Kinh nghiệm du lịch vùng băng tuyết
(Giúp bạn)Giữ ấm cho cơ thể, chuẩn bị trang phục phù hợp và mang theo đủ thuốc men là những điều cần ghi nhớ khi du lịch những vùng khí hậu lạnh giá.
Dịp này, những danh thắng của vùng núi phía Bắc như Sapa, Mẫu Sơn,... thu hút được lượng lớn khách du lịch tới chiêm ngưỡng cảnh băng tuyết hiếm thấy trong năm. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu chuyến du lịch đầy hứng khởi, bạn hãy chuẩn bị thật kỹ hành trang cho mình, để có những ngày nghỉ ngơi và thưởng ngoạn như ý mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết giá rét nơi đây. Sau đây là một vài lưu ý, cũng sẽ rất hữu ích khi bạn đang chuẩn bị tới những đất nước hàn đới mùa này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia Châu Âu.
Điều điều quan trọng nhất khi tới vùng thời tiết khí hậu giá lạnh, nhiệt độ thấp chính là việc giữ ấm cho cơ thể trong suốt chuyến đi. Bạn nên chú ý theo dõi nhiệt độ trước khi bắt đầu chuyến hành trình để chuẩn bị thật kỹ những biện pháp chống rét hiệu quả. Chỉ nên mua áo rét và những đồ giữ ấm ngay tại địa điểm du lịch trong trường hợp bất khả kháng bởi lẽ giá cả sẽ đắt hơn và nguy cơ bạn bị nhiễm lạnh trước khi mua được là khá cao.
- 1
Về trang phục:
Theo kinh nghiệm của những người dân xứ lạnh, việc mặc nhiều lớp áo mỏng sẽ giúp bạn giữ được thân nhiệt ổn định lâu hơn việc mặc những chiếc áo to sụ, dày cộm. Cách tốt nhất là nên mặc những chiếc áo có chất liệu cotton, len ôm sát, có sợi giữ nhiệt.
Nên mặc áo khoác có chất liệu chống thấm nước, cản gió để giữ nhiệt trong những ngày du lịch ở vùng băng tuyết.Áo khoác ngoài cùng nên là loại có lớp ngoài làm bằng vải cản gió, chống thấm nước trong trường hợp gặp mưa bất ngờ mà chưa kịp chuẩn bị áo mưa, ô dù. Những chiếc áo phao lông vũ là sự lựa chọn sáng suốt bởi tác dụng giữ ấm do vừa có lớp lông bên trong, vừa có lớp vải gió bên ngoài, lại dễ mua và có mức giá không quá đắt, từ 400.000 đồng.
Một lưu ý sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, đó chính là không nên "diện" quần jeans khi đi tới những vùng thời tiết giá lạnh nếu bạn đến từ xứ nhiệt đới, hoàn toàn chưa quen với việc đi bộ trong trời băng tuyết. Quần jeans thời trang thường làm từ chất liệu không co giãn và không có tác dụng giữ ấm. Do đó, khi mặc thêm một lớp quần tất bên trong sẽ rất cộm, khó khi di chuyển và đi lại cả ngày.
Cách tốt nhất là nên mặc quần tất có lớp lót bông hoặc nỉ bên trong, có thể mua được dễ dàng tại các cửa hàng quần áo, với giá cả từ 50.000 đến 250.000 đồng. Nếu chưa yên tâm, bạn có thể mặc thêm bên ngoài những chiếc quần có chất liệu co giãn như cotton dày, nỉ để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Theo một nghiên cứu, 70% nhiệt của cơ thể thoát ra từ vùng mặt và đầu. Do đó, rất cần thiết cho việc giữ ấm và che chắn cho những vùng này như quàng khăn cổ, đội mũ len, đeo bịt tai và khẩu trang... Ngoài ra, giữ nhiệt cho phần đùi và gan bàn chân cũng nên được chú ý. Đi 2-3 lớp tất mỏng và sử dụng những đôi ủng cao su hoặc những đôi boots lót bông là sự lựa chọn hữu hiệu cho không chỉ các bạn nữ mà còn cho cánh mày râu.
Hiện nay trên thị trường có bán khá nhiều loại miếng dán tạo nhiệt, túi sưởi bỏ túi làm từ than hoạt tính, có giá từ 20.000 đồng cũng khá hữu dụng khi mang đi du lịch. Những miếng dán này có tác dụng giữ ấm khá lâu (trên 10h), nhiệt độ trung bình cao (khoảng 53-63 độ C); nên dán ở vùng bụng, lưng, đùi và bàn chân.
Tuy nhiên không nên dán trực tiếp lên da để tránh bị bỏng rộp, nên dán cách qua một lớp quần áo và chú ý theo dõi nhiệt độ, nếu nóng quá thì chuyển vị trí miếng dán cho thích hợp. Với những người mắc bệnh tiểu đường, rối loạn hoặc tắc nghẽn mạch máu hoặc trẻ em thì cần thận trọng khi sử dụng.
Không nên ở ngoài trời quá lâu để tránh nhiễm lạnh
- 2
Về việc di chuyển:
Nếu bạn đi ôtô cá nhân hoặc xe máy để tới tham quan những danh thắng có băng tuyết thì cần chú ý những biện pháp chống trơn trượt như đi chậm, kiểm soát tốc độ, kiểm tra độ mòn của lốp xe, phanh xe trước khi khởi hành... để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc trong suốt chuyến đi. Còn nếu phải đi bộ nhiều thì việc lựa chọn những đôi giày có đế gồ ghề, gót thấp để tăng ma sát với mặt đất, tránh trượt ngã khi leo ra những khu vực có băng tuyết để chụp ảnh.
- 3
Về ăn uống:
Nhìn chung, không có cảnh báo gì đặc biệt về đồ ăn khi du lịch vào mùa đông. Tuy nhiên, bạn nên chú ý ăn những đồ ăn dễ sinh nhiệt, làm ấm người như những đồ cay nóng, có tiêu, ớt, sả, gừng... để giảm bớt cái lạnh thấu xương ở những khu vực giá rét này. Những đồ ăn này cũng giúp bạn tăng "sức đề kháng" cho dạ dày khi ăn phải thức ăn lạ.
- 4
Về sức khỏe:
Bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng thuốc men, đặc biệt là những thuốc chống cảm lạnh, cúm, sốt, nhức đầu vì thời tiết rất dễ khiến bạn bị nhiễm lạnh bất cứ khi nào khi ra đường và cũng không nên ở ngoài trời quá lâu. Ngoài ra, bạn nên mang theo các loại dầu gió, dầu gừng bên mình để chống rét kịp thời. Mỗi buổi sáng thức dậy, trước khi ra ngoài trải nghiệm ngày khám phá, uống một cốc trà gừng nóng sẽ giúp tinh thần thư thái, ổn định thân nhiệt.
Buổi tối, sau khi trở về, nên ngâm chân với nước nóng ngay khi có thể; không nên tắm quá thường xuyên để tránh nhiễm lạnh vì thông thường, những chuyến du lịch cũng chỉ thường kéo dài vài ngày.
Hoàn toàn không nên đem theo trẻ nhỏ cho những chuyến du lịch "mạo hiểm" này nhưng nếu buộc phải đưa các bé đi cùng, việc giữ ấm và đảm bảo sức khỏe cần phải chú trọng hàng đầu.