Hầu hết các nghĩa trang trên thế giới là nơi nghiêm trang và yên tĩnh, nơi mà sự ưu buồn ngự trị. Thế nhưng nghĩa trang tại ngôi làng nhỏ Sapanta nằm ở phía Bắc Rumani thì hoàn toàn ngược lại, có lẽ đây là nghĩa trang kỳ lạ nhất trên thế giới mà được mọi người biết đến với cái tên “nghĩa địa vui vẻ”.
Nghĩa địa vui vẻ là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Rumani. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây để chiêm ngưỡng hơn 800 cây thánh giá làm bằng gỗ sồi được trang trí đầy màu sắc. Đặc biệt những bức tranh được sơn vẽ với màu xanh chủ đạo, miêu tả lại cuộc sống của những người đã khuất. Đó là những bức vẽ hài hước, lãng mạn cùng với những bài thơ, bài hát trữ tình đầy thơ mộng… mô tả lại tính cách của người nằm dưới mộ.
Vào năm 1935, ông Stan Ioan Patras là người đầu tiên tô điểm sắc màu cho những cây thánh giá. Đến năm 1960, nghĩa địa có thêm khoảng 800 kiệt tác mới, biến nơi đây thành một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời. Trong hầu hết những nền văn hóa của cái chết là việc kinh doanh nghiêm túc, nhưng nghĩa trang tại làng Sapanta được hình thành chỉ với một lý do duy nhất là mang lại tiếng cười và những kỷ niệm cho người thăm viếng mà không thu lợi nhuận.
Người dân ở ngôi làng Sapanta không phản ứng với cái chết như thể đó là một thảm kịch, vì vậy mà họ xây dựng nghĩa trang vui vẻ này nhằm xóa đi không khí ảm đạm xung quanh, thay sự nghiêm trang thành sự hài hước. Người ta tin rằng những người đã mất sẽ luôn ở trong tâm trí của những người yêu thương họ, họ mãi mãi là bất tử. Khi chết đi người ta sẽ chuyển đến một thế giới mới đầy niềm vui, với một cuộc sống nhiều điều tốt đẹp hơn và không có gì phải buồn sầu cả. Nguồn gốc của niềm tin này được truy trở lại từ triết lý sống của nền văn hóa Dacian cổ đại.