Những khoản chi tiêu vô lý trên đường du lịch

16:10 10/02/2014

(Giúp bạn)Có những khoản chi tiêu bạn hoàn toàn có thể hạn chế nếu chú ý kiểm soát tài chính di du lịch của mình một cách thông minh.

  • 1

    Hành lý quá khổ, quá cước

    Khi đang xếp đồ cho hành trình bạn tự hỏi mang cái này hay bỏ lại cái kia. Phương châm là mang vừa đủ thậm chí ít hơn số ngày đi bởi tiền giặt ủi ở khách sạn thường rẻ hơn nhiều so với giá hành lý quá cước.

    Đọc sách là thói quen tốt nhưng thay vì làm cho hàng lý thêm nặng, tại sao bạn không nghĩ đến việc mua một quyển mới khi đến nơi hoặc tải sách điện tử vào điện thoại, máy tính bảng. Đọc thật kỹ những quy định về hành lý đặc biệt với loại vé máy bay giá rẻ (thường có những giới hạn về số kiện và trọng lượng).

  • 2

    Bảo hiểm

    Bảo hiểm là gần như bắt buộc khi đi du lịch để vừa giúp bản thân an tâm đồng thời phát huy tác dụng nếu có bất trắc xảy ra. Tuy vậy bạn phải hiểu mình đang mua loại bảo hiểm gì và các điều khoản ra sao. Đọc càng kỹ về luật và quyền lợi càng giúp bạn chọn đúng gói bảo hiểm phù hợp.

    nhung-khoan-chi-tieu-vo-ly-tren-duong-du-lich-1

  • 3

    Những tay lái taxi mờ ám

    Tại bất cứ điểm đến xa lạ nào, taxi có thể là phương tiện nhanh và linh động nhất, đặc biệt là những nơi giao thông công cộng chưa phát triển. Tuy vậy, để cảm thấy an toàn khi ngồi lên một chiếc taxi, bạn nên bình tĩnh đánh giá một vài chi tiết sau: chiếc xe có biển của công ty, có thấy tên và thẻ hành nghề của tài xế, có đậu chung với nhiều chiếc cùng loại hay đậu riêng lẻ …

    nhung-khoan-chi-tieu-vo-ly-tren-duong-du-lich-2

    Taxi luôn tiện lợi nhưng cần chú ý để tránh các bác tài có ý đồ không tốt.

    Cách hay nhất sau khi xuống sân bay, ga tàu, bến xe bus là hỏi thăm các nhân viên làm việc tại đây để có lời khuyên về tên hãng taxi uy tín, ước lượng giá tiền cho quãng đường đến khách sạn. Cùng với các phương tiện thông minh như Google Maps hiện nay, bạn có thể đo được khoảng cách giữa các điểm, đặc biệt là tại những thành phố lớn để không bị rơi vào cảnh “đi 1 trả tiền 10”.

  • 4

    Ăn uống như… du khách

    Câu này có vẻ khó hiểu nhưng hãy đừng ăn như du khách mà nên trải nghiệm những quán xá phổ thông, điều này giúp bạn tránh những nơi tập trung quá nhiều du khách và phục vụ thức ăn một cách công nghiệp.

    Nếu bị quyến rũ bởi những lời quảng cáo kiểu như “bữa tối lãng mạn 5 sao bên bờ Địa Trung Hải” hay “thưởng thức món Ý trong pháo đài cổ nhất thành phố”… sẽ đồng nghĩa với giá thức ăn và đồ uống cao ngất trời.  

    Website eatyourworld.com là một địa chỉ bạn có thể tham khảo để tìm cho mình một chỗ dùng bữa theo đúng kiểu địa phương vừa ngon lại rẻ. Bạn cũng có thể hỏi xung quanh từ bác tài xế taxi, người ngồi cạnh trên xe bus, cô bán cà phê…, họ sẽ là những người hướng dẫn hữu ích nhất.

