3 điều tối kỵ khi dạy con tự lập
(Giúp bạn)Có hành vi tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng lại tác động lớn đến nhận thức của trẻ.
Lên chức cha mẹ, ai cũng mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con. Nhưng đôi khi, chính sự chăm sóc và quan tâm không đúng của cha mẹ lại là nguyên nhân khiến con chán chường, mệt mỏi, sẵn sàng ‘bung’ quyết liệt hoặc không học được cách đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Dù có thương yêu và lo lắng cho con thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần nhớ rằng có những nguyên tắc bạn không bao giờ được phép vi phạm. Dạy con tự lập ngay từ bé, bạn sẽ thu về nhiều 'trái ngọt' bất ngờ.
Để rèn con lối sống chủ động, không ỷ lại, cha mẹ tuyệt đối không làm giúp con 3 việc dưới đây:
- 1
Làm bài tập thay con
Nhìn thấy con ‘cắn bút’ vì không nghĩ ra ý tưởng cho bài văn hoặc ‘bí’ trước bài toán khó… bạn lo con căng thẳng, chép miệng cầm bút và ‘xắn tay’ ứng cứu ngay. Việc giúp đỡ con xuất phát từ mục đích tốt, nhưng không phải lúc nào cũng mang đến kết quả như mong đợi.“Con không làm được đâu" – tiếng ‘rên rỉ’ yếu ớt của con trẻ khiến bạn động lòng trắc ẩn. Xót con, bạn vớ lấy cây bút, miệng dỗ dành còn tay cầm bút viết nhoay nhoáy bài luận thay con. Sự thật, làm thay con luôn dễ hơn việc kiên nhẫn chỉ bảo, khuyến khích để con suy nghĩ và tự làm. Nhưng nếu như con trẻ gặp khó khăn, luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của cha mẹ thì chúng sẽ không học được cách ứng biến và trưởng thànhHãy nhớ, nếu trẻ không hiểu đề bài hay chưa nghĩ ra cách giải, hãy dành thời gian xem xét kỹ câu hỏi và có những gợi mở cho chúng, tuyệt đối không đưa luôn đáp án. Một điểm nữa bạn cần ghi nhớ là đừng 'kè kè' ngồi bên lúc trẻ làm bài tập về nhà, vì chúng sẽ có xu hướng ‘cầu cứu’ khi vừa mới gặp một chút khó khăn.
- 2
Nói thay trẻ
Với vốn từ vựng chưa phong phú, khó tránh khỏi việc trẻ 'lắp bắp', khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ của mình. Nhưng không phải vì thế mà bạn đoán ý và ‘mớm lời’ cho trẻ ngay.
Trong bất kỳ trường hợp nào, đừng vội vàng tước đi quyền được nói, được trải nghiệm của con trẻ. Hãy nhớ, tuyệt đối không phát ngôn thay trẻ, tránh mắc phải lỗi ‘Ý con là…’.
Tất nhiên, những khi trẻ gặp nguy hiểm, bạn cần can thiệp, nhưng nếu mọi việc chẳng có gì đáng ngại, hãy khuyến khích chúng tự tìm cách kết thân hay giải quyết mâu thuẫn.
- 3
Chọn bạn
Trong thâm tâm cha mẹ luôn nghĩ mình biết điều gì – ai – là tốt nhất cho con. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi con trẻ phải 'chọn bạn mà chơi' theo ý của cha mẹ.
Thực tế, người mà cha mẹ nhận định là tốt, chưa chắc con đã có thể kết thân và chơi một cách cởi mở. Do vậy, đừng ép buộc con trẻ vì có thể chúng sẽ nổi loạn. Tất nhiên, không có gì sai nếu cha mẹ như nhịp cầu nối con với những người mới, nhưng hãy để trẻ được tự đưa ra chọn lựa kết bạn hay không.
Trách nhiệm của cha mẹ là hãy để mắt đến các bạn của con, nhanh chóng 'nhận diện' những trẻ hay chửi thề, hành vi xấu hoặc thói quen có thể gây hại cho con... để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhưng không phải là cấm đoán.
Kết: Trở thành "cha mẹ trực thăng", luôn lo lắng và đắm đuối vì con, kiểm soát con tới cùng… là bạn đang tự ‘ươm mầm’ họa cho chính bản thân. Hậu quả của những bậc cha mẹ này gây ra là trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào họ về tình cảm và mất khả năng tự phát triển, ứng phó với những biến cố của cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, những phụ huynh nuông chiều con theo kiểu 'cầm tay chỉ việc' đang tạo ra một thế hệ trẻ có lối sống ích kỷ, chỉ biết ỷ lại và không biết sẻ chia... hay có bất kỳ ý tưởng, dự tính nào cho bản thân.
Nuôi dạy con cái nên đồng nghĩa với việc cha mẹ được nghỉ ngơi và để trẻ tự khám phá, học hỏi nhau… Hãy quên đi vai trò “hy sinh” hay “cá chuối đắm đuối…” để tận hưởng cuộc sống ngay cả khi bạn đã có con.