Ghé thăm nhà thờ cổ độc đáo nhất đất Việt

15:05 10/02/2014

(Giúp bạn)Nhà thờ đá Phát Diệm là sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc phương Tây và phương Đông, nằm trong danh sách những nhà thờ độc đáo nhất Việt Nam.

Nhắc đến thành phố Ninh Bình, ai cũng nghĩ ngay đến những điểm du lịch đã “quen mặt, đặt tên” như Tam Cốc – Bích Động, Tràng An, chùa Bái Đính… , những điểm đến thật đẹp với sự giao hòa của thiên nhiên, sơn thủy và những công trình do con người xây dựng. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng nhớ ra ngay một điểm đến cũng rất đặc sắc: nhà thờ đá ở thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn.

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-1

Nhà thờ đá Phát Diệm chẳng phải công trình tôn giáo lớn nhất thế giới hay cầu kỳ nhất, nhưng lối kiến trúc nơi đây phải xếp vào hàng độc đáo nhất trong những kiệt tác của đạo Thiên chúa. Cả quần thể nhà thờ được xây từ đá và gỗ, là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc gothic phương Tây và kiến trúc mái đình, chùa chiền Việt Nam.

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-2

Do chưa được các tour du lịch chú ý tới nên chúng tôi không rơi vào cảnh chen lấn, xô đẩy khi ghé nhà thờ Phát Diệm. Thay vào đó , một bầu không khí trong lành, không gian thoáng, rộng rãi được mở ra trước mắt .

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-3

Quy hoạch của nhà thờ mang đậm hơi hướng phương Đông với quan niệm “tiền thủy, hậu sơn”, tức là “phía trước có nước, phía sau là núi”. Trước cổng nhà thờ là ao nước theo kiến trúc thủy đình Á Đông, với tượng Chúa trên đảo. Phía sau lưng nhà thờ là cảnh trí núi non xứ Kim Sơn.

Quần thể nhà thờ là sự kết hợp giữa các lớp kiến trúc: ao nước, nhà Phương Đình, nhà thờ lớn, hang đá nhân tạo và nhà thờ đá mà nổi bật là nhà thờ đá, nhà thờ chính và nhà Phương Đình.

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-4

Nhà thờ đá được xây dựng sớm nhất, hầu như tất cả đều làm bằng đá với nhiều bức phù điêu chạm khắc tuyệt đẹp. Nhìn từ bên ngoài, chúng tôi ngỡ ngàng với những bức tranh khắc, cột đá họa tiết tùng, cúc, trúc, mai đậm chất Châu Á, lại càng thú vị hơn khi bước vào bên trong và chiêm ngưỡng điện thờ, sơn son thiếp vàng hệt như trong một ngôi chùa Việt. Thế mới hay những người thợ xưa đã khéo léo, tinh tế đến thế nào mới có thể ghép đôi những biểu tượng văn hóa xa xôi đến vậy.

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-5

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-6

Nhà thờ lớn mang nét phương Tây, có các mái vút cao đúng chất gothic nhưng vẫn rất Việt với hàng cột lim lớn, mái chồng diêm như đường đao cong thường thấy trong mái đình, đền chùa nước ta.

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-7

Phương Đình là công trình cuối cùng hoàn thành chỉnh thể nhà thờ đá Phát Diệm. Đây là nơi chứa chiếc chuông nặng mà theo tương truyền, một khi chuông đánh lên, tiếng của nó có thể vang xa tới 3 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. Tuy là nhà chuông kiểu Âu, nhưng Phương Đình lại có đầy đủ tam quan, mái lợp, điêu khắc hoa văn Việt. Ngay cái tên cũng đã đủ thấy sự “Việt hóa” của các kiến trúc sư năm nào: “Phương Đình” có nghĩa là “nhà vuông”.

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-8

Loáng thoáng nghe những người hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, chúng tôi được biết những người thợ Việt xưa đã khổ công như thế nào mới xây dựng xong công trình: 10 năm được dành ra để chuẩn bị vật tư và tới 24 năm để xây dựng và hoàn thành mới có thể làm nên kiệt tác kiến trúc này.

ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-9

Không có nhiều thời gian nên chúng tôi không có cơ hội thăm các hang đá nhân tạo bên trong nhà thờ như hang Lộ Đức, hang trong núi Sinh Nhật, hang Bê-lem trong núi Sọ nằm sâu bên trong. Rời khỏi nhà thờ đá sừng sững, với một màu xám phủ lớp rêu phong, chúng tôi thầm nhủ nhất định sẽ có ngày quay lại nơi đây, đủ lâu để tìm hiểu hết công trình tuyệt tác này, và đủ lâu để thêm thán phục sức sáng tạo, kết hợp hoàn hảo của người xưa.
ghe-tham-nha-tho-co-doc-dao-nhat-dat-viet-10

 

 

Comments