Những chiêu đưa du khách “vào tròng” tinh vi

16:16 10/02/2014

(Giúp bạn)Đi du lịch luôn là khoảng thời gian tuyệt vời, nhưng hãy dè chừng những kẻ lừa đảo, chộp giật đang chờ bạn sơ hở để trục lợi.

  • 1

    Không thối lại tiền thừa

    Khi đi du lịch tới một số nước, bạn sẽ bắt gặp một kiểu nhún vai tỏ vẻ “không thối lại tiền nhỏ” lúc mua hàng. Đôi khi, người bán dạo trên phố còn tự động làm tròn lên số tiền mà bạn phải trả. Vì thế, tốt nhất là bạn nên chuẩn bị sẵn một ít tiền lẻ để “đối phó” với những kiểu ăn chặn này.
     
    nhung-chieu-dua-du-khach-vao-trong-tinh-vi-1
     
    Nếu sử dụng ngoại tệ khi đi du lịch nước ngoài, bạn cũng nên ghi lại giá trị sử dụng đối với mỗi đơn vị tiền ngoại tệ đó. Bạn có thể quy các món đồ có giá trị nhỏ như nước uống hoặc đồ ăn vặt ra tiền để ước chừng giá trị của loại tiền mà bạn chưa quen sử dụng.
  • 2

    Chặt chém

    Trước khi bước lên một chiếc taxi hoặc thuê một hướng dẫn viên, bạn hãy đàm phán trước giá cả để tránh gặp rắc rối sau đó. Có không ít du khách phải trả đến 50 Euro cho 5 cây số đi taxi. Điều này thường xảy ra khi khách du lịch không hỏi trước giá và bị “chém đẹp”.
     
    nhung-chieu-dua-du-khach-vao-trong-tinh-vi-2
     
    Những kẻ áp dụng chiêu lừa này thường tìm cách trì hoãn thỏa thuận giá để có cớ bắt chẹt bạn vào phút cuối. Thậm chí nhiều du khách còn bị đe dọa khi từ chối trả mức phí vô lý.
  • 3

    Móc ngoặc để ăn chặn tiền du khách

    Thực tế này thường xảy ra ở Thái Lan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỹ. Các tài xế taxi hoặc hướng dẫn viên thường cố gắng “lùa” bạn vào một cửa hàng bán nữ trang hoặc đồ lưu niệm, nơi mà họ hứa hẹn bạn sẽ được mua với giá hời.
     
    nhung-chieu-dua-du-khach-vao-trong-tinh-vi-3
     
    Nhưng trên thực tế, bạn sẽ phải trả thêm khoản tiền “hoa hồng” cho cả hai phía mà không biết. Trong trường hợp này, tất cả mọi người đều được hưởng lợi, trừ bạn.
     
    Tất nhiên, bạn sẽ được nghe những câu chuyện cảm động bịa đặt tại nơi bạn được đưa đến. Tất cả kịch bản đã được chuẩn bị trước để lừa những “chú cừu non”. Vì thế, nếu bạn muốn mua đồ trang sức hoặc quà lưu niệm, hãy tự tìm hiểu một địa chỉ tin cậy để có được mức giá tốt nhất.
  • 4

    Lợi dụng lòng trắc ẩn của du khách

    Bạn bất ngờ được một người dân địa phương đến bắt chuyện làm quen. Và tất nhiên là bạn muốn tỏ ra là một người thân thiện, sẵn sàng kết bạn.
     
    nhung-chieu-dua-du-khach-vao-trong-tinh-vi-4
     
    Tuy nhiên, khi cuộc nói chuyện đến “cao trào”, bạn bắt đầu được nghe một câu chuyện về sự nghèo khổ, cảnh khốn cùng, một người mẹ già cần tiền thuốc thang… Mảnh đời trớ trêu ấy được dàn dựng để làm bạn mủi lòng và đồng thời “mở ví”.
     
    Việc tin tưởng một ai đó tất nhiên là tùy thuộc vào bạn nhưng hãy cẩn thận để không bị ăn vố lừa.
  • 5

    Lừa đảo ở nơi đông người

    Nơi nào đông khách du lịch, nơi đó sẽ trở thành điểm nóng của nạn lừa đảo. Những điểm tham quan, điểm dừng chân ở sân bay, tàu điện, tàu hỏa và trạm xe bus thường là nơi khách du lịch cảm thấy bối rối và căng thẳng. Khi ở trong trạng thái đó, bạn rất dễ bị làm hại.
     
    nhung-chieu-dua-du-khach-vao-trong-tinh-vi-5
     
    Bạn nên cảnh giác ở những nơi này. Đừng nhờ người khác trông đồ hộ và hãy thận trọng khi một người lạ nhờ bạn chụp ảnh giúp, họ có thể bắt bạn trả tiền sau đó. Hãy để mắt liên tục đến hành lý, đặc biệt là khi có một đám trẻ “đáng nghi” lượn lờ xung quanh.
  • 6

    Mập mờ giá cả để trục lợi

    Những kẻ lừa đảo không phải lúc nào trông cũng “mờ ám”. Các nhà tổ chức tour du lịch và cung cấp vé tàu, máy bay đôi khi hay lợi dụng sự tín nhiệm của khách hàng để trục lợi.
     
    nhung-chieu-dua-du-khach-vao-trong-tinh-vi-6
     
    Họ thường dùng mẹo che dấu giá trị thực mà bạn phải bỏ ra bằng “ỉm” các hạng mục phí vào khu vực, phí vào khu nghỉ dưỡng, phí hành chính... Chúng thường được tính thêm sau đó rồi mới thông báo cho khách hàng. Vì thế, bạn nên kiểm tra và yêu cầu được biết giá trị thực cuối cùng trước khi mua gói dịch vụ.

Comments