Từ nhiều năm nay, du khách tới những vùng hẻo lánh của Campuchia phải đối mặt với hệ thống tàu xe xập xệ, chật chội và đầy mùi khó thở. Các chuyến tàu di chuyển giữa làng xóm khá ít, và việc hỏng hóc giữa chừng không có người sửa thường xuyên xảy ra. Để đối phó với chuyện này, những người dân ở phía Tây Bắc Campuchia đã chế ra hệ thống “tàu” riêng để phục vụ chính mình và du khách.
Gọi là tàu nhưng thực ra phương tiện di chuyển mà người dân thành phố Battambang sử dụng là những miếng tre, gỗ và những bánh xe tái chế. Họ tự gọi phương tiện của mình là Norri trong khi du khách nước ngoài đặt cho chúng cái tên: những chiếc “tàu tre”.
Mỗi chiếc “tàu tre” như thế này thường bao gồm một miếng ván gỗ dài 3 mét, cùng với những thanh gỗ phụ trợ. “Tàu” cũng có hệ thống khởi động chạy bằng ga và bánh xe. Mỗi chiếc “tàu” như thế này có thể chuyên chở khoảng 20 người hoặc hơn, với vận tốc lên tới 40km/giờ.
Trông các phương tiện này có vẻ thô sơ và đầy mạo hiểm. Nhưng sự thật là những người dân vẫn di chuyển hàng ngày bằng Norri. Theo họ, phương tiện này thậm chí còn an toàn hơn taxi hay xe ôm vì trong trường hợp khẩn cấp bạn có thể lập tức nhảy ra khỏi “tàu”. Nếu có ít khách, bạn thậm chí có thể ngủ luôn trên “tàu”, điều mà bạn không thể làm khi ngồi xe ôm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hai chiếc “tàu tre” chạm mặt nhau trên đường ray bằng tre? Cách giải quyết của những người dân hiền lành nơi này rất đơn giản: chiếc “tàu” nào có ít hành khách hơn sẽ được kéo ra khỏi ray, nhường đường cho chiếc còn lại trước khi được đặt trở lại đường ray.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nghề lái “tàu tre” cũng được ưa chuộng hơn, vì khách du lịch sẵn sàng trả 2 USD (40.000 đồng) cho một lần ngồi trên “tàu” hoặc tự tay lái “tàu”. Khoản chi này mang lại thu nhập phụ cho các hộ gia đình nghèo ở Campuchia.