  • 5

    Những khách sạn trung tâm

    Tại một số nước phát triển, các khách sạn ở giữa thành phố chưa chắc đã xứng đáng với giá tiền bạn bỏ ra. Một căn phòng ở Manhattan – New York (Mỹ) thường chật hẹp và cũ hơn so với ở New Jersey và giá có thể gấp 2-3 lần.

    Chịu khó ở xa hơn một chút vừa giúp bạn có không gian thoải mái sau một ngày dài du hí lại có thể tiết kiệm khá nhiều kinh phí. Lưu ý chọn những khách sạn gần trạm xe bus, tàu điện ngầm, bến phà sẽ thuận lợi cho việc đi vào trung tâm hay các điểm du lịch phổ biến.

    nhung-khoan-chi-tieu-vo-ly-tren-duong-du-lich-3

  • 6

    Thẻ hội viên hàng không

    Một số sân bay thường phát hành thẻ hội viên với lời quảng cáo bạn có thể sử dụng ở rất nhiều sân bay khác với một mức phí thường niên thoạt nghe có vẻ chấp nhận được. Tuy vậy bạn nên cân nhắc mình có phải là một người thường xuyên đi đến những điểm có trong danh sách hữu dụng của chiếc thẻ. Nếu không, hãy tạm gác qua sự hào nhoáng của những tờ quảng cáo đặt tại các sân bay.

  • 7

    Những “hướng dẫn viên” mặc đồng phục ở sân bay, ga tàu, bến xe

    Có không ít hướng dẫn viên rất nhiệt tình và thân thiện, không cần biết bạn là ai và từ đâu đến sẵn sàng hỏi thăm và chỉ dẫn để rồi hướng bạn đến ở khách sạn A, đi tour B. Thật ra họ chỉ là những tay cò mồi chuyên lừa khách. Trong lúc vừa hạ cánh và cơ thể mệt mỏi, bạn dễ có những quyết định sai lầm.

    Lời khuyên là trước khi bước ra khỏi cổng sân bay hay các bến tàu xe, tìm đến những quầy thông tin – information center để tìm hiểu thêm chi tiết về điểm đến hay đặt dịch vụ đón từ khách sạn bạn lưu trú.

  • 8

    Đổi tiền ở chợ đen

    Tưởng sẽ có được giá hời hơn so với đổi tiền ở nhà băng hay sân bay, nhưng có thể bạn sẽ bị lừa khi các tay cò đưa một xấp ngoại tệ và khi còn chưa kịp định thần là tỷ giá bao nhiêu thì họ đã biến mất. Sau khi mở ra bạn sẽ thấy lẫn trong đó có vài tờ báo hay hóa đơn trắng.

    nhung-khoan-chi-tieu-vo-ly-tren-duong-du-lich-4

  • 9

    Một số loại phí hoặc thức ăn có tính tiền

    Tại châu Âu, khá nhiều nhà hàng tính thêm phí phục vụ hay phí nước trắng. Nên mạnh dạn hỏi trước khi ăn hoặc nếu cảm thấy không cần dùng bạn hoàn toàn có thể nhẹ nhàng từ chối. Một số nhà hàng đặt bánh mì trên bàn, nếu bạn không dùng đến hãy trả lại vì họ sẽ tính tiền lúc kết thúc bữa ăn dù bạn không đụng đến.

  • 10

    Các loại thuế đặc biệt cho thức uống có cồn

    nhung-khoan-chi-tieu-vo-ly-tren-duong-du-lich-5

    Ở một số quốc gia Hồi giáo hay Hindu giáo, giá thức uống trong quán có thể làm giảm đáng kể hầu bao của bạn.

    Tại các quốc gia Hồi giáo hay Hindu giáo, người ta thường không ăn thịt bò và thịt heo. Đồng thời luật lệ hà khắc cũng không cho phép họ uống các thức uống có cồn đặc biệt tại nơi công cộng. Như ở Ấn Độ, đừng ngạc nhiên khi gọi một ly cocktail nhỏ và đơn giản như Margarita hay Gin & Tonic và hóa đơn nhận được là 15 USD. Thay vì thế hãy uống yogurt truyền thống của họ còn bia có thể mua ở siêu thị và để dành trong tủ lạnh.

Comments