Những điểm du lịch văn hóa nổi tiếng ở Vũng Tàu

14:56 10/02/2014

(Giúp bạn)Du lịch Vũng Tàu không chỉ là điểm đến của các du khách yêu thích du lịch biển mà nơi đây còn tập trung nhiều loại hình du lịch vô cùng đặc sắc. Đó là các điểm du lịch văn hóa.

  • 1

    Chùa Linh Sơn Cổ Tự

    Linh sơn cổ tự nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, tuy không đồ sộ, rộng lớn nhưng là ngôi chùa lâu đời nhất ở Vũng Tàu.

    Lúc đầu chùa được xây dựng trên triền núi nhỏ nhưng năm 1919 khu vực này bị người dân Pháp chiến dụng để xây cất biệt thự cho hoa tiêu họ ở. Ngay sau đó một ngôi chùa khác đã được xây dựng và tồn tại cho tới ngày nay.
    Trong chánh điện có một thờ một tượng Phật cao 1,2m bằng đá có phết vàng được điêu khắc rất khéo léo tạo nên vẻ từ và sống động trên nét mặt của đức Phật.

    nhung-diem-du-lich-van-hoa-noi-tieng-o-vung-tau-1

    Về nguồn gốc của pho tượng phật, có truyền thuyết kể lại rằng cách đây hơn một năm có đoàn ghe chài lưới từ miền trung vào đánh cá ở Bãi Trước. Trong khi đi kiếm củi ở núi lớn tình cờ phát hiện hai pho tượng phật bằng đá vùi dưới đất trên sườn núi gần bãi Dâu. Họ cùng nhau đào lên rồi chờ đến hôm sau làm lễ xin đem về. Dân địa phương biết tin vội kéo đến xem và cho rằng đó là di tích lịch sử của địa phương nên cương quyết đòi giữ lại. Nhóm dân chài miền trung năn nỉ mãi mới lấy được pho tượng nhỏ đem đi. Pho tượng lớn còn lại được dân làng rước về thờ chính là pho tượng hiện nay ở chùa Linh Sơn Cổ Tự.

  • 2

    Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu

     Đức Mẹ Bãi Dâu là tên gọi một tổ hợp công trình đền thánh và tượng đài Đức Mẹ Maria, tọa lạc trên sườn Núi Lớn, thành phố Vũng Tàu, Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi thường diễn ra các cuộc họp thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

    Năm 1926, trên sườn Núi Lớn có khu đất bằng khoảng 10 mẫu mang tên Vũng Mây, do ông Lê Hữu Lương, một giáo dân giáo xứ Vũng Tàu, đăng ký sở hữu với chính quyền vào ngày 9/4. Sau đó, ngày 14/4, ông Lương lại sang nhượng cho ông bà Nguyễn Hồng Ân quen gọi là Vệ Ân (quốc tịch Pháp. Cũng trong năm này, ông bà Vệ Ân xây một nhà nguyện nhỏ bằng đá, bên cạnh “kim tĩnh”, mong sau này được chôn cất tại đó (sau này hai ông bà chuyển đến Bà Rịa và qua đời ở đây).

    nhung-diem-du-lich-van-hoa-noi-tieng-o-vung-tau-2

    Ngày 1/12/1927, ông bà Vệ Ân lại dâng nhà nguyện và đất đai cho Hội Thừa Sai Paris. Vũng Mây vốn là rừng rậm, ít người lui tới, nên các linh mục thừa sai cho phá rừng, trồng dâu nuôi tằm, tạo việc làm cho giáo dân, nên vùng này có tên là Bãi Dâu từ đó. Năm 1962, năm khai mạc Công đồng Vatican II, tháng 10/1962, tại Bãi Dâu, linh mục chính xứ kiêm quản hạt Phaolô Nguyễn Minh Trí (có tài liệu ghi Nguyễn Văn Trí) cho xây dựng tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn cao 7m trên sườn núi. Ngày 11/8/1963, Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình làm phép khánh thành tượng đài.

    Ngày 4/10/1965, Giáo Phận Xuân Lộc được thành lập. Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám mục tiên khởi, đã chính thức công bố Bãi Dâu là trung tâm Thánh Mẫu của Giáo Phận Xuân Lộc, và đã nhiệt tình tổ chức các cuộc hành hương trọng thể kính Đức Mẹ Maria. Nhiều người giáo dân trong Giáo Phận không bao giờ quên được cuộc cung nghinh Đức Mẹ của toàn giáo phận vào tháng 5.1973. Hằng mấy chục ngàn người và hằng trăm ghe thuyền lớn nhỏ tuốn về Bãi Dâu cử hành một cuộc rước kiệu lớn nhất lúc bấy giờ để tôn vinh Đức Mẹ. Các vị Giám Mục kế nhiệm tiếp nối làm cho Bãi Dâu càng ngày càng thu hút nhiều người về hành hương kính Đức Mẹ.

