8 tín hiệu "lâm nạn" của thai nhi
(Giúp bạn)Một số tín hiệu từ thai nhi cảnh báo cho mẹ bầu biết con đang gặp nguy hiểm.
- 1
Đa ối
* Dấu hiệu và các hình thái đa ối
- Bụng sản phụ to hơn so với tuổi thai, khó nghe được nhịp tim thai.
- Số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100 cm, bụng căng bóng, đau bụng, khó thở, ăn uống khó tiêu, giãn tĩnh mạch có khi dẫn đến mắc bệnh trĩ.
- Lượng ối tăng lên từ từ trong những tháng cuối thai kỳ
Bà bầu cần chú ý những thay đổi khác thường trong cơ thể
* Hậu quả: Thai nhi do bị ối chèn ép nên dễ dị dạng hoặc mắc các tật bẩm sinh trong nội tạng. Trọng lượng của trẻ sơ sinh có mẹ bị đa ối mạn thường nhẹ hơn các trẻ khác. Đối với bé, đa phần sẽ nhẹ cân hơn, dễ mắc các dị tật nội tạng. Ngoài ra, thai bất thường, sa dây rốn khi vỡ ối hoặc chuyển dạ, tử vong hay bệnh tật vì sinh non.
- 2
Nôn oẹ quá nhiều
Dù ốm nghén là triệu chứng phổ biến khi mang thai nhưng bà bầu cũng không nên quá chủ quan. Có tới 3-5% chị em gặp những cơn nôn ói nặng nề kèm nhiều triệu chứng khác và điều này gây nguy hại cho sức khỏe người mẹ lẫn thai nhi.
Dấu hiệu này khác hẳn với việc chỉ nôn hoặc buồn nôn vào buổi sáng. Nếu việc nôn oẹ xảy ra nhiều lần trong ngày, ngày này qua ngày khác không ngừng nghỉ, có thể khiến thai phụ bị mất nước, ảnh hưởng rất xấu đến quá trình trao đổi chất và việc hấp thụ dinh dưỡng của thai nhi. Nếu buồn nôn và nôn ói kéo dài trong nhiều ngày liền khiến bà bầu không thể ăn uống sẽ làm thai phụ mất nước thậm chí là giảm trọng lượng cơ thể.
Ngoài ra, nếu nôn ói nặng nề đi kèm với hiện tượng chảy máu âm đạo, chóng mặt, đau thắt vùng bụng dưới… rất có thể đây là triệu chứng của sảy thai, các vấn đề về nhau thai hoặc một bệnh nguy hiểm nào đó.
- 3
Thai nhi giảm cử động
Các bác sĩ cho rằng trong khoảng 24 giờ, thai nhi cử động từ 10 – 12 lần là ổn. Tuy nhiên, sự cử động của mỗi thai nhi là khác nhau và thường thì người mẹ sẽ là người hiểu rõ nhất về sự cử động này. Nếu bạn thấy có sự thay đổi bất thường về các chu kỳ cử động của em bé, gọi cho bác sĩ hẹn khám ngay nhé.
Cần khám bác sĩ để sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh
Bé chuyển động hoặc đá ít hơn bình thường (một khi bé bắt đầu di chuyển thường xuyên hơn). Chuyển động của thai nhi là một hoạt động sinh lý bình thường của bào thai, những cảm nhận của thai nhi có thể thấy được trong thai kỳ ở khoảng 18 đến 20 tuần. Tùy thuộc vào điều kiện khác nhau, bào thai có thể chuyển động mạnh yếu khác nhau. Thông thường, trong môi trường yên tĩnh thì bào thai chuyển động nhẹ nhàng, còn trong một số không gian kích thích thì chuyển động mạnh và nhanh hơn.
Nếu một thai nhi đột nhiên im lặng hoặc chuyển động mạnh mẽ hơn bình thường, ví dụ như cử động ít hơn 10 lần/12 giờ hoặc nhiều hơn 40 lần/12 giờ thì nó cảnh báo tình trạng thai nhi bị thiếu oxy.
- 4
Vỡ ối non và vỡ ối sớm
Vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ. Còn vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết.Về bản chất, vỡ ối non nguy hiểm hơn vì chỉ chừng 5-6 giờ sau là nước ối đã có thể bị nhiễm khuẩn trong buồng tử cung.
Thai nhi rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, gặp nguy hiểm khi chuyển dạ và cả sau khi sinh. Do vậy, sản phụ vỡ ối non cần được dùng kháng sinh ngay và can thiệp lấy thai ra sớm bằng phẫu thuật. Khi gặp phải trường hợp này, chú ý không được để chuyển dạ kéo dài vì nguy cơ tử vong rất cao cho cả mẹ và con.
- 5
Sa dây rau
Sa dây rau thường xảy ra lúc vỡ ối do áp lực nước ối tăng và ngôi thai (thường là ngôi đầu, ngôi mông hay ngôi vai) chưa xuống thấp. Dây rau có thể sờ thấy ngay trong âm đạo, nhiều hay ít tùy từng trường hợp. Nếu là ngôi đầu, nguy cơ thai chết sẽ lớn hơn trường hợp ngôi ngược hay ngôi ngang.
Sa dây rau cần được cấp cứu tức thời khi thai còn sống. Sản phụ phải lập tức nằm chổng mông (kể cả khi chuyển đi mổ hoặc nằm trên ô tô chuyển tuyến) để ngôi thai không đè vào dây rau. Nếu cứ để sản phụ nằm ngửa trên cáng, nguy cơ thai chết sẽ cao hơn. Người hộ sinh cần có gạc ấm thấm nước, đặt trong âm đạo để không cho dây rau thụt xuống.
- 6
Chảy máu âm đạo
Trong kỳ đầu mang thai, nếu thấy có một lượng nhỏ máu ở âm đạo thì cần phải siêu âm để xác định nguyên nhân ngay lập tức. Đó có thể là tiềm ẩn nguy cơ thai ngoài tử cung. Với những người cấy thai thì cũng cần lưu ý triệu chứng này để xác định tình trạng thai nhi.
Đây cũng là một trong những triệu chứng chính đe dọa sẩy thai. Các bà mẹ cần thực hiện theo hướng dẫn và uống thuốc theo đơn của bác sỹ. Đồng thời kết hợp nghỉ ngơi tại giường để giữ lại thai nhi.
- 7
Nhịp tim thai bất thường
Nhịp tim thai bình thường dao động khoảng từ 120 ~ 160 lần mỗi phút. Nếu có tình trạng giảm chuyển động bào thai thì cần chú ý thường xuyên hơn đến nhịp tim thai. Nếu nhịp tim nhiều hơn 160 nhịp/phút hoặc ít hơn 120 nhịp/phút nó phản ánh tình trạng thiếu oxy của thai nhi.
- 8
Trẻ sơ sinh bị ngạt
Ngạt sơ sinh là trẻ sinh ra không thể hô hấp tự nhiên (ngạt nguyên phát) hoặc đã thở, đã khóc nhưng sau đó không thở tiếp được (ngạt thứ phát, chủ yếu do kỹ năng của bà đỡ). Cả 2 tình trạng này đều có thể dẫn tới tử vong, ốm yếu lâu dài, viêm phổi hoặc tàn phế.
Nếu tim thai trên 165 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút là báo hiệu suy thai, nếu không xử lý tốt sẽ là nguyên nhân gây ngạt sơ sinh. Trong phòng sinh phải có sẵn hệ thống ôxy để sử dụng khi cần thiết.