8 lỗi nên tha cho bé

13:34 11/02/2014

(Giúp bạn)Con làm đổ sữa, không chịu nhường đồ chơi cho em, không tập trung khi học bài... đều làm bạn phát cáu, nhưng những lỗi này không phải do bé cố ý.

Joseph Shrand, chuyên gia tâm lý thần kinh và thực hành tại trường Y Harvard (Mỹ) giải thích: ở trẻ, hai phần riêng  biệt của bộ não không tương ứng với nhau: Phần viền não trẻ chịu trách nhiệm về sự thôi thúc, cảm xúc và sự hài lòng trưởng thành hơn là vùng não trước trán, chịu trách nhiệm suy nghĩ, đưa ra quyết định và dự đoán hậu quả. Nói cách khác, những hành vi tiêu cực không phải là hệ quả của việc suy nghĩ sai. Trẻ  không suy nghĩ, hay ít nhất là không suy nghĩ theo cách của người lớn.

Dưới đây là phân tích từ Todayparents về những lỗi trẻ hay mắc nhưng nên được bố mẹ tha thứ vì có lý do đặc biệt.


  • 1

    Vụng về

    Bạn để cốc sữa cạnh đứa con 4 tuổi cho bé uống và nhắc con cẩn thận, và bé làm đổ nó.

    Trẻ chưa có khả năng phối hợp vì các tế bào thần kinh trong não điều khiển kỹ năng vận động thô và tinh chưa phát triển hoàn chỉnh. "Con người có hệ thống điều khiển một khả năng nhất định tại một thời điểm nào đó", bác sĩ tâm lý trẻ em và vị thành niên Tia Horner cho biết. "Chúng ta biết ngồi lúc 6 tháng, bò lúc 9 tháng, đi lúc 12 tháng... Và sự vụng về ở trẻ em là bình thường. Điều này sẽ giảm, nhưng từ từ. Việc làm đổ đồ sẽ bớt xảy ra,và bắt đầu mất dần khi bé vào tiểu học, nếu được uốn nắn đúng cách", nhà tâm lý nói.

  • 2

    Ích kỷ

    Đứa con 8 tuổi đang ngồi với em trai và ăn thạch một mình. Cô bé mím chặt môi thay vì cho cậu em một chút.

    Không phải tất cả trẻ đều giống nhau, một số bé tự nhiên ích kỷ hơn những bé khác. Nhưng bạn cũng đừng lo lắng quá. Giai đoạn bé tự cho mình là trung tâm này không phải kéo dài vĩnh viễn. Khi trẻ sắp bước vào tuổi teen (trước 13 tuổi), trẻ tự nhiên sẽ học cách nghĩ cho người khác.

    Bố mẹ có thể khuyến khích quá trình này nhưng cũng nên hiểu rằng cần có thời gian, chứ không thể ép buộc.

  • 3

    Thiếu kiên nhẫn

    Bạn đang nói chuyện với một người bạn thì cô con gái 5 tuổi cứ kéo tay áo mẹ. Bạn bảo con đợi và cứ 10 giây cô bé lại làm thế một lần.

    Tính kiên nhẫn cần có thời gian đáng kể để tạo lập. Và thủ phạm gây thiếu kiên nhẫn ở trẻ, một lần nữa, lại do sự điều khiển của chức năng não bộ. Sự hình thành tính kiên nhẫn có liên quan đến cả yếu tố di truyền và quá trình giáo dục. Thất vọng, khoan dung, kiểm soát xung động, dự đoán hậu quả, và kết luận - tất cả góp phần tạo nên tính kiên nhẫn - và mỗi trẻ có sự phát triển tính này khác nhau đáng kể.

    Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn chỉ biết đợi. Hãy tạo cơ hội cho con thực hành tính kiên nhẫn, và sẽ bạn sẽ đạt được kết quả đáng kể.

  • 4

    Cứng nhắc

    Thông thường bữa tối thứ ba mẹ hay làm bánh kẹp thịt nhưng hôm nay bạn thay bằng gà rán và bé nổi cơn giận dỗi.

