Rời khỏi cột cờ cực Bắc Lũng Cú, bạn nên rong ruổi đến một địa danh khác không kém phần nổi tiếng của vùng cao: dinh vua Mèo. Giữa một vùng núi đá xám, xanh, xuất hiện một khu dinh thự bằng gỗ của vua Mèo họ Vương.
Xưa kia, có một người đứng đầu dân tộc Mông là Vương Chính Đức, thống lĩnh được khu cao nguyên, tự xưng vương, còn gọi là vua Mèo.
Để thể hiện uy quyền của mình, vua Mèo đã cho xây dựng dinh thự theo kiến trúc Trung Hoa cổ bề thế ngay giữa cao nguyên đá cỏ. Chi phí xây dựng tư dinh đồ sộ này là 150 vạn đồng bạc hoa xòe, tương đương với 150.000 tỷ đồng Việt Nam ngày nay. Ngay trước cổng vào là hai câu đối: “Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/Môn phong lưu quý khách vãng lai” (Nhà quý hiền, người vào ra/Cửa phong lưu, khách lui tới).
Khu nhà có kết cấu bao gồm 64 gian phòng: phòng khách, phòng làm việc, phòng của các gia nhân và những bà vợ của vua Mèo. Ngoài sân trời lại có thêm một thau nước bằng đá to. Những bà vợ vua Mèo ngồi bên trong thau nước này, tắm bằng sữa dê.
Gia đình vua Mèo trước khi về với chính phủ chủ yếu trông vào kinh doanh thuốc phiện, vì vậy hai phiến đá ở chân cột cũng được đúc mô phỏng hình bông hoa anh túc.
Khi vua Vương Chính Đức qua đời, con trai thứ là Vương Chí Sình, là vua Mèo đệ nhị tiếp tục sự nghiệp nhà họ Vương, giao nộp thuốc phiện cho chính quyền. Người con trai thứ ba của vua Mèo là Vương Chí Chư, đi học sửa chữa xe, máy móc ở nước ngoài, sau này về Hà Giang, là người đầu tiên lái xe máy trên những con đường ngoằn nghoèo nơi đây. Nghĩ đến cảnh người con thứ ba của vua Mèo lái xe trên những con đường chưa được làm lại như ngày nay, chúng tôi ai nấy đều lắc đầu, lè lưỡi vì nể.
Tiếp tục khởi hành từ dinh thự xa hoa này, bạn nên tìm đến điểm được cậu bạn bảo là “đẹp nhất cao nguyên đá Đồng Văn”. Men theo con đường núi quanh co leo bộ lên phía trên, trong buổi xế chiều với ước mơ ngắm hoàng hôn trên cao nguyên đá.
Đường càng lên cao càng dốc, pháo đài nằm chơi vơi trên đỉnh, chỉ hụt chân có thể ngã xuống phía dưới nên bạn phải nhìn kỹ để đặt chân rất cẩn thận. Cảnh tượng hoàng hôn trên đỉnh pháo đài quả thật hùng vĩ, nên thơ mê hồn.
Ánh sáng mặt trời buổi hoàng hôn tạo nên một dải sắc ấn tượng, tưởng chừng chỉ thấy trong những giấc mơ. Sau dãy núi xa đen sẫm, mặt trời chiếu nốt tia sáng vàng óng, soi rõ những đám mây vần vũ phía trên, và le lói đó đây chút ánh xanh còn lại của trời chiều. Đứng trên đỉnh pháo đài đẹp thật, nhưng cũng có chút… hãi, chỉ sợ một chút sa chân, người trèo sẽ ở lại ngắm hoàng hôn nghìn năm!
Con đường trở về bạn sẽ đi qua thị trấn Mèo Vạc, đúng vào lúc nơi này đang có chợ phiên. Những anh, chị dân tộc với chiếc khăn chói lòa trên đầu, vai đeo gùi đang rao bán những món hàng của mình.
Rồi thì cũng vượt qua con đường đèo từng được mệnh danh là “Tứ đại đèo” của Việt Nam: Mã Pí Lèng. Lên đèo, con đường phủ mù sương khói, chẳng còn biết điều gì đón đợi phía trước.
Chỉ riêng cái tên gọi đã đủ nói lên sự hiểm trở của nó. Mã Pí Lèng là “sống mũi ngựa”, nghĩa là con ngựa leo hết con đèo cũng phải tắt thở vì mệt, lại có cách giải thích khác là đèo dốc đứng như sống mũi ngựa. Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc, nơi thanh niên của 16 dân tộc mất tới 11 tháng treo mình trên vách mở đường. Và quả thực, được đi trên con đường, dẫu quanh co nhưng là đường nhựa, xuyên núi, nhìn xuống dòng Nho Quế dưới chân, ai cũng dạt dào niềm tự hào, hạnh phúc.