Thăm chùa trên Bích Động
(Giúp bạn)Ninh Bình quyến rũ du khách dừng chân bởi có nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có ba ngôi chùa cổ nằm trên núi Bích Động, được xếp hàng thứ hai sau Hương Tích với mệnh danh "Nam thiên đệ nhị động".
Nằm trong cụm du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. So với Tam Cốc gần đó thì ngày thường Bích Động ít khách hơn, hàng quán bán bên ngoài phục vụ du khách cũng ít hơn. Nhưng đã đến Ninh Bình mà không ghé đến Bích Động thực là phí một chuyến đi.
Lúc đầu, đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Đông (vì xoay về hướng Đông) tức là chùa Thượng bây giờ; đến đời vua Lê Hiển Tông (1740) chùa đổi thành Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng. Tên Bích Động do vua Tự Đức đặt vào thế kỷ XIX.
Đường vào Bích Động
Chúng tôi nao nức viếng chùa Bích Động như mỗi lần có dịp lần đầu tiên đặt chân đến một danh thắng. Có một điều khác với miền Trung, đến Bích Động, đi từ chùa Hạ đến tận chùa Thượng, chúng tôi không hề thấy bóng dáng một nhà sư hoặc ni cô nào mà chỉ toàn gặp những người mời chào đi thuyền dạo chơi trên sông Hoàng Long. Sông Hoàng Long là con sông chảy bao quanh Bích Động với hoa sen thả đầy khiến cho Bích Động như luôn đẫm trong hương sen vào mùa hoa nở.
Bên con đường vào thế giới tĩnh mặc của ngôi chùa có một ngọn núi đá vôi chồm ra, tạo một khỏang trống bên dưới với cây xanh phủ tỏa. Dưới bóng mát phủ lối đi là dăm người bán những mặt hàng lưu niệm lặng lẽ chờ đợi khách dừng chân. Sự rộn ràng thật sự khi đi qua chiếc cầu xi măng nhỏ, lòng lâng lâng khi ngắm nhìn bao quanh là hoa sen lộng lẫy. Bước chân qua vòm cổng là vào không gian của Bích Động.
Chùa Hạ
Và câu chuyện kể gắn liền với Bích Động - gần như mọi người quanh vùng đều thuộc làu - là hai vị sư tên Trí Kiên và Trí Khê quê ở Nam Định trong hành trình thuyết pháp, truyền bá đạo Phật, năm 1705 dừng chân ở núi Bích Động khi ấy mới chỉ có một ngôi chùa nhỏ, đã quyên góp thập phương để xây dựng ba ngôi chùa dựa lưng vào vách núi, giữa thiên nhiên đất trời giao hòa đẹp lộng lẫy như hiện nay.
Bích Động cheo leo theo những bậc thang. Với kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, chùa Hạ thanh thoát mái ngói cong. Nơi đây có một cây mít được gắn tấm bảng đặt tên là “Cây mít thế kỷ”; dù trông rất “già”, gốc lớn nhưng vẫn đeo rất nhiều trái thành chùm, e chuyện đặt tên chỉ nhằm lôi kéo thói tò mò của du khách chứ cây này chưa thể đến trăm tuổi được. Có một khu vực riêng là mộ tháp của các vị hòa thượng từng trụ trì ở chùa. Núi ở đây là đá vôi, từ nơi này ngước nhìn lên núi cao, cảnh quan vách núi với những nhũ đá nhô ra, lõm vào thành những hang nhỏ tạo cho du khách cảm giác kỳ lạ.
Đường lên chùa Trung.
Ghé chùa Hạ trong thóang chốc, lại bước chân lên 120 bậc cấp theo hình chữ chi. Những bậc cấp này cũng đã có hàng mấy trăm năm trước, đục vào núi mà thành. Chùa Trung nằm một nửa bên ngoài, một nửa nằm vào núi, cũng màu đất nâu sậm. Trước chùa có lư hương lớn đúc bằng xi măng, có sẵn nhang để khách hành hương thắp lên tỏ lòng kính cẩn. Từ chùa Trung, mắt có thể ngắm nhìn không gian thênh thang bên dưới.
