Chưa ở nơi nào trên trái đất này, đá được coi là một vương quốc riêng của mình như ở Hà Giang. Sau một cuộc viễn du từ rất xa xưa, những khối đá bên nhau quần tụ, kỳ dị, mốc thếch ngạo nghễ đứng bên đường, choán lối đi, và choán hết tầm mắt con người. Đá men theo con đường nhỏ hẹp, chồm lên dốc cao thẳng đứng, rồi lô nhô, tạo nên bức tường thành vĩnh cửu, đe dọa sự tự phụ vốn có của con người... Nếu không có sa mộc, đá mãi là lạnh lẽo, mênh mông…
Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn… Bốn bề đá sắc nhọn, xám ngắt. Con người bị bao vây, thu nhỏ và cô độc, yếu ớt hơn bởi giữa ma trận của vương quốc đá. Sa mộc, vâng, tôi muốn nói đến loài cây lá kim, tán nhọn, hình tháp, rũ xuống ở đầu cành, có từ ngàn đời xưa ở Hà Giang này.
Sự hiện diện của sa mộc giữa cao nguyên đá khiến sự sống sinh sôi, bởi màu xanh hiếm hoi chống chọi, tương phản với sắc xám ngoét của đá. Sa mộc là loài cây có sức sống mãnh liệt duy nhất ở cao nguyên đá tồn tại, sinh sôi từ bao đời nay. Nó chấp nhận trước hanh khô và nắng lửa của đất trời. Nó chấp nhận cái rét tái tê. Bốn mùa không rụng lá, che chắn cho bóng mát dưới gốc. Cây to, tỏa bóng cả một vùng rộng. Những ngày nắng lửa, ai đó hoảng hốt, ngơ ngác giữa vùng núi đá trọc trụi, thì mơ ước thèm một bóng sa mộc, để nghỉ ngơi, cho bàn chân bớt mỏi, cho trái tim đỡ hanh hao...
Chỉ một mình loài cây có tên sa mộc cũng đủ sức thuyết phục con người. Sa mộc thân thẳng tắp, lá vút lên cao, nhọn như những mũi kim, đâm thẳng lên bầu trời. Chỉ có mũi tên của sa mộc mới có thể khiến bầu trời u ám mờ sương của cao nguyên đá bớt âm u, lạnh giá hơn. Sa mộc khiến người ta liên tưởng đến rừng xà nu mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết, bởi sức sống mãnh liệt của mình.
Nếu đứng trên triền núi cao, nhìn xuống thung lũng đá, ta thấy sa mộc nhấp nhô như hàng rào chắn cho những ngôi nhà. Nó dùng màu xanh hiếm hoi của mình để che hàng rào đá bớt gồ ghề và xám xịt hơn. Cho con đường bớt dốc và hoang vắng hơn.
Tại khu nhà của Vương Chí Sình ở Đồng Văn, sự hiện diện của sa mộc khiến người ta quên đi sự tồn tại của đá. Sa mộc lừng lững, uy nghi, cao hơn chục mét, cánh tay cành xòe lá, tua tủa, chĩa về 4 hướng. Nửa như mời gọi, nủa như vẫy chào. Nếu vô tình đi qua, ta có cảm giác như tán lá vẫy theo, trách móc và thu dần, xa dần... rồi bất chợt biến mất sau bóng núi. Để rồi, cảm giác có lỗi với cây cứ lớn dần, không dễ nguôi ngoai...
Hàng sa mộc thân vỏ xù xù - dấu ấn của tuổi tác, thời gian. Có cây, tuổi đã hàng trăm năm, có thể còn hơn thế nữa. Gánh nặng tuổi tác của hàng sa mộc mà nó mang trên mình với những vết thương, tróc vỏ, thân khô, lá héo... Nhưng tại nơi nứt nẻ ấy, nhánh sa mộc non đâm chồi, nảy lộc. Nó ngước nhìn lên thân cây mẹ, cố sức vươn về ánh sáng và những làn mưa hiếm hoi, để kể cho đá nghe câu chuyện ngàn xưa của xứ sở.
