Hồ nằm giữa dãy núi Tam Đảo sừng sững ẩn hiện trong mây trời và một bên là vùng rừng núi gắn liền với huyền thoại về một mối tình đau thương hóa sông, hóa núi của chàng Cốc và nàng Công.
Nơi này có vẻ đẹp tổng hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp kết hợp với những nét hoài cổ của các công trình đã được phủ đầy lớp màu rêu phong qua thời gian.
Lạc vào chốn hoài niệm
Bồng bềnh (ơ) bồng bềnh, tròng trành (ơ) tròng trành.
Một vùng núi cao nước sâu thuyền trôi, thuyền trôi
Mái chèo bâng khuâng dưới chân Tam Đảo.
Ai đã từng một lần được lênh đênh trên con thuyền chạy máy lướt trên mặt nước hồ Núi Cốc thì mới hiểu cảm giác thơ mộng, bình yên trong câu ca mà nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sáng tác. Mùa này nước hồ khá cạn. Cô hướng dẫn viên kể rằng vùng hồ Núi Cốc dài đến 17km với vô số sản vật, là nguồn lợi thủy sản để nuôi sống nhiều người dân ở các làng xã ven hồ.
Ba bức tượng khổng lồ dựa theo sự tích Chuyện tình ba cây thông.
Thuyền cập vào đảo Núi Cái hay còn gọi là đảo Văn Hóa rộng 18,6ha và là đảo lớn nhất trong số 89 hòn đảo ở hồ Núi Cốc. Một khung cảnh thật bình yên, trong lành. Không gian nơi đây giờ chỉ có tiếng chim hót trong gió thổi, tiếng lá rơi xào xạc… Đón chúng tôi là chiếc cổng có lẽ đã được xây dựng hàng chục năm với những hình thù rồng, phượng, hổ, báo uốn lượn. Mái, cột của cổng cũng được uốn cong vút lên trời xanh. Du khách bước qua chiếc cổng này sẽ chạm chân vào những bậc gạch cổ, cả thảy 108 bậc.
Thuyền đưa du khách ra thăm đảo.
Khung cảnh càng thêm bí ẩn như đưa chúng tôi về những câu chuyện kiếm hiệp xa xưa khi đập vào mắt là hàng trăm nấm mộ đất nằm rải rác ở sát lan can chạy theo 108 bậc gạch, dưới hàng cây đại cổ thụ trổ hoa khá lạ mắt. Leo hết đoạn đường dốc sẽ bắt gặp một căn nhà cổ xây dựng hoàn toàn bằng gỗ rêu phong, mà theo như cô hướng dẫn viên đã tồn tại trên 100 năm khiến mọi người ngạc nhiên. Cách đó vài chục mét là một căn nhà cổ năm gian khác khá đồ sộ và mang đậm đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ, với tuổi đời ước chừng 200 năm.
Truyền thuyết và bảo tàng tượng đất nung
Hồ Núi Cốc được hình thành từ một câu chuyện tình lãng mạn và đau xót. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa dưới chân Tam Đảo có một chàng trai nghèo sống bằng nghề kiếm củi, lầm lũi quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn nên dân làng gọi tên chàng là Cốc. Vì chàng nghèo nên chẳng có cô gái nào dám lấy. Lúc buồn, chàng chỉ có cây sáo làm bạn tâm tình. Thuở ấy ở vùng sông Đáy, sông Gâm có một nhà quan giàu có, có một cô con gái xinh đẹp, ai cũng hi vọng được làm rể nhà quan.
Cô con gái độc nhất của quan không chỉ xinh đẹp mà còn hát hay và múa dẻo nổi tiếng. Người ta quen gọi nàng là nàng Công. Đã mấy lần cha nàng tổ chức kén rể nhưng rồi nàng vẫn “phòng không cô quạnh”. Ai muốn làm rể quan phải làm công cho nhà quan ba năm mới được gặp mặt nàng Công. Nếu nàng ưng ai thì quan cho cưới ngay. Nhưng nàng Công chưa chọn được ai.
Qua chiếc cổng cổ kính này, du khách sẽ lạc vào một chốn hoài niệm.
Vào một năm hạn hán mất mùa, chàng Cốc lần tìm đến nhà quan làm thuê. Thấy chàng hiền lành, thật thà, quan giao cho việc chăn đàn trâu trong rừng. Những lúc cô đơn, chàng chỉ biết gửi lòng mình vào cây sáo trúc. Tiếng sáo làm nàng Công xúc động tìm đến với chàng Cốc. Quan vô cùng tức giận rồi lập mưu giết chàng Cốc. Quan sai chàng vào rừng Lũng Phia lấy ngà voi, sừng tê giác, gạc nai về làm lễ vật đám cưới.
Chàng Cốc vào rừng rồi nhớ thương, tuyệt vọng, héo hon mà chết. Trời đất cảm thương hóa chàng thành một quả núi sừng sững giữa trời. Nàng Công nhớ thương khóc ngày khóc đêm. Cho đến một ngày kia cả tấm thân nàng cũng hóa thành nước mắt. Nước mắt yêu thương chung thủy qua bao năm tháng thấm sâu vào đất, chảy thành dòng theo vết nứt tìm về núi Cốc”.
Khách sạn nằm trong lòng bức tượng khổng lồ này.
Đến đây du khách còn được chiêm ngưỡng một bảo tàng tượng đất nung ngoài trời rất đặc biệt với cả trăm pho tượng đất nung mang hình hài những con thú như sư tử, chó, hổ, voi…
Bên cạnh đó còn là những bức tường gắn phù điêu bằng đất nung khắc họa hình người. Đây chính là một bảo tàng tượng đất nung ngoài trời độc đáo thể hiện các nền văn hóa Việt Nam như văn hóa Sa Huỳnh, tháp Chàm của miền Nam Trung bộ, văn hóa Óc Eo của đồng bằng Nam bộ.