10 tiêu chí để đánh giá một bảo mẫu tốt
(Giúp bạn)Những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều bảo mẫu hành hạ trẻ em. Các mẹ bé thường tin tưởng giao phó con mình cho các bảo mẫu chăm sóc nhưng không ngờ lại giao “trứng cho ác”. Để nhận biết một bảo mẫu tốt cần căn cứ vào nhiều yếu tố. Dưới đây là 10 yếu tố đáng quan tâm nhất:
- 1
Bé có vui vẻ không?
Các trường mẫu giáo an toàn và có nhiều hình thức giáo dục không phải là tốt cho bé nếu bé cảm thấy không vui vẻ, thích thú khi ở trường đặc biệt là trường hợp bé sợ tới lớp thì bạn nên chú ý. Cần quan tâm tới yếu tố là bé có nhiều bạn hay không, có quấn quýt với cô dạy trẻ hay không, có hứng thú với các hoạt động các cô bày ra không?...
- 2
Bảo mẫu có nhiệt tình với các con không?
Mỗi bảo mẫu có tính cách khác nhau nhưng phần lớn các ông bố bà mẹ đều mong chờ các cô có được sự nhiệt tình, mộc mạc, sự yêu thương đối với trẻ con đặc biệt là đối với con của họ. Để đánh giá được điều này, bạn hãy quan sát ánh mắt, cử chỉ, lời nói, nụ cười của các cô và cảm giác của trẻ khi ở bên.
- 3
Môi trường học tập có an toàn?
Bất kì một người nào đều biết rằng, các bé rất hiếu động, có thể bị ngã, bị thương bất cứ lúc nào. Nếu nhẹ thì chỉ sứt sát, nếu nặng thì có thể dẫn tới tử vong. Nếu các trường mẫu giáo không lấy tiêu chuẩn an toàn cho trẻ làm đầu thì không nên gửi con ở đây. Trước khi tới gửi con cho các cô, bạn nên quan sát, tham quan một lượt trường xem các giá sách kê có chắc chắn không, đồ chơi có an toàn không, nền nhà có được trải thảm êm cho trẻ hay không, sân chơi có vật nhọn hay không, khu vệ sinh có sạch sẽ hay không? Thậm chí trang phục của các cô có an toàn cho các cháu hay không (Một số cô để móng tay quá dài, có thể gây xước da cho các con, hay một số cô có những phụ kiện như vòng tay, vòng cổ, vòng tai, kẹp tóc… lòa xòa, nếu rơi ra, trẻ nhặt được bỏ vào miệng sẽ bị hóc)…?
- 4
Bạn có hài lòng với sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé hay không?
Các chuyên gia giáo dục và các bậc cha mẹ quan niệm khác nhau về tầm quan trọng của lớp mầm non đối với quá trình phát triển của các con. Một số cho rằng chỉ cần chú ý những nền tảng cơ bản, cần thiết, cung cấp nhiều trò chơi an toàn và vui vẻ cho các con và khuyến khích các kĩ năng liên kết xã hội… số khác lại nghĩ rằng chỉ cần nhấn mạnh vào các kĩ năng như đọc, làm toán cũng như các môn học có tính học thuật như khái niệm, ngoại ngữ… là những ngành quan trọng làm nên thành công của các con sau này. Tùy theo mục đích giáo dục và kì vọng mà bạn muốn con mình đạt được, bạn thử đánh giá xem là ngôi trường đó cùng các giáo viên đó có đem lại kì vọng cho bạn.
- 5
Giao tiếp của bạn và các cô bảo mẫu
Bạn có thể biết được giờ giấc ăn ngủ, các hoạt động bé hay chơi, món ăn bé yêu thích hoặc những tài lẻ, năng khiếu của bé thông qua trò chuyện với các cô bảo mẫu. Nếu các cô không nắm được đặc điểm của các con, phớt lờ hoặc tỏ ra thờ ơ, cáu gắt với những câu hỏi của bạn thì nên xem lại.
- 6
Dựa vào cảm tính
Hãy tin tưởng vào cảm tính và bản năng làm mẹ của bạn để đánh giá xem cô bảo mẫu có đối xử tử tế với con mình hay không. Mối thiện cảm của bạn đối với cô bảo mẫu như thế nào. Nhiều trường hợp có mẹ đoán đúng có mẹ đoán sai, song nếu bạn thực sự không có cảm tình với cô bảo mẫu thì nên chọn trường khác.
- 7
Sự xung đột giữa mục đích trừng phạt và cách nuôi dạy?
Nếu bạn là người có xu hướng nuôi dạy con không dùng roi vọt mà gặp một cô giáo dạy con mình bằng cách dùng roi vọt thì chắc chắn xảy ra xung đột. Không có một cách nào đúng hoặc sai hoàn toàn trong cách giáo dục một đứa bé song nếu bạn muốn nuôi con theo cách riêng của mình mà bạn cho là hợp lí thì nên trò chuyện với cô bảo mẫu về cách kỉ luật, phát triển tính cách, trí tuệ, kĩ năng xã hội, cảm xúc để tránh xung đột, hiểu nhầm, gây kiện cáo không đáng có.
- 8
Cô bảo mẫu có nhớ những thông tin y tế về bé gần đây nhất?
Bé bị cảm, sốt, bị đau, bị bệnh lí… cần sự chăm sóc đặc biệt. Mặc dù bạn đã dặn dò cô giáo khá kĩ, đưa cho cô cả chỉ dẫn của bác sĩ nhưng cô vẫn quên và không làm theo thì bạn nên nghĩ ngay tới việc chuyển trường hoặc chuyển lớp cho bé. Một bảo mẫu vô trách nhiệm như vậy thật không nên để trẻ phải hứng chịu hậu quả.
- 9
Kĩ năng nghề nghiệp của các cô bảo mẫu có được bồi dưỡng thường xuyên?
Không nặng nề về bằng cấp nhưng kĩ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của các cô phải đủ hoặc khá, tốt, được thường xuyên bồi dưỡng thì mới đủ khả năng để đuổi kịp xu hướng giáo dục của thời đại.
- 10
Có kế hoạch tìm người thay thế tạm thời khi bảo mẫu bị ốm?
Bạn mất tiền để gửi trẻ cho các cô bảo mẫu chăm sóc. Mỗi buổi, chi phí lấy từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bạn nên mỗi khi các cô bị ốm, nghỉ thì cần phải tìm người thay thế.