5 điều bác sĩ muốn mẹ làm cho con trước tuổi mẫu giáo
(Giúp bạn)Top 5 điều cực tốt dưới đây được bác sĩ khuyên mẹ nên làm cho con trước tuổi mẫu giáo.
- 1
Không tham gia "cuộc chiến ngồi bô"
Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng khi con họ đã 2 tuổi mà vẫn chưa biết ngồi bô. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhi khoa thì các mẹ đừng lo lắng quá, vì đây là một "sự kiện quan trọng" mà trẻ mẫu giáo tự biết làm khi chúng đã sẵn sàng và muộn nhất là đến 4 tuổi chúng có thể thực hành kỹ năng này. "Cuộc chiến ngồi bô" của con có thể khiến mẹ căng thẳng nhưng cũng không nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình này lên như vậy."Giới thiệu cho trẻ về hành vi ngồi bô qua sách báo, video cũng là ý tưởng hay nhưng hãy tránh tình trạng cứ 2 phút mẹ lại hỏi con đã muốn ngồi bô chưa, có muốn đi vệ sinh không?...", bác sĩ nhi khoa của Mỹ, Alanna Levine nói. "Khi các mẹ hỏi con, nếu con có đi vệ sinh thì không có nghĩa là con tự nhận thấy mình cần đi vệ sinh, chỉ đơn giản là vì các mẹ đoán đúng thời điểm mà thôi".
Nếu bạn đang áp giới hạn thời gian cho việc "huấn luyện" con ngồi bô thì bác sĩ Levine ủng hộ bạn nên sử dụng hệ thống khen thưởng. "Ví dụ, lập một biểu đồ sao và sau khi con của bạn kiếm được mười sao hoặc miếng dán, hãy thưởng cho con bằng cách được mua một món đồ chơi nhỏ hoặc được bố mẹ đưa đi chơi. Điều này sẽ giúp con có động lực để phấn đấu trong thời gian dài", bác sĩ nói.
- 2
Nói chuyện với con
Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết đến kĩ năng đọc to sẽ giúp trau dồi ngôn ngữ của một đứa trẻ. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy trò chuyện giữa cha mẹ và con cái về những gì đã xảy ra trên sân chơi hay trong cuộc sống, ở lớp học mầm non... cũng là cách giúp làm phong phú vốn từ ngữ của con.
Bác sĩ nhi khoa Sindhu Philip khuyến khích các bậc cha mẹ nên nói chuyện và trao đổi với con để con có thể bộc lộ được những gì mình muốn nói cho người khác hiểu. "Trẻ mẫu giáo có nhiều điều để nói, cha mẹ hãy nghe con nói và nói với con", bác sĩ Philip nói.
- 3
Dạy con rửa tay
Đến tuổi mẫu giáo là con đã bắt đầu tiếp xúc nhiều với đồ vật, với các hoạt động bên trong nhà tắm, vì vậy, dạy con ý thức bảo vệ mình khỏi vi khuẩn tấn công là điều vô cùng cần thiết ở tuổi này. Hãy để xà phòng tại mỗi bồn rửa trong nhà và bắt đầu dạy con đó là thứ gì, sử dụng ra sao và khi nào sử dụng nó với mục đích là gì... "Hãy dạy con thói quen rửa tay trước khi trở về nhà, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn vì làm vậy sẽ giảm được rất nhiều vi khuẩn gây bệnh", bác sĩ Philip nói.
- 4
Nghiêm giọng để con biết mẹ đang giận dữ
Theo Tiến sĩ Martin J. Drell (Hàn Lâm Viện Mỹ về Tâm Lý Trẻ Nhỏ và Vị Thành Niên – AACAP), khi muốn thể hiện cho con thấy mình đang giận dữ, các bậc làm cha mẹ không nên sử dụng biện pháp la mắng. Thay vào đó, hãy nghiêm giọng nói với con về việc bé vừa làm là không tốt và đừng quên chỉ ra cho con những hậu quả mà bé đã gây ra."Cách bạn nói, ngữ điệu, thái độ nghiêm nghị của bạn sẽ làm bé phần nào nhận ra vấn đề. Bé sẽ ít nhiều cảm thấy áy náy, hối lỗi. Còn nếu thấy cha mẹ giận dữ, con cái hoặc là thấy sợ hoặc là trở nên bướng bỉnh và lì lợn hơn chứ không nhận thức được điều mình làm”, Martin J. Drell cho biết.
- 5
Không sử dụng cách đe dọa đến bác sĩ như là một hình phạt
Rất nhiều mẹ thường áp dụng cách dọa con khi con không nghe lời là: đưa đến bác sĩ, cho bác sĩ tiêm... nhưng cách dọa con này lại không được các bác sĩ nhi khoa khuyến khích. "Điều này không tốt cho một đứa trẻ vì chúng sẽ có ác cảm với bác sĩ. Nếu bị dọa nhiều như vậy, đứa trẻ sẽ cảm thấy sợ bác sĩ mỗi lần đi khám, do đó, sự tương tác giữa bác sĩ và trẻ bị gặp trở ngại", bác sĩ nhi khoa Anita Chandra nói.
Vậy nên, thay vì mang bác sĩ ra để dọa con, các mẹ hãy giải thích cho con hiểu vai trò của bác sĩ ra sao, nên hợp tác với bác sĩ thế nào trong những lần đi khám bệnh.