Khám phá ba ngọn núi cao nhất của Nam Bộ
(Giúp bạn)Đứng trên đỉnh núi, bạn sẽ thu vào tầm mắt một không gian tuyệt đẹp với những ngôi nhà nhỏ, con đường ẩn hiện trong màu xanh của cây cỏ. Ba ngọn núi này cũng chứa những truyền thuyết bí ẩn trong mình.
- 1
Núi Bà Đen
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất (986m) Nam Bộ thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 11km về phía đông bắc, cách TP.HCM 110km.
Quần thể di tích Núi Bà Đen do 3 ngọn núi tạo thành là Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng một vùng núi non hùng vĩ, thu vào tầm mắt một góc của tỉnh Tây Ninh yên bình, du khách còn có dịp chiêm bái hệ thống chùa Điện Bà gồm các chùa Hạ, Trung, Thượng và chùa Hang uy nghi lộng lẫy; khám phá vẻ đẹp cùng vẻ thần bí của các động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... cũng như nghe kể về truyền thuyết về Lý Thị Thiên Hương của người con gái có làn da bánh mật (bà đen) xinh đẹp, tuyết hạnh.
Có 3 cách để chinh phục đỉnh núi, một là chinh phục bằng đường bộ với hơn một ngàn bậc tam cấp, hai là lơ lửng trên không trong cabin cáp treo; cuối cùng là hệ thống máng rượt hai chiều khép kín. Mỗi phương án mang đến những trải nghiệm khác nhau, song để tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tăng tính phiêu lưu mạo hiểm thì cáp treo hay hệ thống máng trượt là lựa chọn tối ưu.
Ngoài núi Bà Đen, bạn có thể kết hợp tham quan tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng hay mua sắm tại chợ Long Hoa.
- 2
Núi Chứa Chan
Với chiều cao 800m so với mặt nước biển, Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, là ngọn núi cao thứ hai khu vực Nam Bộ.
Đặc biệt, trên độ cao 600m của núi có ngôi chùa Bửu Quang, nơi nổi tiếng linh thiêng với hàng trăm ngàn lượt du khách đến chiêm bái và thờ cúng vào các dịp lễ hay các ngày rằm lớn.
Phương án duy nhất lên núi là đường bộ song cũng được chia làm hai giai đoạn tùy theo mục đích của du khách. Cụ thể, đoạn đường từ chân núi lên chùa Bửu Quang với những bậc thang đá dành cho những du khách hành hương hay những du khách đến cho biết. Riêng với dân phượt, quãng đường còn lại "khó nhằn" vì phải tự đoán hướng, vạch cỏ mà đi. Bù lại, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của ngọn núi mờ trong mây và sương sớm mới. Ngoài ra, đến với núi, du khách khó có thể bỏ qua vẻ đẹp của cây đa hai gốc, trừ yếu tố tâm linh, có thể nói đây là kỳ quan khá lạ và là tuyệt tác của thiên nhiên.
Ngoài núi Chứa Chan, bạn có thể tham gia bơi thuyền trên hồ Gia Ui (thuộc xã Xuân Tâm) hay tham quan khu vui chơi giải trí hồ Núi Le (toạ lạc tại khu 7, thị trấn Gia Ray).
- 3
Núi Bà Rá
Núi Bà Rá nằm trên địa phận phường Sơn Giang thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách TP.HCM 180 km. Đồng bào S'Tiêng gọi ngọn núi này là “Bơnom Brah”, nghĩa là “ngọn núi Thần”. Riêng với người dân Nam bộ, với chiều cao 733m, Bà Rá được xếp xem là ngọn núi cao thứ 3 tại của vùng đất này.
Có hai cách để chinh phục Bà Rá. Cách thứ nhất là men theo cầu thang bộ hay hệ thống cáp treo (mới được đầu tư những năm gần đây). Với cáp treo, du khách có thể từ chân núi đi thẳng lên đỉnh. Nếu đi bộ, du khách có thể đi xe từ chân núi lên đồi Bằng Lăng (khoảng 1/5 đường đi), khám phá đài tưởng niệm, rồi từ đó trải nghiệm cảm giác thử sức với khoảng 1.767 bậc đá để lên đỉnh. Về độ cao, núi Bà Rá thấp hơn nhiều so với núi Bà Đen nhưng với độ dốc thẳng đứng của cầu thang, việc chinh phục ngọn núi này tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Bù lại, trên đường đi, bạn được thả hồn dưới những cây cổ thụ to khoảng một người ôm tỏa bóng mát hay rừng hoa bằng lăng tỏa hương tím ngát.
Ngay khi lên đến đỉnh núi, ngoài cảm giác thở phào trước cung đường đi tưởng như “không thể chinh phục”, bạn sẽ yêu luôn vung đất này với những mái nhà yên bình, hồ Thác Mơ như một tấm kính khổng lồ, viếng miếu Bà thanh tịnh.
Đừng quên tham quan di tích nhà tù Bà Rá dưới chân núi, dạo một vòng xe quanh thị trấn Phước Long, hòa mình trong làn nước hay nhâm nhi ly cà phê nóng ở quán Thượng Nguồn, quán cà phê nằm dưới chân núi và nằm trên dòng nước chảy từ thác Mơ xinh đẹp.