    Một số đường dẫn thần kinh ở trẻ nhỏ củng cố ý thích sự lặp đi lặp lại và trẻ cảm thấy điều này tạo cho bé sự an toàn. Vì thế, khi có một điều gì đó diễn ra không theo quy luật thông thường, trẻ cảm thấy lo lắng và có cảm giác đang bị điều khiển. Điều này lý giải vì sao trẻ nhỏ tin là những nguy tắc là bất di bất dịch và sự ngẫu hứng của bố mẹ là không thể chấp nhận được.

    Đây cũng là lý do các bé thích nghe đi nghe lại một câu chuyện hay xem nhiều lần một bộ phim hoạt hình mà không chán. Khoảng 9-10 tuổi, điều này sẽ bắt đầu thay đổi.

    8-loi-nen-tha-cho-be-1

  • 5

    Thiếu sự đồng cảm

    Bé 4 tuổi của bạn bị ngã xe và khóc. Cậu anh 7 tuổi đứng cạnh vẫn tiếp tục ném bóng vào rổ, chẳng để ý gì đến em.

    Trẻ em không hiểu được thái độ hay hành động của chúng ảnh hưởng thế nào tới thế giới xung quanh.

    Trẻ em, do bản chất, thường co mình lại tự vệ. Không phải là con trai bạn không quan tâm tới em gái, bé chỉ không để ý đến điều đó. Trong khi trẻ nhỏ có khả năng cảm nhận lòng thương, thì khái niệm về sự vị tha, chia sẻ sự đồng cảm với người khác trừu tượng hơn và bắt đầu phát triển khi 10 tuổi.

  • 6

    Dè bỉu người khác

    Đứa con bé nhất của bạn khoe bức tranh bé vẽ. Anh bé nhìn và nói "xấu tệ".

    Sự ghanh tị thường là triệu chứng của một trạng thái nào đó, có thể là cảm giác lo lắng hay thất vọng.

    Chiến thuật tốt nhất cho bố mẹ là cố gắng tìm hiểu gốc rễ vấn đề trong khi kiểm soát giọng điệu và thái độ của chính mình, bởi vì, trẻ sẽ bắt chước những gì chúng thấy từ bố và mẹ.

  • 7

    Lơ đễnh

    Bạn cho cậu con 6 tuổi tập viết nhưng bé chỉ viết được vài chữ lại ngồi gấp máy bay, nhìn ra ngoài trời hay nghịch cái gì đó.

    Có vẻ như trẻ thường lơ đễnh và bỏ lỡ rất nhiều điều bố mẹ mong đợi, nhưng đó chỉ vì chúng nhìn thấy mọi thứ từ góc độ khác so với người lớn. Khi chúng phát hiện thế giới thú vị quanh mình, sẽ có rất nhiều thứ thu hút sự chú ý của chúng. Thường khoảng 7 hay 8 tuổi trẻ bắt đầu điềm tĩnh hơn và phát triển khả năng tập trung tốt hơn.

  • 8

    Thái độ khó chịu

    Bạn không cho phép đứa con 12 tuổi của mình đi chơi với bạn cho tới khi bé làm xong bài tập. "Đừng nói con phải làm gì", nó cằn nhằn.

    Cái mà người lớn hay quy kết là thái độ thiếu tôn trọng lại là hệ quả của việc trẻ đang học làm thế nào để điều chỉnh các cảm xúc như tức giận hay thất vọng. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là bố mẹ nên khuyến khích con biết cách sử dụng từ ngữ hợp lý, dễ chấp nhận hơn. Đừng đòi hỏi một lời xin lỗi - đó chỉ là cách dễ đẩy con quay lưng lại với bạn. Thay vào đó, hãy nói "Mẹ biết con thất vọng như thế nào. Hãy giải thích cho mẹ cảm xúc của con bằng một cách nói tôn trọng hơn".

Comments