Những điều cần biết khi du lịch Tây Thiên và thiền viện Vĩnh Phúc
(Giúp bạn) - Sau Tết là khoảng thời gian chúng ta thường dành để đi du lịch. Bài viết dưới đây giúp bạn bật mí những điều cần biết khi du lịch Tây Thiên và thiền viện Vĩnh Phúc.
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc, Khu danh thắng Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo. Tây Thiên Vĩnh Phúc không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên, núi non trùng điệp thơ mộng hữu tình nơi đây mà đây còn được xem là một vùng đất tâm linh với cảnh sắc hài hòa và thanh tịnh. Nếu bạn đang có dự định đi Tây Thiên, mời bạn tham khảo các kinh nghiệm và các thông tin hữu ích sau để có 1 chuyến đi an toàn và thú vị.
Danh tự "Tây Thiên" có nghĩa là trời Tây, được dùng để chỉ Ấn Độ (Quốc gia vùng Tây Á) - nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hạ thế và sáng lập ra Đạo Phật. Bên cạnh đó, Tây Thiên cũng có nghĩa là Tây Phương Cực Lạc, cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Tây Thiên vì thế chính là cảnh giới của sự giác ngộ và giải thoát khỏi luân hồi tử sinh.
1.Thời điểm bạn nên đi du lịch Tây Thiên:
Lễ hội Tây Thiên được khai mạc vào ngày 15/2 (âm lịch) hàng năm, đây là một trong những lễ hội lớn của miền Bắc. Đến đây vào mỗi mùa bạn sẽ có những cảm nhận thú vị khác nhau về khung cảnh nơi đây.
Mùa xuân: Đây là mùa của lễ hội, cầu may, cầu tài lộc đầu năm của các du khách thập phương, các tăng ni phật tử hội tụ về nơi đây để cầu may mắn và tài lộc. Đến với nơi đây vào mùa xuân bên cạnh việc cầu may bạn còn có thể cảm nhận được không khí se lạnh thoang thoảng hương trầm hòa quyện cùng hương thơm núi rừng, ngắm nhìn cảnh vật đâm chồi nảy lộc, hoa đào khoe sắc thắm và không thể thiếu đó là không khí lễ hội đầu xuân nơi đây với rất nhiều những hoạt động văn hóa đặc trưng.
Mùa hè: Mùa hè là mùa nghỉ nghơi của hầu hết tất cả người dân Việt, khi đến đây vào mùa hè bạn có thể hòa mình giữa núi rừng thanh tịnh với không khí thanh bình của nơi thánh địa bậc nhất của đạo Phật và cùng dự lễ sám hối tại thiền viện trúc lâm Tây Thiên để có một tâm lý thoải mái nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc thường ngày.
Mùa thu và mùa đông: Đây là khoảng thời gian tất bật kết thúc lại một năm làm việc và cũng là lúc thời tiết đã chuyển mùa se lạnh, sẽ không còn gid tuyệt vời hơn khi lên đây vào 1, 2 ngày cuối tuần để hít thở không khí trong lành của núi rừng, cùng thoát khỏi sự mệt mỏi, ồn ào của thành thị để được thư giãn cùng thiên nhiên.
Du lịch Tây Thiên là địa điểm nên chọn để du xuân |
2.Lễ hội Tây Thiên tổ chức lễ hội thời gian nào?
Lễ hội Tây thiên đã được tổ chức hàng năm vào ba ngày 15, 16, 17 tháng 2 âm lịch. Lễ hội Tây Thiên thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, Chính Vương Phi của vua Hùng Chiêu Vương thứ 7. Người có công giúp vua dẹp giặc ngoại xâm thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, là người giữ lửa trong buổi đầu bình minh của dân tộc.
Từ xa xưa, các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm đều cử quan đại thần đến cúng tế trang trọng. Để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để hằng ngày hương khói.
