Âm hưởng đẹp trên dòng phá Tam Giang

14:40 10/02/2014

(Giúp bạn)Con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước xanh màu ngọc bích đi dọc theo chiều dài đầm phá, vượt qua những con sóng, cánh đồng… 


Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là con đường thủy chính lên kinh thành Huế. Ngày xưa, phương tiện giao thông đi lại khó khăn, ai muốn lên thượng kinh đều phải vượt phá. Thời đó phá Tam Giang, 2 bên bờ um tùm lau sậy nhưng hôm nay, "hiểm địa" ấy là một điểm đến đầy kỳ thú của dải đất hẹp miền Trung.
 
Chúng tôi đặt chân đến làng Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền) bé nhỏ với khoảng 200 hộ dân nằm theo doi đất ra tận mặt nước vùng phá Tam Giang. Bến nước trước đình làng, phía xa xa trên mặt phá nhiều đốm sáng lập lòe như đom đóm khi mờ, khi tỏ di chuyển qua lại đan xen nhau, vẳng lên mái chèo khua nước, tiếng đập lưới rào rào, hòa cùng âm thanh tiếng nói cười rộn ràng vang vọng của ngư dân Ngư Mỹ Thạnh mừng vui sau một đêm giăng câu thắng lợi.

Khi bình minh lên, là lúc ghe thuyền tụ lại, hình thành nên chợ cá nhộn nhịp trên phá Tam Giang.

 
am-huong-dep-tren-dong-pha-tam-giang-1
 

Tôi theo một con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên mặt nước xanh màu ngọc bích đi dọc theo chiều dài đầm phá, vượt qua những con sóng, những cánh đồng và cây cầu đến với làng chài Thái Dương Hạ trên phá. 30 phút sau, thuyền cập bến tại ốc đảo trên phá. Làng chài Thái Dương Hạ cổ xưa có mấy trăm tuổi.
 
Ngay đầu bến là khu chợ nhộn nhịp nhiều hàng hóa không khác gì khu chợ trong thành phố. Đặc biệt khi chiều xuống, hoàng hôn nhuộm tím màu trên mặt phá, chợ mới thật sự ồn ào bởi các ghe thuyền đánh bắt hải sản từ ngoài khơi trở về…

 
am-huong-dep-tren-dong-pha-tam-giang-2
 
Giữa làng là đình Thái Dương Hạ, một tổ hợp vừa mang dáng vẻ đình làng truyền thống Việt Nam, vừa mang đặc trưng văn hóa đền miếu của vùng đất Thừa Thiên - Huế. Đình thờ Thành Hoàng làng là ông Trương Quý Công (hay Trường Thiều), người Đàng Ngoài, đã có công dạy cho dân làng nghề đánh cá, buôn bán ghe, thuyền, mành. Kế đó là chùa Thái Quốc uy nghi, trầm lắng trong không gian rợp bóng cây.
 
Trong làng có nhiều nhà thờ họ rất to, kiến trúc cầu kỳ, giống một ngôi đền lộng lẫy. Làng Thái Dương Hạ còn làm khách phương xa ngạc nhiên khi đứng trước “thành phố lăng”, nơi cư ngụ của người cõi âm. Lăng nào cũng được xây như những biệt thự tí hon, trang trí hoa văn độc đáo, tối đến đèn điện thắp sáng trưng.

 
am-huong-dep-tren-dong-pha-tam-giang-3
 

Rời Thái Dương Hạ, lên thuyền tiếp tục khám phá Tam Giang. 15 phút thuyền đi trong cái gió mang hơi nóng tới rừng ngập nước mặn đặc hữu của phá. Đặt chân vào rừng là vào một thế giới cách biệt với nắng, gió nóng bên ngoài. Cây rừng dày tạo nên bức tường cây phả hơi mát lạnh. Cây chà giống cây sú vẹt vùng duyên hải ngoài Bắc, hay cây đước rừng U Minh, Cà Mau, có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và sức lấn biển thần kỳ.
 
Sau mấy tiếng đi thuyền dọc ngang con phá, trời ngả sang chiều muộn. Màu tím của sắc trời đã nhuộm một màu tuyệt đẹp lên toàn bộ đầm, những con thuyền đang tấp nập về bến, những dáng ngư dân rắn rỏi, rạng rỡ nụ cười sau một ngày lao động vất vả.

Ngồi trong quán nổi bồng bềnh thư giãn ngắm hoàng hôn trên phá, nhâm nhi ly rượu cá ngựa, thưởng thức bữa cơm với món đặc sản sứa chấm tiêu chanh cùng món cá chép lưới hấp chấm mắm, khép lại một ngày trải nghiệm không bao giờ quên.
 
Video

Comments