Pantheon trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ngôi đền của các vị thần”, thể hiện quy mô vĩ đại và tầm vóc to lớn của nó trong lịch sử các công trình kiến trúc đền đài. Ban đầu, đền thờ xây trong khu La Tinh ở thủ đô Paris vào thế kỷ 18 này là nơi bảo quản thánh tích của thánh Genevieve.
Năm 1744, trong khi lâm bệnh nặng tại Metz, vua Louis 15 đã hứa với lòng và với các vị thần linh rằng nếu ông qua khỏi, ông sẽ cho xây một đền thờ lớn. Khi Louis 15 bình phục, ông lập tức khởi công công trình này và trao quyền thiết kế cho kiến trúc sư Jacques Germaine Soufflot.
Từ năm 1791 – 1793, đền thờ được xét duyệt lại và trở thành một lăng danh nhân, nơi lưu giữ hài cốt những người nổi tiếng, làm rạng danh nước Pháp. Truyền thống này đã có từ thời Ai Cập, Hy Lạp và La Mã và lại tiếp diễn ở Paris dưới sự xét duyệt gắt gao của những người lãnh đạo đất nước.
Trước cửa điện có khắc hàng chữ lớn: "Tổ quốc ghi ơn những đứa con siêu việt" (Aux grand hommes, la patrie reconnaissante).
Phía bên trong là sảnh lớn, cao vút với trang trí là các cột đá bằng đá nguyên cục bóng loáng và những bức tranh tường tuyệt đẹp. Phần mộ của những văn hào, nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng đều được đặt dưới tầng hầm, trong đó có nhà văn Victor Hugo, Emile Zola, nhà khoa học Marie Curie…
Đền lợp kính ở phía trên và mỗi khi ánh mặt trời thay đổi lại tạo cho những bức vẽ sinh động trong điện một sắc, vẻ khác nhau. Từ dưới sàn lên nóc điện cao 75 mét, nổi tiếng là nơi nhà khoa học Leon Foucault từng thực hiện thí nghiệm con lắc Foucault bằng cách buộc con lắc này vào nóc điện, là nơi cao nhất thời đó để chứng minh sự quay của trái đất. Ngày nay, tới Pantheon, du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng con lắc đó ở giữa sảnh chính.