Nằm cách thủ đô Băngkok hơn 100km, tỉnh Suphanburi của Thái Lan được coi là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của nước này. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thoạt đầu nhìn vẻ bên ngoài của Bảo tàng Rồng nhưng khi nghe những lời giới thiệu về nó mới thấu hiểu. Có thể nói đây là một kiệt tác cũng như sự kết nối giao thoa giữa nền văn hóa của Trung Quốc và Thái Lan.
Bảo tàng Rồng thu hút lớn lượng khách tham quan mỗi ngày
Những kiến trúc độc đáo và đặc biệt chủ đạo là hình Rồng.
Ý tưởng xây dựng Bảo tàng Rồng do một thanh niên người Thái mang tên Khun Banharn Silpa-archa. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, anh quyết định bôn ba để lập nghiệp. Trước khi đi, anh đã dừng chân ở Suphanburi và tâm niệm nếu trở thành người giàu có sẽ trở lại quyên góp tiền làm đẹp thành phố này.
Cho đến khi thành đạt, người thanh niên nghèo khi xưa đã trở thành một doanh nhân giàu có và đã làm rất nhiều công việc phát triển Suphanburi, đặc biệt là Bảo tàng Rồng.
Sau 10 năm nghiên cứu hình thành dự án, năm 1996 ông đã quyết định xây dựng một bảo tàng độc đáo mang tính chính trị cao nhằm kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Thái Lan. Chính vì vậy, bảo tàng được thiết kế để giới thiệu lịch sử độc đáo của người Trung Hoa cùng văn hóa và trí tuệ của họ. Một điều bất ngờ khi chúng tôi tiết lộ thông tin này với bạn đọc đó là chàng thanh niên Khun Banharn Silpa-archa sau này cũng chính là vị thủ tướng thứ 21 của Thái Lan.
Lối vào Bảo tàng là miệng của Rồng.
Có thể nói được đến thăm Bảo tàng Rồng là một vinh dự lớn của chúng tôi bởi được khám phá bề dày lịch sử 5.000 năm của đất nước Trung Quốc trên xứ sở của những ngôi chùa vàng – Thái Lan và tất cả chỉ bắt đầu ở trong miệng con Rồng khổng lồ - đó cũng là Bảo tàng Rồng.
Cửa vào bảo tàng được thiết kế ngay dưới dòng thác màu xanh ngọc làm bằng sợi thủy tinh cao 135m đổ xuống từ miệng rồng. Trước khi vào tham quan, các hướng dẫn viên yêu cầu du khách chia thành từng nhóm, mỗi nhóm 20-25 người. Lần lượt mỗi người chúng tôi được phát một “đôi giày” bằng nilông đi vào bên ngoài đôi giày của mình, tiếp đó là một đôi tai nghe dây nối với một điều khiển hồng ngoại nhỏ.
Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng
Trước khi vào tham quan, chúng tôi được hướng dẫn dùng chiếc điều khiển hồng ngoại trên tay bấm nút và hướng về trung tâm điều khiển được lắp ở trước cửa. Đến mỗi gian phòng thao tác đó phải được lặp lại từ đầu. Và lịch sử 5.000 năm của nền văn minh Trung Quốc ở Thái Lan bắt đầu được khám phá với kỹ thuật sử dụng ánh sáng cùng âm thanh và lời người thuyết minh. Hành trình bắt đầu từ truyền thuyết tạo ra Trái đất, những câu chuyện thần thoại đẹp tuyệt vời và trích xuất những câu chuyện về các nhân vật lịch sử... Hướng dẫn viên người Thái Lan lần lượt mở cửa hết phòng này sang phòng khác (hệ thống cửa tự động), giới thiệu từng phòng và sau đó là phần trình bày đa phương tiện (phim ảnh, mô hình chuyển động) khiến khách tham quan ngỡ như được xem một bộ phim dã sử.
Tái hiện hoạt cảnh Bao Công xử án.
Cũng là một cách sử dụng công nghệ ánh sáng, ban đầu khung cảnh một số phòng khá tối và chỉ sáng lên một số nơi như nội dung câu chuyện tiến triển, cũng có phòng người xem được ngồi lên những chiếc ghế đặt trên một hình tròn bát quái to sử dụng hệ thống quay ly tâm để... đi ngược lịch sử.
Vài lần khách muốn ở lại các căn phòng lâu hơn nhưng thuyết minh viên yêu cầu phải đi theo đoàn, bởi các cửa ra vào cùng hệ thống ánh sáng của mỗi phòng sẽ tự động đóng ngắt theo thời gian đã được lập trình.
Những hình ảnh lao động xưa ở Trung Quốc
Ánh sáng mặt trời khi bước ra khỏi căn phòng cuối cùng sẽ báo hiệu cho bạn biết hành trình khám phá đã kết thúc. Gần 2 giờ mọi người đã đi hết 20 căn phòng “chứa đựng” một kho sử khổng lồ 5.000 năm của Trung Quốc.
Thú vị bởi cách trình bày các thông tin trong bảo tàng đã được thực hiện một cách độc đáo và hấp dẫn, hay bởi "bộ phim" lịch sử cuốn hút? Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là những bất ngờ trong cuộc hành trình mang lại, đó là nền văn hóa không thể phủ nhận cùng những cảm phục dành cho những người làm nên bảo tàng này...