comments