10 mẹo rèn thói quen ăn uống tốt cho bé
(Giúp bạn)Chia sẻ dưới đây của chuyên gia dinh dưỡng Mỹ - Melinda Sothern, tác giả cuốn sách "Healthy Kids" sẽ giúp các mẹ có thể tạo dựng thói quen ăn uống tốt cho trẻ.
- 1
Không nên hạn chế trẻ ăn
Việc hạn chế trẻ ăn sẽ làm tăng rủi ro của chứng háu ăn khi còn trẻ và chán ăn khi tuổi già. Thêm vào đó, những hạn chế bất lợi có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
- 2
Để thực phẩm lành mạnh trong tầm với của trẻ
Trẻ em và người lớn đều có xu hướng ăn những gì ở gần mình. Vì thế các mẹ đừng quên đặt trên bàn, ở gần tầm với của trẻ, một loại trái cây hay thực phẩm lành mạnh để trẻ có thể ăn bất cứ khi nào chúng muốn nhé.
- 3
Khéo léo kết nối thực phẩm với điều bé thích
Cố gắng tìm một kết nối giữa thực phẩm và những điều trẻ thích. Ví dụ nếu bé trai thích những vận động viên hay nhân vật siêu nhân thì bạn có thể dụ bé rằng "Protein trong thịt gà/canxi từ sữa sẽ giúp con cao lớn như vận động viên/ khỏe mạnh như siêu nhân". Hay nếu bé gái thích công chúa hoặc búp bê Babie thì bạn có thể nói trái cây và rau quả sẽ giúp con trở nên xinh đẹp và đáng yêu như nàng công chúa.Trẻ cũng thường cảm thấy vô cùng thích thú đối với những thứ có nhiều màu sắc. Các mẹ có thể “lợi dụng” điều này để giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với việc ăn cơm. Ví dụ như mua các loại bát, đĩa, thìa có hình con vật, hình bông hoa nhiều màu sắc. Khi đã thu hút được sự chú ý của trẻ vào những vật dụng ngộ nghĩnh và lạ lẫm như vậy, trẻ sẽ ngoan ngoãn ngồi ăn hơn.
- 4
Khuyến khích các lựa chọn ăn uống lành mạnh
Khen ngợi con của bạn khi chúng chọn những thực phẩm lành mạnh. Sự khen ngợi và cổ vũ khéo léo sẽ giúp bé cảm thấy vui thích và duy trì lựa chọn tốt đó.
- 5
Đừng càu nhàu về đồ ăn vặt
Đừng vội càu nhàu hay quát mắng khi trẻ lựa chọn thực phẩm không lành mạnh. Chỉ cần cố gắng kín đáo hoặc nhẹ nhàng thay thế đồ ăn vặt bằng những thực phẩm hữu ích hơn. Chẳng hạn nếu trẻ muốn ăn bim bim, bạn có thể thay chúng bằng khoai tây nướng trong lò. Nếu bé thích ăn kẹo, bạn có thể lựa chọn một loại trái cây ngọt hay sô cô la đen.Thêm một mẹo nhỏ là các mẹ nên tích trữ trong nhà những loại trái cây sấy khô để thay thế cho món kẹo vốn không bổ béo gì nhé.
- 6
Tạo ra không khí vui vẻ cho bữa ăn của bé
Khi cho trẻ ăn, người lớn tránh việc quát tháo hoặc làm bé sợ. Hãy tạo ra không khí vui vẻ như khiến bé cười hoặc mọi người cùng ngồi ăn với bé. Khi thấy mọi người xung quanh mình ăn uống vui vẻ và cười nói, trẻ sẽ tập trung vào bữa ăn.Cha mẹ tránh để bé phân tán sự chú ý vào việc khác vì như vậy bé sẽ không chịu ăn và cũng không tốt cho việc tiêu hóa thức ăn. Có nhiều cha mẹ vì muốn “dụ” con ăn nên đã cho trẻ đi bộ xung quanh xóm, bật tivi hoặc để một rổ đồ chơi ngay trước mặt trẻ. Cách làm đó sẽ khiến trẻ không tập trung vào việc ăn và thường cảm thấy khó chịu khi bị ép phải ăn.
- 7
Khuyến khích để trẻ tự ăn
Khi bé bắt đầu được 1 tuổi, các mẹ nên tập cho con thói quen tự ăn. Lúc này, bé đã có thể tự cầm thìa và lấy những thứ mà mình muốn ăn rồi, các mẹ chỉ cần trợ giúp một chút để trẻ ăn được dễ dàng hơn.Tuy nhiên, vì bé vẫn còn nhỏ và khi ăn có thể làm đổ hay vung vãi đồ ăn, các mẹ đừng nên cáu giận hoặc quát mắng bé nhé! Trái lại, hãy vui vẻ và khuyến khích để bé cảm thấy rằng mình đang được giúp đỡ.Tập cho bé thói quen tự ăn ngay từ nhỏ thì khi bé lớn các mẹ sẽ không mất nhiều thời gian để cho bé ăn. Hơn nữa, thói quen tự ăn cũng giúp bé phát triển và phối hợp linh hoạt các hoạt động của tay và mắt.
- 8
Cho phép trẻ lựa chọn thức ăn mà chúng thích
Khuyến khích con bạn thử các thực phẩm khác nhau. Nếu có thể thì khéo léo gợi ý, định hướng cho chúng những thực phẩm lành mạnh. Qua đó thăm dò ý kiến, sở thích của trẻ. Cho phép trẻ lựa chọn thức ăn mà chúng thích sẽ giúp chúng cảm thấy được tôn trọng, từ đó cũng chấp nhận thực phẩm tốt một cách chủ động.
- 9
Tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa
Bạn không thể tự quyết định việc tăng cân hay giảm cân của con mình bởi thể trạng sức khỏe không thể phỏng đoán bằng mắt nhìn. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên cha mẹ cần kiên trì, vì không gì có thể thay đổi được trong một ngày, nhất là việc xây dựng thói quen. Trước khi quyết định thay đổi chế độ ăn uống của trẻ, hãy nói chuyện với bác sỹ nhi khoa để được tư vấn chính xác và khoa học nhất.
- 10
Làm tấm gương tốt
Trẻ mẫu giáo đặc biệt thích sao chép những gì cha mẹ làm. Bé có khả năng bắt chước sở thích ăn uống của cha mẹ và sẵn sàng để thử thức ăn mới. Vì thế, bạn hãy chọn những thực phẩm lành mạnh trước mặt bé. Ăn cùng con cái bất cứ khi nào có thể, để con biết bạn thích ăn trái cây và rau quả như thế nào. Hoặc hãy làm cho bữa ăn vui vẻ hơn bằng cách thử ăn những món mới cùng nhau.