8 sai lầm điển hình khi dạy con
(Giúp bạn)Áp dụng các hình phạt để dạy con cũng là cả một nghệ thuật.
- 1
Không theo sát trẻ
Các mẹ có biết: nếu đe dọa trẻ nhưng không hành động thì trẻ sẽ không bao giờ nghe lời? Lần đó, mẹ đưa bé Na đến chơi nhà bạn Bống. Bống không chịu cho Na mượn đồ chơi, hễ Na sờ vào món đồ chơi nào là Bống đều dành lấy. Mẹ Bống thấy vậy quay ra nói với con: “Con cho bạn Na mượn con gấu đi nếu không mẹ sẽ lấy con gấu đi đấy”, rồi lại tiếp tục cuộc nói chuyện với mẹ Na. Tất nhiên, ngay sau khi Na chuyển sang đồ chơi khác thì Bống vẫn tiếp tục dành đồ chơi của bạn.
Giải pháp: Nếu các mẹ thực sự muốn ngăn cản trẻ làm một việc nào đó thì phải “ra tay” chứ đừng nói suông. Vì trẻ sẽ không để ý những gì bạn nói, chỉ trừ khi bạn đứng lên và bắt chúng dừng lại. Đầu tiên, mẹ đưa ra cảnh báo về hậu quả của việc trẻ đang làm, nếu trẻ tiếp tục, mẹ có thể cho trẻ cơ hội trong lần nhắc nhở thứ hai. Nhưng nếu lời nhắc nhở này vẫn không có tác dụng thì mẹ chỉ còn cách áp dụng hình phạt mà mẹ đã nói.
- 2
Nói dối trẻ
Bé Bi 2 tuổi nhất định không chịu đi học mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần. Sáng hôm đó, mẹ Lan đã chở Bi đến cổng trường nhưng Bi nhất định không chịu xuống xe, cứ bám chặt mẹ và khóc. Mẹ Lan đã chỉ vào ngôi nhà đóng cửa im lìm đối diện và nói: “Nếu Bi không chịu vào lớp mẹ sẽ gửi Bi vào nhà ông Ba Bị và bị nhốt trong phòng tối đấy nhé”. Và đương nhiên, mặc dù đang còn nức nở nhưng Bi vẫn ngoan ngoãn theo mẹ vào lớp. Vài ngày sau, cô giáo của Bi tình cờ hỏi mẹ Lan về nhà ông Ba Bị mà Bi liên tục nhắc đến khi nói chuyện với các bạn và cô giáo… khiến mẹ Lan bối rối.
Giải pháp: Việc nói dối con thật là không hay chút nào và đôi khi còn phản tác dụng. Thay vào đó, mẹ hãy thử đặt mình vào tâm trạng của con, bởi đôi khi mẹ cũng cảm thấy chẳng muốn đi làm chút nào. Trường hợp này, dỗ dành con thì tốt hơn.
- 3
Bố mẹ quá nóng tính
Trong một gia đình, bố thường là người khó kìm nén cảm xúc và thiếu kiên nhẫn với con cái. Đôi khi, bố thường hay áp dụng những hình phạt khiến các con sợ hãi ngay cả khi bé đã biết lỗi.
Giải pháp: Trong trường hợp bố nóng tính, mẹ cần giải thích cho bố hiểu rằng: điều đó sẽ không giúp các bé cư xử tốt hơn mà đôi khi còn khiến con luôn nhìn bố với ánh mắt xa lạ và sợ hãi. Việc nghiêm khắc đối với con cái là cần thiết nhưng cần phải bình tĩnh và áp dụng những phương pháp khác nhau cho những trường hợp cụ thể.
- 4
Dụ dỗ bé ăn bằng phần thưởng
Mẹ của Quỳnh Chi (2 tuổi) chia sẻ: Bé Chi rất biếng ăn. Mỗi lần muốn con ăn cơm thì mẹ đều phải dụ bé bằng cách hứa cho Chi ăn sô cô la hay kẹo mút rồi bé mới tiếp tục ăn cơm. Đã thành thói quen, cứ đến bữa ăn là Chi lại mè nheo mẹ cho thứ này, thứ khác theo sở thích của con. Không chỉ có thế, Chi còn chỉ chọn ăn các món chiên. Điều này khiến mẹ bé rất lo lắng.
