Trong lịch sử, thủ đô của đất nước Kazakhstan từng có rất nhiều cái tên. Nhưng có lẽ chỉ từ khi đổi thành cái tên rất dễ gọi Astana, thành phố này đã được rất nhiều du khách “nhớ mặt nhớ tên”.
Một trong những điểm đến gây ấn tượng nhất cho du khách đến Astana là Bayterek – ngọn tháp biểu tượng của thành phố. Tháp Bayterek còn có biệt danh là Chupa Chups, vì hình dáng giống với chiếc kẹo mút của nó có kích thước khá lớn và lại nằm ở vị trí trung tâm thành phố. Người Kazakhstan thường gọi đây là “Cây đời” và kể những giai thoại về một chú chim mang lại hạnh phúc thường đậu trên cái “cây” này.
Chú chim tên là Samruk, đẻ trứng giữa hai nhánh của cành cây và khối trụ tròn trên đỉnh Bayterek chính là sự mô phỏng của quả trứng hạnh phúc đó. Nếu có dịp lên đỉnh tháp, bạn sẽ có một cái nhìn bao quát về thành phố từ độ cao 100 mét.
Gây chú ý nhất trên đỉnh tháp là dấu bàn tay được lưu lại của vị tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa Kazakhstan. Bạn cũng có thể đặt bàn tay của mình vào vị trí dấu bàn tay bằng vàng khối này và ước nguyện. Theo lời đồn đại, hành động này sẽ mang lại nhiều may mắn.
Kim tự tháp hòa bình, còn gọi là Cung điện hòa bình cũng là một huyền thoại kiến trúc khác của thủ đô Kazakhstan. Kim tự tháp nằm trên diện tích rộng, chia làm 6 khu vực, tượng trưng cho 6 tôn giáo trên thế giới. Về đêm, kim tự tháp được thắp sáng bởi vô vàn ánh đèn màu.
Đỉnh kim tự tháp nhìn từ bên trong khá ấn tượng. Được mở vào năm 2006, khu kim tự tháp đã sớm trở thành điểm đến hút khách của đất nước này, và trở thành một trong những biểu tượng của việc hòa hợp giữa công trình nhân tạo và thiên nhiên.
Khi nhìn kỹ hơn vào những lớp thủy tinh lát kim tự tháp, du khách sẽ nhìn thấy những hình ảnh biểu tượng của hòa bình được in chìm như biểu tượng chú bồ câu.
Ak Orda, ngôi nhà màu trắng là một trong những biểu tượng kiến trúc khác của thành phố. Ngôi nhà được xây bằng bê tông, ốp cẩm thạch trắng vào năm 2004.
Nhà thờ hồi giáo lớn nhất của thành phố là Nur-Astana, cao trung bình 40 mét, với ngọn tháp chính cao nhất: 63 mét, bằng đúng số tuổi của nhà tiên tri Mohamed khi ông qua đời.
Phòng cầu nguyện chính của giáo đường có sức chứa tới 5.000 người khiến mọi du khách phải kinh ngạc. Hai phòng nhỏ hơn cũng có sức chứa đáng kể, tới 2.000 người mỗi phòng.
Ngoài những công trình mang phong cách cổ điển, Astana còn sở hữu khá nhiều công trình hiện đại, đáng kinh ngạc. Bên cạnh Ak Orda là Nhà hát trung tâm. Mới được hoàn thành vào năm ngoái bởi kiến trúc sư người Ý Manfredi Nicoletti, nhà hát là sự mô phỏng của những cánh hoa đang e ấp. Các khách sạn, tòa nhà trụ sở quốc hội ở Astana đều là những công trình kiến trúc đáng ngưỡng mộ.