Nhưng hấp dẫn nhất là lúc bước chân vào động Tối. Bên cạnh chùa Trung có một miếu nhỏ, từ đây có một con đường nhỏ bên cạnh vách núi phẳng. Vừa ra ra khỏi vách núi là bước chân vào một vùng tối thâm u, được biết phải bước lên 21 bậc cấp. Đoàn đi trước chuẩn bị đèn pin của người dẫn đường nên vượt qua con đường lên động Tối dễ dàng. Còn tôi đi sau, bước chân dò dẫm trong bóng đêm, lò mò dẫm từng bậc cấp, dẫu có bật đèn từ chiếc điện thoại di động vẫn không đủ ánh sáng để vượt qua đoạn đường kỳ thú này. Bậc cấp lên cao lần, cho đến khi thấy ánh sáng hắt vào mới biết là tới đích.
Thì ra động Tối nằm trọn trong lòng núi. Trong động Tối này có một chiếc chuông cổ, có từ năm Đinh Hợi (1707). Nhiều khách đánh chuông để cầu nguyện với niềm tin rằng làm thế sẽ cầu được điều tốt lành. Trong động có những nhũ đá mà trí tưởng tượng có cảm giác như các ông tiên, bà tiên ở đó. Ngoài ra tại động Tối còn có tượng Phật bằng đồng đen nằm uy nghi nhìn ra dãy núi phía trước.
Ra khỏi động Tối, du khách thấy mình đang đứng bên sườn núi cao. Ngắm nhìn bên dưới, vách núi nối liền nhau, lũng sâu bên dưới, cổ thụ chen dây leo tạo ra một khung cảnh cực kỳ xinh đẹp, khiến cho bao nhiêu mệt nhọc như đã được giũ sạch. Có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa sen, được gọi là Ngũ Nhạc Sơn; gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa. Một chiếc cầu nhỏ được gọi là cầu Giải Oan để lên chùa Thượng, người ta bảo rằng, ai bước qua cầu này sẽ quên hết những điều phiền não.
Chùa Thượng
Dù thấm mệt, nhưng đã đến đây ai cũng muốn lên chùa Thượng. Những bậc đá lên chùa Thượng không được chắc chắn lắm, chúng được đẽo gọt, xếp thành 40 bậc cấp. Vừa đi, vừa ngoái nhìn bên dưới để cảm nhận thiên nhiên. Có thể nhìn thấy rõ đá được xếp thành tường trên cao để tạo thành một khoảng sân nhỏ trước chùa. Chùa Thượng chính là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở Bích Động. Chùa nhỏ, bên trong chỉ có thể đứng khoảng năm người là chật. Cửa chùa đóng, nhưng có thể nhìn từ bên ngoài nhìn vào thấy thờ Phật Bà Quan Âm.
Hai bên chùa có hai miếu thờ; hướng bắc thờ Sơn thần, hướng nam thờ Thổ địa. Cạnh chùa có một bể nước được gọi là "bể nước Cam Lồ". Tục truyền, ngày xưa ở quanh chùa Thượng có loại cây tên Sơn Kim Cúc. Cây nở ra hoa màu vàng, cánh hoa nhỏ, phơi khô làm trà; người ta cho biết loại trà này là loại thuốc trị bệnh mắt mờ.
Tính từ dưới chân núi để lên chùa Thượng là đã vượt qua độ cao 60 mét. Trong không gian phiêu bồng, bước chân qua cây cầu bao quanh hoa sen nở, rồi lên tận chùa Thượng đi tìm hoa Sơn Kim Cúc, ngắm nhìn núi Ngũ Nhạc giao hòa, đủ thỏa lòng một chuyến hành hương cổ tự giữa non sông.