    Đền thánh Đức Mẹ do Giám mục Giuse Lê Văn Ấn thành lập ngày 15/5/1969. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu đã trở thành một nơi tham quan thắng cảnh thiên nhiên, nghỉ ngơi an dưỡng và cầu nguyện của du khách trong và ngoài nước.

    Ngày 1/1/1992, ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 25, Đức Cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật, Giám Mục Xuân Lộc đặt viên đá trùng tu trung tâm hành hương. Tuợng đài đuợc thay thế bằng tuợng Ðức Mẹ Thiên Chúa, màu trắng, cao 25m với trọng lượng gần 500 tấn, được đặt trên sườn Núi Lớn trên độ cao 60m so với mặt biển. Tượng Đức Mẹ hướng ra biển, bế Chúa Jesus. Tượng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đã được làm phép và khánh thành ngày 31/12/1994, với sự chủ lễ của Đức Giám Mục Xuân Lộc Phaolô Nguyễn Minh Nhật. Sau này, nhà nguyện đá đuợc di chuyển xuống chân núi, nhuờng chỗ cho một nhà thờ mái vòm có sức chứa 1.000 nguời, đã duợc kiến thiết. Mặt bằng phía duới đã đuợc cải tạo, thành một công truờng có khả năng chứa 100.000 nguời. Tượng Đức Mẹ Ban Ơn đã bao năm đứng bên bờ đại dương được tháo gỡ và đưa về đài mới tại Giáo Xứ Sao Mai, ngày 10/3/1995 và khách hành hương vẫn còn đưa bước về Sao Mai kính Mẹ Ban Ơn lành.

    Thánh Đường dâng kính Đức Mẹ Thiên Chúa tọa lạc trên sườn núi phía bên trái Tượng đài Đức Mẹ, với độ cao khoảng 28m so với mặt biển và hướng ra biển. Đền thánh được xây dựng lại vào ngày 19/3/1994 có chiều dài 49m, rộng 38m, với hình dáng của một con thuyền buồm đang căng gió, ngọn tháp cao 27,5m như là một cột buồm nhẹ nhàng nhưng vững chắc để hứng gió đưa con thuyền lướt sóng về bến bình an.

    Ngoài ra còn có những công trình khác như: nhà truyền thống dâng kính các thánh tử đạo, đường suy niệm mầu nhiệm mân côi, nhà hành hương… Tất cả đã tạo nên một tổng thể hài hoà, đẹp mắt và đầy tính thánh thiêng của trung tâm hành hương này.

    Ở khuôn viên nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu không chỉ có tượng đài Đức Mẹ và Đền thánh mà còn cả một cụm kiến trúc tôn giáo khá kỳ vĩ. Nơi đó có đường đi lên đỉnh núi Lớn để ngắm toàn cảnh biển Vũng Tàu. Đích đến là thánh giá và dọc theo đường đi là thánh tích công giáo gồm 14 chặng đường thánh giá của chúa Jesus.

    Đến kính ngưỡng tượng đài Đức Mẹ khá đơn giản vì tượng đài không ở vị trí cao lắm, nhưng muốn đến kính ngưỡng Thánh giá bạn cần có sức khỏe hoặc một lòng tin sâu sắc, vì Thánh giá ở tận trên đỉnh núi cao, đường đi lên dốc đứng.

    Ở Vũng Tàu, hai thắng tích công giáo nổi tiếng nhất là tượng chúa Jesus trên núi Tao Phùng (núi Nhỏ) và Đền thánh Đức mẹ Bãi Dâu ờ triền núi Tương Kỳ (núi Lớn).

  • 3

    Đình Thắng Tam

    Địa chỉ: Phường Thắng Tam, Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
    Đình Thắng Tam tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được xây dựng vào năm 1820 đời Minh Mạng, là biểu hiện đặc trưng văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển. Đình thần Thắng Tam lúc đầu xây dựng chỉ là nhà tranh vách lá. Năm 1835 mái được lợp ngói, năm 1965 được trùng tu mới như hiện nay.

    nhung-diem-du-lich-van-hoa-noi-tieng-o-vung-tau-3

    Kiến trúc Đình Thần Thắng Tam có Cổng Tam Quan, Nhà Tiền Hiền, Hội Trường, Ngôi Đình Trung, sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngôi tiền hiền gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên bờ nóc có gắn tượng “lưỡng long triều nguyệt”, các đầu dư chạm hình đầu rồng, xây kiểu “vai chồng”, các cột bằng gỗ, bốn cột lớn và bốn cột con.

