Choáng ngợp khu rừng lộc vừng cổ thụ trị giá hàng trăm tỷ
(Giúp bạn)Khi cây lộc vừng ngày càng vắng bóng kéo theo giá cây ngày càng lên "cơn sốt" thì ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lại có một ngôi làng giữ được gần cả ngàn gốc lộc vừng cổ thụ, trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Đó là rừng lộc vừng cổ thụ (hay còn gọi là mưng) ở thôn Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Không biết rừng lộc vừng này có từ bao giờ, ngay cả các lão cao niên ở đây cũng không biết. Họ chỉ biết rằng, từ thuở còn nhỏ, rừng lộc vừng đã đứng vững chãi, che chắn mưa bão cho làng. Không những thế, trong chiến tranh, cánh rừng này còn là nơi để người dân ẩn nấp an toàn trước những làn đạn bom xối xả của quân thù. Chính vì thế, người dân nơi đây canh giữ rừng lộc vừng rất nghiêm ngặt .
Trải qua bao đời, rừng lộc vừng ở làng Phú Thọ vẫn được bảo toàn dù nhiều lúc cơn sốt lộc vừng lên đến đỉnh điểm; có cây được giới chơi cây cảnh mua với giá hàng chục tỷ đồng. Rừng cây lộc vừng ở thôn Phú Thọ thời điểm đó có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng người dân trong làng không vì thế mà ham bán, bởi với họ đó là báu vật của làng.
Trải qua bao đời, rừng lộc vừng ở thôn Phú Thọ vẫn vững chãi, xanh tươi
Để có được rừng lộc vừng cổ thụ như ngày hôm nay, các bậc cao niên trong làng, lãnh đạo thôn cùng người dân đã cùng bàn bạc và thống nhất đưa ra một hương ước: “hương ước giữ rừng”. Ngoài ra, người dân thôn Phú Thọ còn xem rừng lộc vừng như một mỏ vàng và lá phổi của làng.
Theo hương ước của làng, hễ người nào vi phạm hại rừng sẽ bị phạt rất nặng. Người dân làng Phú Thọ cho biết, vừa rồi có một người trộm cây lộc vừng của làng, bị đội bảo vệ rừng bắt được, đã bị phạt tù. Gia đình của tên trộm còn phải bứng một cây lộc vừng ở nơi khác về trồng thế lại chỗ cây cũ đã mất.
Chính nhờ quan điểm coi rừng là vàng, là lá phổi của làng cùng với hương ước giữ rừng nghiêm ngặt ấy nên rừng lộc vừng cổ thụ ở thôn Phú Thọ mới đứng vững chãi đến ngày hôm nay.