Giải pháp: Các mẹ đừng tạo cho con thói quen được quyền đòi hỏi theo ý mình. Vì thế, thay vì dỗ con “Ăn hết phần cơm đi rồi mẹ mua đồ chơi cho” thì hãy dùng những lời khen ngợi để kích thích sự nỗ lực của trẻ: “Chi ăn ngoan quá, sắp thành người lớn rồi. Mẹ rất tự hào về con”. Hay mẹ cũng có thể thể hiện thái độ thất vọng khi con không nghe lời: “Mẹ buồn với Chi lắm nhé” để con cảm nhận được rằng con đang hành xử không tốt.
- 5
Cha mẹ không cư xử đúng chuẩn mực
Cô giáo rất bất ngờ khi bé Tom, 3 tuổi hất tay bạn và quát lên lời lẽ không hay vì không muốn bạn chạm vào chiếc hộp bút mới. Thực ra, lỗi không hoàn toàn do Tom. Cách ứng xử đó là do Tom bắt chước bố mẹ ở nhà khi cu cậu mon men với chùm chìa khóa xe hay cuốn sách trên giá. Trẻ học lỏm rất nhanh và đôi khi chính bố mẹ vô tình đã dạy con những điều không hay.
Giải pháp: Bố mẹ cần cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói cũng như cách cư xử đối với con ngay cả khi con đang mắc lỗi. Bố mẹ nên là tấm gương chuẩn mực để con học theo.
- 6
Mất kiên nhẫn đối với con
Chăm sóc một em bé hiếu động đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn nào cũng có điểm giới hạn của nó và khiến mẹ mất tự chủ dẫn đến việc mắng mỏ con.
Giải pháp: Mẹ cần lấy lại bình tĩnh bằng cách để trẻ lại và sang một phòng khác. Trong trường hợp chỉ có hai mẹ con thì mẹ nhớ phải đảm bảo an toàn cho con, còn nếu có ai đó thì nên gửi bé lại. Việc thay đổi không khí và có không gian được nghỉ ngơi sẽ giúp bạn tránh được những cư xử đáng tiếc. Trẻ có thể khiến bạn vô cùng tức giận, nhưng cũng nhanh chóng khiến bạn cười trở lại.
- 7
Để trẻ phải chờ đợi quá lâu
Mẹ lái xe đón Trang Anh đi học về. Đúng giờ tan tầm, đường tắc, các phương tiện di chuyển chậm. Trong khi mẹ rất sốt ruột nhích xe từng đoạn một, mãi không thoát ra khỏi đoạn đường kẹt xe thì Trang Anh tự gỡ dây bảo hiểm, nhấp nhổm, không chịu ngồi yên lấy một phút. Mẹ đã dỗ Trang Anh: con thắt dây an toàn và ngồi yên, tối về, trước khi đi ngủ mẹ sẽ đọc truyện cổ tích cho - Đây là phương pháp rất hiệu quả mà mẹ thường áp dụng mỗi tối để nhắc bé nhanh chóng thu dọn đồ chơi, thay quần áo và đi ngủ - nhưng chỉ được một lúc là Trang Anh lại bắt đầu quậy phá trong xe.
Giải pháp: Các bé trong độ tuổi 2-4 tuổi, chỉ sau khoảng 1 giờ là bé đã quên những gì mình vừa làm sai mà mẹ đã nhắc nhở. Vậy nên các mẹ cần lưu ý nhắc nhở bé thường xuyên và phải cho con thấy hậu quả của những hành vi không đúng ngay sau khi bé vừa gây ra chứ đừng chờ đợi đến ngày hôm sau.
- 8
Đừng nói quá dài dòng với trẻ
Bố Trà My rất thích nói chuyện, giảng giải cho con thật nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ngay như chuyện nhắc con đi ngủ sớm, bố cũng nói với con gái rằng: Con phải đi ngủ sớm nhé. Con đã vận động cả ngày rồi, buổi tối là lúc con cần nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày mai,…
Giải pháp: Giải thích cho trẻ những thắc mắc là điều rất tốt, nhưng ba mẹ cũng lưu ý đừng nói quá dài dòng, bởi con không phải là một người lớn thu nhỏ. Mẹ chỉ cần nói với con “Không được ăn kẹo trước khi ăn cơm” là đủ và có thể bỏ qua bài giảng về việc đồ ngọt sẽ khiến con không cảm thấy muốn ăn cơm nữa.