Tham gia lễ hội khi du lịch Tây Thiên |
3.Những điều thú vị trong chương trình lễ hội Tây Thiên:
Lễ hội Tây Thiên có 2 phần: phần lễ và các trò chơi dân gian. Phần lễ tại Lễ hội Tây Thiên gồm lễ cáo, lễ rước kiệu, lễ dâng hương, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả lại truyền thuyết về Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất gian sơn... Những hoạt động dân gian trong Lễ hội Tây Thiên có thể kể đến như thi hát dân ca người Sán Dìu, thi làm bánh chưng, bánh dày, thi nấu cơm, thi hú đáo, kéo co, chọi gà...
4.Đường đi Tây Thiên từ Hà Nội:
Di chuyển bằng ô tô, xe máy:
Từ Hà Nội đi theo hướng Quốc lộ 2A (Thăng Long – Nội Bài) qua thành phố Vĩnh Yên, rẽ phải lên chân dãy Tam Đảo, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, khoảng cách 74km. Từ đây rẽ trái để đi Tây Thiên 11km, nếu rẽ phải là lên khu nghỉ mát Tam Đảo.
Đi xe bus:
Đi bằng phương tiện công cộng thời gian di chuyển sẽ hơi lâu một chút (khoảng 2,5 tiếng từ Hà Nội) và sẽ mất công chuyển giữa các loại xe, tuy nhiên bù lại sẽ không phải lo tìm đường. Bắt xe bus từ Hà Nội đi Mê Linh Plaza (Xe 07, 58). Tới Mê Linh bắt xe Vĩnh Phúc-01 đi đến bến xe Vĩnh Yên, sau đó bắt xe VP-07 (Vĩnh Yên – Tam Đảo) xuống bến Đại Đình để đi Thiền Viện (mất khoảng 40'). Tới đây bạn có thể đi xe ôm hoặc đi bộ lên Thiền Viện (Cách khoảng 3km).
Đường đi từ Hà Nội đến điểm du lịch Tây Thiên |
5.Các điểm đến khi du lịch Tây Thiên:
Đến với Tây Thiên các bạn có thể tham quan một số ngôi đền: Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm, Đền Thỏng, Cây đa chín cội, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên, Đền cô Chín ...
6.Bảng giá dịch vụ khi du lịch Tây Thiên:
Khi đã đến tham quan các đền chùa và danh lam thắng cảnh trong Khu di tích danh thắng Tây Thiên, bạn có thể đi bộ để tham quan được tất cả các địa điểm du lịch hoặc sử dụng các dịch vụ xe điện và cáp treo của Khu di tích.
Giá cả các dịch vụ được niêm yết như sau:
Dịch vụ xe điện:
- Dịch vụ xe điện giúp chuyên chở hành khách từ bến xe điện đến nhà ga đi của cáp treo Tây Thiên. Giá vé: 20.000 đồng/Km
Dịch vụ cáp treo Tây Thiên:
- Phục vụ từ 7h sáng đến 17h30 chiều các ngày trong tuần
- Giá vé khứ hồi cho người lớn là 200.000 đồng/người, trẻ em là 140.000 đồng/người.
- Giá vé một chiều cho người lớn là 130.000/ người, trẻ em là 80.000/người (Giá vé trẻ em áp dụng cho người cao từ 1m đến 1,3m. Miễn phí với trẻ em dưới 1m).
Tây Thiên - Điểm du lịch hấp dẫn |
7.Ăn uống khi du lịch Tây Thiên:
Bạn nên chuẩn bị sẵn đồ để mang theo: Xôi, bánh mì, pa tê, xúc xích, nước uống... để ăn bữa trưa. Bữa chiều nên về Vĩnh Yên để ăn, sẽ ngon hơn và tránh cảnh chặt chém. Ngoài ra, bạn có thể ăn cơm chay ở Thiền Viện.
8.Các đặc sản ở Tây Thiên :
Ngọn su su: Su su là đặc sản vùng Tây Thiên, Tam Đảo, 1 kg su su thường có giá 10.000 – 15.000VNĐ/kg. Ngoài ra, các hoa quả tự nhiên như chuối, mít cũng rất ngon.
Với nhữnng kinh nghiệm kể trên hy vọng rằng bạn và gia đình sẽ có một chuyến "du xuân" đầu năm may mắn và vui vẻ.