3 sai lầm thường gặp khi nuôi dạy con
(Giúp bạn)Quá bảo vệ con, luôn sẵn sàng "ứng cứu" lúc con gặp khó khăn, thường xuyên khen ngợi... là những lỗi nuôi dạy con cha mẹ thường mắc phải. Ngược lại với mong đợi của phụ huynh, những thói quen này có thể gây hại cho tương lai con trẻ.
Cha mẹ nào cũng hết lòng vì con, cũng mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình, tuy nhiên quá bảo vệ, chăm sóc con có thể phản tác dụng.
Sau đây là những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi nuôi dạy con và cách sửa chữa những sai lầm đó:
- 1
Không để con mạo hiểm
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những mối nguy hiểm có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Đường trơn trượt, điện cao thế, chất độc hại, ...tất cả đều khiến chúng ta lo lắng cho con. Điều đó không có gì sai, tuy nhiên nó khiến chúng ta hoàn toàn cách ly con mình khỏi những rủi ro, nguy hiểm.
Chúng ta lo lắng về việc để trẻ độc lập và e ngại hậu quả có thể xảy đến mà không hề ý thức được những ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. “Những đứa trẻ tránh xa rủi ro có điểm thi thấp hơn và ít khả năng học đại học hơn so với những đứa trẻ được cha mẹ cho phép mạo hiểm”, một nhóm nghiên cứu do Sarah Brown thuộc Đại học Sheffield (Anh) dẫn đầu cho biết. Việc lo sợ những nguy cơ có thể xảy đến còn ngăn chặn các bậc phụ huynh thực hiện những cuộc đầu tư không chắc chắn vào chính con em mình.
Các nhà tâm lý học Châu Âu đã phát hiện ra rằng nếu một đứa trẻ không ra ngoài chơi và chưa từng gặp phải những tai nạn nhỏ do đùa nghịch, đứa trẻ đó sẽ có những nỗi ám ảnh như chính bố mẹ mình. Cụ thể, chúng luôn sợ rủi ro và không dám thử bất cứ một hoạt động nào. Nỗi đau thực sự là một giáo viên cần thiết, bởi nó là một phần của sức khỏe và sự trưởng thành.
Khi trẻ lớn dần, rủi ro và những thành tích chúng đạt được sẽ giúp chúng định hình bản sắc cá nhân và ngày càng tự tin. Các nhà tâm lý học cho biết, khi đến tuổi vị thành niên, những đứa trẻ có cha mẹ lo sợ rủi ro sẽ trở nên kiêu căng, tự mãn nhưng lại thiếu tự tin.
Theo một nghiên cứu của Đại học London, thái độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm thường xuất hiện ở trẻ vị thành niên. Trẻ phải tìm hiểu những ranh giới, những giá trị đích thực và xác định được bản ngã của chính mình. Đây chính là thời điểm mà chúng phải trải nghiệm và hiểu được hậu quả của những hành vi nhất định. Việc đón nhận những thử thách từ năm 14,15 tuổi sẽ giúp con bạn chuẩn bị cho những quyết định và thử thách lớn hơn như dọn khỏi nhà, theo đuổi sự nghiệp hoặc kết hôn. Do đó, có thể hiểu tại sao rất nhiều thanh niên từ 22 đến 35 tuổi vẫn sống ở nhà, chưa hề bắt đầu sự nghiệp và cũng không có được một mối quan hệ nghiêm túc. Chỉ đơn giản là vì khi còn bé họ không được mạo hiểm!
- 2
“Cứu” con quá nhanh chóng
Việc cha mẹ luôn can thiệp và giải quyết những vấn đề của con sẽ khiến con không phát triển các kỹ năng sống. Thậm chí, có những sinh viên đại học còn chưa từng tự điền một lá đơn. Cha mẹ hoặc giáo viên luôn làm hộ họ. Khi một sinh viên năm nhất bị điểm kém, sinh viên đó sẽ ngay lập tức gọi cho mẹ và phàn nàn về điểm số. Chắc các bạn cũng đoán ra chuyện gì xảy ra tiếp theo đúng không? Cô sinh viên sẽ đưa điện thoại, để mẹ nói chuyện với giáo viên của mình và thương lượng về điểm số.
Nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng thực ra luôn giải quyết hộ con tất cả vấn đề và nuông chiều con lại là một trong những hình thức lạm dụng trẻ nguy hiểm nhất. Điều này sẽ khiến con bạn không thể trở thành người lãnh đạo, bởi chúng chẳng thể tự làm gì mà không nhờ đến sự giúp đỡ.
- 3
Dễ dàng khen con
Nếu bạn khen con quá nhiều và quá dễ dàng, con sẽ ngộ nhận rằng mọi người đều là người chiến thắng. Nghiên cứu cho thấy điều này có thể mang đến những hậu quả không lường trước. Tiến sĩ Carol Dweck thuộc Đại học Stanford (Mỹ) từng tiến hành nghiên cứu để tìm ra tác động tiêu cực của lời khen. Trong nghiên cứu, 2 nhóm học sinh lớp 5 phải làm một bài kiểm tra. Sau đó, một nhóm được khen rằng: “Cháu thật thông minh”, còn một nhóm được nói là: “Cháu chắc hẳn đã làm việc rất chăm chỉ”. Khi 2 nhóm phải làm bài kiểm tra tiếp theo, các nhà khoa học đã nói trước rằng bài này sẽ khó hơn và bọn trẻ không bắt buộc phải làm bài này.
Kết quả, 90% số trẻ được khen thông minh quyết định không làm bài kiểm tra thứ 2. Tại sao vậy? Đó là vì chúng lo sợ sẽ làm không tốt và chứng minh rằng lời khen ngợi đã sai. Trong khi đó, hầu hết trẻ ở nhóm thứ 2 chọn làm bài kiểm tra. Chúng cảm thấy thích thú và không ngại những thách thức. Cuối cùng, cả 2 nhóm phải làm bài kiểm tra thứ 3, bài kiểm tra này có độ khó tương tự như bài kiểm tra đầu. Tuy nhiên, nhóm học sinh được khen thông minh lại làm tệ hơn, còn nhóm thứ 2 làm tốt hơn 30%. Theo Dweck, khi chúng ta nói rằng “Cháu chắc hẳn đã làm việc rất chăm chỉ”, chúng ta đang đề cao sự nỗ lực. Điều này sẽ thúc đẩy trẻ nỗ lực nhiều hơn nữa. Khi chúng ta khen ngợi sự thông minh, ban đầu trẻ sẽ tự tin nhưng sau đó chúng lại làm việc ít đi. Có vẻ như trẻ đã ngầm xác định rằng: nếu có việc gì đó không dễ dàng, chúng cũng không muốn làm việc đó.
Thêm vào đó, trẻ cuối cùng sẽ nhận ra rằng mẹ là người duy nhất khen ngợi chúng và bắt đầu nghi ngờ tính khách quan của mẹ. Vậy đấy, khen ngợi khiến trẻ cảm thấy thích thú, nhưng khen ngợi quá nhiều lại không hề tốt chút nào.
Theo Tiến sĩ Robert Cloninger thuộc Đại học Washington (Mỹ), trẻ được khen ngợi thường xuyên sẽ không có tính kiên trì, bền bỉ, bởi những đứa trẻ này sẽ từ bỏ ngay khi không có phần thưởng. Cũng như việc chúng ta đi tiêm vaccine để phòng bệnh, trẻ cần phải đối mặt với khó khăn và thách thức thì mới có được sức mạnh để vững bước trên đường đời.