10 thành phố thương mại “đại chúng” nhất thế giới
(Giúp bạn)Sự chuyển dịch tăng trưởng kinh tế từ Tây sang Đông trong suốt thập niên vừa qua, đã hình thành trên thế giới những thành phố, trung tâm thương mại mới.
Các khu vực như châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ hiện được xem là có mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng với tốc độ phát triển hạ tầng cơ sở nhanh chóng. Điều này đã trở nên hấp dẫn nhiều tổ chức đa quốc gia đổ tiền vào đầu tư, mở văn phòng, tăng thuê nhân công.
Chẳng hạn, các ngân hàng như HSBC và Barclay cho biết sẽ tăng thuê nhân công ở châu Á, trong khi cắt giảm nhân lực ở các thị trường phát triển. Hay như hãng GE đã di chuyển trụ sở kinh doanh X-ray của họ từ Mỹ sang Bắc Kinh.
Bảng xếp hạng dưới đây được hãng tin CNBC đưa ra trên kết quả nghiên cứu của CB Richard Ellis. Hãng địa ốc này đã tiến hành điều tra dư luận đối với 300 công ty lớn nhất thế giới, bao gồm cả các doanh nghiệp nằm trong và ngoài Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune.
Thứ bậc trong bảng xếp hạng được dựa trên tỷ lệ % số doanh nghiệp tham dự cuộc điều tra có văn phòng đặt tại các thành phố quốc tế.
- 1
Paris
Tỷ lệ công ty hiện diện: 55,7%
Chi phí thuê văn phòng: 1.093 USD/m2
"Kinh đô ánh sáng" Paris là một trong ba thành phố châu Âu hiện diện trong danh sách này. Paris được các công ty nước ngoài chọn lựa bởi đây là thủ đô của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu và "sở hữu" một đội ngũ người lao động có kỹ năng cao cấp. Văn phòng các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ chuyên môn và bảo hiểm nở rộ ở thủ đô của nước Pháp, trong khi số doanh nghiệp ôtô và khai khoáng hiện diện ít hơn.
- 2
Dubai
Tỷ lệ công ty hiện diện: 56,1%
Chi phí thuê văn phòng: 524 USD/m2Dubai là trung tâm thương mại hàng đầu ở Trung Đông và châu Phi. Thành phố này được coi là thiên đường an toàn của các công ty nước ngoài trong giai đoạn biến động ở thế giới Arab vừa qua. Dubai hấp dẫn hơn 70% doanh nghiệp tham dự cuộc điều tra của CB Richard Ellis trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Với vị trí chiến lược, giữa châu Âu và châu Á, thành phố này thường được chọn làm trụ sở, nơi đưa ra các quyết sách ở cấp cao.
- 3
Madrid
Tỷ lệ công ty hiện diện: 59,6%
Chi phí thuê văn phòng: 484 USD/m2Madrid là "mái ấm" của rất nhiều công ty thuộc lĩnh vực truyền thông, công nghệ và viễn thông. Thành phố này cũng là "nhà" của Telefonica, công ty điện thoại lớn thứ hai ở châu Âu. Madrid đóng góp hơn 20% GDP của Tây Ban Nha trong năm 2009. Thành phố này phát triển tốt hơn những nơi khác thuộc Tây Ban Nha, quốc gia đang đối mặt với gánh nặng nợ công.
- 4
Bắc Kinh
Tỷ lệ công ty hiện diện: 60,4%
Chi phí thuê văn phòng: 735 USD/m2Bắc Kinh là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, với gần 20 triệu người. Thủ đô của Trung Quốc đặc biệt hấp dẫn các công ty khai khoáng, xây dựng và nông nghiệp. Các công ty có quan hệ cấp cao với các cơ quan chính quyền và công ty nhà nước thường chọn Bắc Kinh làm nơi đặt trụ sở. Vài năm gần đây, Trung Quốc trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, nên Bắc Kinh cũng được nhiều hãng xe quốc tế hàng đầu chọn lựa mở văn phòng.
- 5
Moscow
Tỷ lệ công ty hiện diện: 60,7%
Chi phí thuê văn phòng: 850 USD/m2Moscow đứng thứ 6 trong danh sách này và đứng thứ hai ở châu Âu. Điều này cho thấy tầm quan trọng của nước Nga với tư cách là một nền kinh tế đang nổi lên. Moscow có cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển cao hơn các thành phố khác ở Nga. Dân số của Moscow vào khoảng 13 triệu người, cũng là một điểm hấp dẫn các công ty nước ngoài thuộc lĩnh vực dịch vụ chuyên môn.
- 6
Thượng Hải
Tỷ lệ công ty hiện diện: 61,4%
Chi phí thuê văn phòng: 812 USD/m2Thượng Hải là "nhà" của các tổ chức tài chính lớn và thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc. Đây là nơi đang đón nhận những nguồn vốn lớn từ Hồng Kông. Thượng Hải đặc biệt hấp dẫn các công ty thuộc lĩnh vực khai khoáng, xây dựng và hàng hóa tiêu dùng. Ngoài ra, Thượng Hải cũng đang trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng ở châu Á.
- 7
London
Tỷ lệ công ty hiện diện: 63,2%
Chi phí thuê văn phòng: 1.683 USD/m2 (khu West End) hoặc 974 USD/m2 (thành phố)London từ lâu đã là một trung tâm thương mại hàng đầu của thế giới, nhưng thứ hạng của thành phố này đang bị lung lay trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các trung tâm khác thuộc những nền kinh tế mới nổi. London hấp dẫn một số lượng lớn công ty nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, dịch vụ chuyên môn. London hiện có hơn 480 ngân hàng nước ngoài và các công ty công nghiệp nặng đa quốc gia. Đây cũng là một điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu trên thế giới.
- 8
Tokyo
Tỷ lệ công ty hiện diện: 63,9%
Chi phí thuê văn phòng: 20.469 USD/m2Tokyo hiện là "nhà" của rất nhiều công ty trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Fortune, chẳng hạn như Honda, Sony, Mitsubishi. Thành phố này cũng là trụ sở của một số ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới. Thủ đô của xứ sở hoa anh đào còn nổi tiếng là một trong ba "trung tâm tư lệnh" của nền kinh tế toàn cầu, cùng với New York và London.
- 9
Singapore
Tỷ lệ công ty hiện diện: 67,5%
Chi phí thuê văn phòng: 850 USD/m2Singapore là nơi đặc biệt hấp dẫn các công ty lớn, nhờ có cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chế độ hành chính thuận tiện, thuế khóa ở mức thấp, cũng như có hệ thống cảng biển, sân bay luôn nhộn nhịp. Các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng thường lựa chọn Singapore làm nơi trú chân.
- 10
Hồng Kông
Tỷ lệ công ty hiện diện: 68,2%
Chi phí thuê văn phòng: 2.297 USD/m2Hồng Kông là trung tâm thương mại quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới, thể hiện sự chuyển dịch cán cân quyền lực kinh tế từ Âu sang Á trong vài năm gần đây. Hồng Kông với vị trí địa lý thuận lợi và các điều kiện pháp luật cởi mở, đã hấp dẫn các công ty nước ngoài tới mở văn phòng. Cùng với New York, London, Singapore, Hồng Kông hiện là trung tâm của các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế lớn, như Morgan Stanley, Deutsche Bank, Credit Suisse...