Nắm lá sa mộc, cảm giác chợt nhói đau. Vì lá sắc nhọn, họ của lá kim, hay vì sự vô tình của mình cũng không biết nữa. Nhưng cái cảm giác mênh mang, buồn bã và xót xa và yêu thương cho loài cây này, cô độc giữa mênh mông đá núi. Bỗng giật mình bởi sự hoang vắng, cô liêu…
Trong một lần tới Khau Vai, dịp phiên chợ tình, sa mộc thấp thoáng ven đường, rồi cố nhô lên khỏi thung lũng. Chỉ nhìn những búp nhọn hình tháp của sa mộc, có cảm giác bao nhiêu mũi tên, được bay về đây - mũi tên ái tình được bắn vào con tim yêu, vừa hạnh phúc, vừa nức nở, xa xăm...
Bao người tình đã đến đây, qua trập trùng đá sắc để dưới gốc sa mộc, đợi nhau và chia tay, rồi hẹn về kiếp sau đoàn tụ? Có bao nhiêu cuộc tình nào chắc bền như đá? Mạnh mẽ như cây? Mỏng manh như khói?
Trong bài thơ có tên “Khau Vai”, nhà thơ Trần Hòa Bình, đã rưng rưng, khi đến nơi tận cùng của huyền thoại, ẩn chứa nỗi đau đá núi. Và nhận ra chỉ có sa mộc vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là nơi ký thác tình yêu, che chở... cho những đôi lứa yêu nhau. Sa Mộc chứng kiến sự đoàn viên, chứng kiến sự biệt ly của những mối tình trong phiên chợ có một không hai trên thế gian này.
Theo những bước chân người đổ về Khau Vai, trong phiên chợ tình nơi có những nguyên cớ để lý giải định mệnh của cuộc đời, tôi nhận ra đá xám đang nhỏ lệ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ thốt lên: “Khau Vai buồn như đá”. Giữa trập trùng đá sắc, chỉ còn "những cây sa mộc lặng lẽ trong thung”. Cuối cùng, mối tình đã trở thành... sa mộc. Tình yêu hóa đá. Đá hóa thành phận cây. Sa mộc trong cô đơn, lặng lẽ, bí ẩn, và man mác... như số phận con người:
”Chúng ta sa mộc chiều nay
Em hai mươi thoắt thành ngàn tuổi.”
Cụ thể một mối tình đẹp, nhưng ảo hóa một hiện thực xót xa qua hình tượng cây sa mộc, Trần Hòa Bình đã giải mã thông điệp tình yêu với trải nghiệm của chính mình. Đá núi - con người - sa mộc. Vòng quay khép kín mà vẫn hé mở ra, bởi nếu không có sa mộc, thì đá núi trập trùng sẽ giết chết cả sự cô đơn - vật báu duy nhất, cuối cùng mà con người mang theo trong những lúc tuyệt vọng. Đúng, ai trong đời chẳng có một Khau Vai…
Khu di tích văn hóa họ Vương, khu nhà cổ kính, lợp mái ngói âm dương, trình tường, cánh cửa gỗ im lìm mốc thếch, rêu phong bởi thời gian, đã được tôn thêm vẻ đẹp bởi từng hàng sa mộc. Cổ kính và uy nghiêm, bí ẩn và gần gũi, thân thương... ta bắt gặp mùi hương thoang thoảng của sa mộc, chợt thấy lòng rưng rưng bởi màu xanh nhấp nhô của lá, như những mũi tên xanh, che chắn bảo vệ khu nhà. Sa Mộc tồn tại để cho chúng ta thấy rằng, cao nguyên đá không phải là cao nguyên chết.
Và trong tiếng trống hội mùa xuân, Sa Mộc vẫn được chọn làm nơi cho các đôi năm nữ yêu nhau tỏ tình, trong tiếng kèn môi treo vào vách núi. Rồi có những mùa mây trắng, giăng kín bầu trời, tất cả nhạt nhòa. Nhưng, sa mộc từ từ hiện lên, đón nắng và dịu dàng bên đá, tấu lên bản tình ca kỳ diệu về sự sống kỳ diệu và bất tử của thiên nhiên... Sa Mộc lại bắt đầu bên những luống cải vàng, bên những thảm tam giác mạch hồng rực, bên những căn nhà áo váy sặc sỡ khăn thêu...
Những âm thanh nao lòng của núi, sẽ bớt khắc khoải hơn bởi tiếng vu vi của Sa Mộc, trong gió chiều. Độc hành sống, cô đơn đến cùng cực, nhưng dám dấn thân, sinh sôi từ đá, rạch bầu trời u ám, cho lá xanh hơn, cho đất màu mỡ hơn. Đó là sa mộc.