    Sát với hội trường là đình trung, lối kiến trúc giống nhà tiền hiền, nhưng mới xây dựng bằng bê tông cốt thép, có hoành phi đề bằng chữ Hán và bằng chữ Quốc ngữ, bên trong bày mười bàn thờ bằng xi măng. Đình Thắng Tam hiện nay còn lưu giữ được mười hai đạo sắc của triều Nguyễn phong cho các vị thần được thờ tại đình là: Thiên Y A Na, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thượng đẳng thần, Cá Ông, Thủy Long thần nữ.

    Ngoài những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, đình thần thắng tam còn lưu giữ những lễ hội in đậm văn hoá dân gian và bản sắc dân tộc. Hàng năm Đình Thần Thắng Tam đều có tổ chức lễ hội cầu an trong 4 ngày, từ 17 đến 20 tháng 2 âm lịch. Đây là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá. Việc tổ chức cúng tế lễ vật tế thần, cách dâng hương quỳ lạy, chiêng trống kèn nhạc của lễ hội cầu kỳ và nhiều vẻ. Lại có những tục kiêng kỵ trong tế lễ được lưu truyền, gìn giữ và chấp hành đầy đủ từ xưa đến nay.

  • 4

    Niết Bàn Tịnh Xá

    Niết Bàn Tịnh Xá nằm ở trung tâm Bãi Dứa, toạ lạc trên triền núi, hướng mặt ra biển. Ở vào vị trí nên thơ đó, Niết Bàn Tịnh Xá có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Di tích này được khởi công xây dựng năm 1969, đến năm 1974 mới hoàn thành. Đây là một công trình đồ sộ gồm nhiều phân, nhiều cấp, toạ lạc trên diện tích gần 10.000m2. Lối lên rộng rãi, dọc theo triền dốc.

    nhung-diem-du-lich-van-hoa-noi-tieng-o-vung-tau-4

    Cổng chính nổi bật với bốn chữ Hán: Niết Bàn Tịnh Xá. Hai trụ cổng được khắc đôi câu đối đầy ý nghĩa :

    Niết Bàn thị hiện, độ chúng niệm phật tâm thôn, chân giải thoát.
    Tịnh xá quang minh, vô lậu giác ngộ chánh pháp, hiển như lai.

    Phía trong là hai pho tượng ông Thiện và ông Ác cao lớn đứng trông cửa. Bên phải cổng có một bức phù điêu, rộng 2m, cao 4m chạm hình long mã, đầu rồng, chân ngựa bước trên sóng nước, phía trên hạc bay múa trong mây. Phù điêu thực hiện bằng kỹ thuật ốp mảnh sứ men trắng vẽ lam, một kỹ thuật khá thịnh hành ở các chùa miếu, lăng tẩm Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sắc hoa văn mảnh sứ tạo nên sự rực rỡ, trang nhã và sống động cho bức phù điêu. Đối diện với bức phù điêu và phía trước chính điện là trụ phướn thanh thoát, cao vút 21m, gồm 42 não. Trụ phướn được đúc bê tông, dưới to, trên nhỏ dần, xung quanh ốp gạch men màu vàng đỏ, trên có ba nhánh búp sen toả đều ra ba hướng là một nét độc đáo của Niết Bàn Tịnh Xá.

    Đường lên chính điện là hệ thống 37 bậc tam cấp có lối rộng chừng 2m. Bên phải ngay lối lên là hòn non bộ và lầu trống có Phật Di Lặc ngồi trên cao. Chính giữa là tượng hộ pháp Di Đà. Chiếc lư đồng Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phụng) có kích thước lớn, được trang trí khéo léo, công phu là báu vật của chùa. Chính điện Niết Bàn thể hiện một bức tượng Phật nhập Niết Bàn rất lớn – có lẽ vì vậy mà ngôi chùa có danh xưng Niết Bàn Tịnh Xá? Tượng Phật nhập Niết Bàn, màu nâu hồng tạo khắc đánh bóng công phu, khéo léo nằm nghiêng nhìn về hướng Tây, đầu gối lên tay phải, dài 12m nổi bật giữa chính điện. Vị thế của bức tượng, đầu quay về hướng bắc, chân duỗi thẳng hướng nam, theo truyền thuyết là tư thế của Đức Phật khi nhập Niết Bàn trên tảng đá tại Kusinara, gan bàn chân Phật được khắc 52 điểm ấn.

