‘Đột nhập’ ‘thành phố hồn ma’ ở Việt Nam

14:50 10/02/2014

(Giúp bạn)“Tôi hiểu rằng mình đang ở trong trung tâm của một nền văn hóa mà các cư dân quan niệm rằng tổ tiên của họ không bao giờ chết, họ chỉ chuyển sang một thế giới khác và vẫn dõi theo đời sống của họ hằng ngày”.

Trong bài bài viết có tiêu đề “Việt Nam - xứ sở của những  hồn ma” (Vietnam: a land of ghosts) đăng tải trên báo Telegraph của Anh, nhà báoNigel Richardson cho rằng tục thờ cúng tổ tiên là một nét tín ngưỡng độc đáo, đem lại cho người Việt một cảm giác được chở che trong cuộc sống. Và có một địa điểm rất đặc biệt để du khách nước ngoài cảm nhận điều này.

dot-nhap-thanh-pho-hon-ma-o-viet-nam-1


Dưới đây là những trải nghiệm của Nigel Richardson:

Quốc lộ 1A chạy dọc chiều dài của Việt Nam, nối hai thành phố chính của đất nước là Hà Nội và TP HCM. Nằm ở khoảng giữa của tuyến đường này là một “thành phố” đặc biệt mà bạn không thể bỏ qua, vì nó sẽ cho bạn biết rất nhiều điều về đất nước Việt Nam hiện đại.

Đó chính là Thành phố hồn ma (City of Ghosts), một biệt danh được những người nước ngoài đặt ra, tọa lạc tại làng An Bằng, thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Địa điểm này nằm cách thành phố Huế, kinh đô của của người Việt một vài cây số về phía Nam. Trên đường tới đó, người hướng dẫn viên có tên Đoàn Thanh Phong giải thích với tôi về những gì sắp được chứng kiến: "Người ta tin rằng, nếu bạn càng chăm sóc tốt cho những người đã quá cố thì họ càng chở che, phù hộ cho bạn trong cuộc sống nhiều hơn”.

dot-nhap-thanh-pho-hon-ma-o-viet-nam-2


Chúng tôi đi vào một con đường lớn xuyên qua các cánh đồng lúa đã được thu hoạch. Rồi những ngôi mộ bắt đầu xuất hiện, càng ngày càng nhiều, mộ sau to hơn mộ trước. Tôi thật sự ngạc nhiên với những lăng mộ được xây như một ngôi chùa lớn, với chất liệu bằng gạch và gỗ.

Những ngôi mộ nhiều đến mức chúng nằm xen lẫn với những ngôi nhà của dân làng, do đó thật khó khăn để phân biệt giữa những ngôi nhà của người sống và người đã chết. Tôi hiểu rằng mình đang ở trong trung tâm của một nền văn hóa mà các cư dân quan niệm rằng tổ tiên của họ không bao giờ chết, họ chỉ chuyển sang một thế giới khác và vẫn dõi theo đời sống của họ hàng ngày.

Người Việt Nam là một dân tộc theo tục thờ cúng tổ tiên. Tuy vậy, có thể thấy tục lệ này được pha trộn với rất nhiều yếu tố tín ngưỡng khác nhau. Quan sát các lăng mộ, bạn có thể thấy bên cạnh hình tượng những con rồng mang phong cách đạo giáo Trung Quốc, có cả những biểu tượng của tượng Kitô giáo phương Tây và Phật giáo Ấn Độ.

Nhưng tôn giáo thực sự của người Việt Nam vẫn là tôn kính các thế hệ trong quá khứ. Những lăng mộ hoành tráng trên dải đồng bằng cát ven biển nằm giữa Huế và Đà Nẵng này là một minh chứng rõ nét cho điều đó.

dot-nhap-thanh-pho-hon-ma-o-viet-nam-3


Các lăng mộ to lớn và lộng lẫy nhất nằm ở trung tâm của “Thành phố hồn ma”. Chúng được người dân địa phương xây dựng từ sự tài trợ của những người họ hàng định cư tại nước ngoài.

Tại đây, một cuộc chạy đua thật sự đang diễn ra giữa các dòng họ về quy mô và cách thiết kế của các lăng mộ.  Những lăng mộ sau phải to hơn lăng mộ trước và các gia đình tìm mọi cách để không thua kém làng xóm.

Một người đàn ông mà chúng tôi gặp đã cho biết “ngôi nhà vĩnh cửu” mà ông đang xây dựng có tổng chi phí xây dựng lên tới 30.000 USD, một khoản tiền thật sự lớn đối với mức thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam.

dot-nhap-thanh-pho-hon-ma-o-viet-nam-4


“Thành phố hồn ma” đã để lại cho tôi một cảm nhận thú vị về Việt Nam trong thế kỷ 21. Vượt qua những xung đột và đói nghèo trong thế kỷ trước, đất nước này đang tiến mạnh mẽ về tương lai với nhiều thành công về vật chất. Nhưng sâu thẳm trong tinh thần, họ vẫn hướng về tổ tiên với niềm tin rằng những người đã khuất luôn theo dõi và chở che cho họ.

Comments