Đến với chùa Vĩnh Tràng
(Giúp bạn)Nhắc đến chùa miếu tiêu biểu ở Tiền Giang, chắc chắn mọi người đều không quên Chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa được liệt vào hạng kiến trúc cổ bậc nhất Nam bộ.
Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1849, hòa thượng Thích Huệ Đăng, vị sư trụ trì đầu tiên, đặt tên chùa là Vĩnh Trường toát lên một ý muốn: vĩnh cửu với núi sông, trường tồn cùng trời đất. Qua thời gian, người dân đọc trại Vĩnh Trường thành Vĩnh Tràng. Chùa nằm trong khuôn viên gần 2.000m2, được làm bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường khá vững chắc. Trước khi viếng chùa, khách sẽ bắt gặp hai cổng tam quan. Đây là kiến trúc mặt nở, xây theo dạng cổ lầu.
Trên đó có đúc hình hòa thượng Minh Đăng, người trụ trì ngôi chùa từ năm 1930-1939. Những viên đá được cẩn ở cổng tam quan từ những mảnh sứ có giá trị của Trung Quốc và Việt Nam. Cách cẩn, chạm ở đây thể hiện hình ảnh tứ linh ở vùng Đông Nam Á: long, lân, quy, phụng. Bốn mặt cổng tam quan được chạm ẩn hiện hình người, thú, hoa lá bằng những đường nét tinh xảo của kiến trúc tổng hợp Á - Âu.
Sân trước chùa được trồng nhiều loại hoa kiểng hài hòa, đẹp mắt với đủ sắc màu. Nhìn qua mặt tiền của Chùa Vĩnh Tràng, ta bắt gặp ở đây những trường phái kiến trúc của Pháp, La Mã, Thái Lan, Khơme, Chăm. Chùa được xây theo kiểu chữ "Quốc" với các dãy nhà khép kín, vuông góc với năm lớp nhà, hai sân cảnh và 178 cột, so với chùa Giác Lâm (TP.HCM) thì lớn hơn nhiều. Đi vào bên trong bạn sẽ thấy có bốn gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu.
Chánh điện, nơi diễn ra những buổi hành lễ có các bức hoành phi, câu đối, bao lam san sát nhau làm chùa thêm vẻ tôn nghiêm. Trên cao của gian này là tượng Phật Di Đà được tạc bằng gỗ vào năm 1910. Dưới tuợng Di Đà là tượng Thích Ca sơ sinh và hai tượng Thiện - Ác được đúc bằng đồng. Ngoài ra, những pho tượng khác đều được tạc bằng gỗ vào những năm đầu thế kỷ 20. Nơi đây còn có bộ tượng Thập Bát La Hán gồm những pho tượng gỗ chạm khắc rất độc đáo do một số nghệ nhân Nam bộ tạc vào năm 1907. Bộ tượng này làm bằng danh mộc, mỗi tượng cao khoảng 0,8m được đặt hai bên điện Phật với các đường chạm trổ sắc bén nhưng cũng mềm mại, vừa cứng cáp vừa uyển chuyển.
Nét độc đáo chỉ thể hiện ở Chùa Vĩnh Tràng là việc thờ cùng lúc Thập Bát La Hán, Phật Di Đà, Thích Ca, Di Lặc, Quan Thế Âm, Thập Điện Diêm Vương, tổ sư Đạt Ma mà thường khiếm khuyết ở các chùa khác. Bên cạnh những pho tượng còn có một đại hồng chung mang tên Pháp Bảo cao 120cm, nặng 150kg được đúc vào tháng 5-1854, dưới thời vua Tự Đức, trên có khắc chữ "Vĩnh Trường tự". Hiện nay chuông hư hỏng không sử dụng được do bị ngâm nước khá lâu trong thời gian thất lạc.
Vừa qua, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ khánh thành tượng Đức phật A Di Đà và công viên Vĩnh Tràng. Công viên Vĩnh Tràng được xây dựng trên diện tích 5.000m2 với các hạng mục như tượng Đức phật A Di Đà, hệ thống đèn chiếu sáng, bồn hoa, bồn nước, đường đi nội bộ, hệ thống thoát nước... với tổng kinh phí trên 4 tỉ đồng. Công viên Vĩnh Tràng và tượng phật A Di Đà cao 18m trước cửa Chùa Vĩnh Tràng, một di tích văn hóa cấp quốc gia, ngoài việc đáp ứng về mặt tính ngưỡng tôn giáo thì đây sẽ là điểm du lịch lý tưởng thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh thời gian tới.
Hiện nay, Chùa Vĩnh Tràng còn là nơi đặt văn phòng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang. Ngoài việc thờ cúng, lễ bái của phật tử, nơi đây còn là điểm tham quan lôi cuốn du khách phương xa đến Tiền Giang, trong đó có du khách đến từ các nước Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Đúng như tác giả Huỳnh Minh viết trong quyển Định Tường xưa: "...Có thể nói Chùa Vĩnh Tràng vừa là chốn tôn nghiêm có tiếng trong nền đạo mà cũng vừa là một cảnh đẹp đẽ làm say lòng du khách". Chùa Vĩnh Tràng