    Bức tượng Phật nhập Niết Bàn càng trở nên sinh động, cuốn hút vì được đặt trong không gian có nhiều công trình Phật giáo mang tính nghệ thuật cao: Phía trên đầu và sau lưng Đức Phật Nhập Niết Bàn là quang cảnh thiên nhiên xanh tươi nổi bật với hai cây Long Thọ đắp nổi nhiều lớp. Những con công, con hạc dang rộng cánh ẩn hiện trong mây, những con sư tử, con hổ, con khỉ phủ phục chầu Đức Phật viên tịch nhập Niết Bàn… Tất cả đều được đắp nổi, chạm khắc công phu với màu sắc hài hoà, thanh khiết tạo nên khung cảnh vừa trang nghiêm vừa sâu lắng chốn cửa Thiền…

    Trên bức tường bên phải chính điện treo một bức tranh sơn mài lớn thể hiện cảnh Phật ngồi thiền. Bên cạnh là một bức tranh khác thể hiện vườn Lộc dã, nơi Phật Thích Ca thuyết pháp lần đầu tiên…

    Nhìn chung, chính điện Niết Bàn Tịnh Xá không lớn, ngoài những pháp khí nhà chùa, chính điện bài trí nhiều tích Phật, trong đó nổi bật là tượng Đức Phật nhập Niết Bàn, một tác phẩm điêu khắc lớn là niềm tự hào của tăng ni, tu sĩ Phật Giáo Vũng Tàu.

    Phía sau chính điện là “Trai đường” của Chư Tăng. Trong phòng có treo 34 bức ảnh diễn tả lại cuộc đời Đức Phật từ khi sinh ra đến khi các đệ tử chia nhau Xá lợi. Trong phòng còn bài trí nhiều tranh tượng khác như tranh Di Lặc Lục Trần…

    Dựa vào thế núi, Niết Bàn Tịnh Xá toạ lạc trên nhiều độ cao khác nhau. Phía trên và sau chính điện thờ Phật Tổ. Điện thờ Phật Tổ bài trí ba bức tượng Phật Thích Ca ngồi thiền rất lớn, theo thế đối xứng. Tầng trên là một mặt bằng rộng, thoáng đạt, gió mát, du khách có thể dõi tầm mắt ra xa phía biển khơi, hoặc dễ dàng quan sát ngắm cảnh bờ biển Bãi Dứa. Khoảng sân thực sự là nơi vãn cảnh của du khách. Ở đây người ta bài trí rất nhiều bon sai, hoa cảnh. Thấp thoáng phía sau những chậu cảnh mỹ thuật là thuyền Bát Nhã, một con rồng lớn cách điệu dày công trang trí và rất đẹp. Xung quanh thuyền được ốp mảnh sứ men lam, men màu.

    Nổi bật trên mặt bằng trang trí nhiều hoa cảnh của sân thuyền Bát Nhã là gác chuông lớn nối liền với dãy nhà tĩnh nghỉ của các tu sĩ. Gác chuông được xây theo hình vuông, 4 mái uốn cong, trong tháp có một cái chuông lớn gọi là Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung cao 2,8m, chu vi 3,8m, nặng tới 3500kg. Đại Hồng Chung không những là chiếc chuông lớn nhất và nặng nhất mà còn có âm vang hay nhất trong các chuông chùa hiện có ở Vũng Tàu.

    Từ gác chuông, toàn cảnh Niết Bàn hiện ra trước mặt du khách. Đó là một công trình kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và biển trời, cây xanh và tiếng chuông ngân tha thiết.

    Hằng năm, vào dịp các lễ tết, chủ nhật hay ngày rằm, ngày đầu tháng, có hàng vạn lượt khách đến Niết Bàn Tịnh Xá chiêm bái, vãn cảnh. Với một phong cách kiến trúc đặc biệt toạ lạc ở một vị trí tươi đẹp của Bãi Dứa, Niết Bàn Tịnh Xá là một thắng cảnh nổi tiếng của Vũng Tàu được rất nhiều người ở mọi miền đất nước mến mộ và ước mong được một lần vãn cảnh, chiêm bái.

Comments