Bà bầu có nên mặc áo ngực không?
(Giúp bạn)Bà bầu cần lựa chọn cho mình những chiếc áo ngực phù hợp để tránh những tác động xấu đến sức khỏe do mặc áo ngực không đúng cách gây ra.
Bà bầu cần mặc những chiếc áo ngực phù hợp
Báo Lao động cho biết, giai đoạn bầu bí, vòng một của chị em đều phát triển hơn mức bình thường. Ngực bà bầu sẽ to hơn, mềm đi và rất nhạy cảm. Các mẹ cần biết chăm sóc chúng đúng cách để đảm bảo một nguồn sữa đầy đủ cho bé yêu khi chào đời.
Việc chăm sóc “núi đôi” rất quan trọng đối với bà bầu. Chị em cần chọn mua những chiếc áo ngực có độ nâng đỡ tốt, có thể điều chỉnh được độ rộng. Quả của áo ngực phải nâng đỡ được toàn bộ "núi đôi". Dây quai áo có bản rộng, giúp cho bạn không bị đau vai. Tránh áo ngực có gọng bằng kim loại.
Với những chiếc áo ngực có gọng thì khi mặc gọng áo thường ép sát vào phần chân ngực và một bên vú gây khó chịu cho người mặc, về lâu dài sẽ khiến máu khó lưu thông, hạn chế hô hấp và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Khi mang thai vú phụ nữ có những chất dịch thường xuyên được tiết ra, mặc áo lót gây chèn ép, các chất này có thể bị tắc nghẽn, gây viêm nhiễm, tắc tuyến sữa khi sinh đẻ. Mặt khác kim loại có thể bị găm vào da gây tổn thương cho ngực.
Tự khám ngực trong suốt thời gian mang thai là điều rất quan trọng. Sự thay đổi về kích thước, độ mềm của "núi đôi" và những cục u đôi khi xuất hiện cùng lúc khiến việc tự kiểm tra khó khăn hơn. Vì vậy, bạn nên chăm chỉ đi kiểm tra “núi đôi” khi mang bầu.
Những điều bà bầu cần biết về việc mặc áo ngực
Báo Đất Việt cho biết, theo TS Đặng Thị Minh Nguyệt, khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, về mặt giải phẫu, có thể khẳng định, thói quen không mặc áo ngực không ảnh hưởng gì đáng kể đến quá trình phát triển cũng như chức năng của đôi bầu vú phụ nữ.
Các hoạt động được cho là có cường độ mạnh như thể dục thể thao, chạy nhảy cũng không tác động quá lớn đến cơ ngực nên khó có khả năng làm ngực chảy sệ, bác sĩ Nguyệt nói. Tuy nhiên, chiếc áo ngực lại cần thiết đối với những người ngực bắt đầu nhão do quá trình cho con bú, hay có kích cỡ ngực quá lớn, lượng mỡ nhiều.
Ở những người này, độ đàn hồi của cơ vùng ngực kém nên nếu không mặc áo ngực, hiện tượng chảy sệ diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, dù có mặc áo lót thường xuyên, cơ ngực phụ nữ theo thời gian vẫn sẽ nhão ra, bị kéo xuống phía dưới do tác động của tuổi tác, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng...
Riêng với những người sở hữu một bộ ngực “khủng”, to quá mức bình thường (thường do bệnh lý như bệnh phì đại tuyến vú) thì nếu không mặc áo lót, trọng lượng lớn ấy sẽ gây co kéo cơ lồng ngực, dẫn đến hiện tượng đau tức ngực.
Tất nhiên, theo tiến sĩ Minh Nguyệt, trường hợp này không nhiều trên thực tế. Nhìn chung, việc bầu ngực không bị gò bó bởi áo lót xét có lợi nhiều hơn hại. Ngay cả khi không mang thai hay cho con bú, vẫn có các chất dịch thường xuyên được tiết ra hai đầu vú.
Nếu không mặc áo lót, ngực sẽ thông thoáng, còn nếu mặc quá thường xuyên, nhất là áo chật, không thoáng khí, các chất này có thể tắc nghẽn, ứ đọng gây viêm nhiễm, làm tắc tuyến sữa khi mang thai, sinh đẻ. Da vùng ngực là vùng nhạy cảm, nếu bị nhốt kín suốt cả ngày, mồ hôi tiết ra nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển.
Chính vì thế mà chị em nên để cho đôi bầu vú của mình được thoải mái, nên cởi bỏ áo lót khi về nhà, đặc biệt là khi nằm ngủ. Phụ nữ chưa trải qua thời kỳ cho con bú, đặc biệt là các thiếu nữ thì càng “thả” nhiều càng tốt, bác sĩ Nguyệt nói.
Bác sĩ cũng lưu ý, hiện có rất nhiều loại áo nâng ngực có gọng cứng ở phía dưới, tác động không tốt đến bộ ngực cũng như sức khoẻ nói chung do chèn ép các tuyến sữa, hạn chế tuần hoàn, hô hấp.
Các chị em nếu thấy đủ tự tin và muốn theo trường phái tự do thì hãy cứ thoải mái khoe vòng một đầy đặn của mình mà không phải lo sợ bất cứ điều gì về sức khỏe, trừ khi bạn còn băn khoăn về quan niệm rằng như thế thì không được đoan trang cho lắm, bác sĩ Minh Nguyệt nói.
Thuốc tham khảo: Elevit - Giảm 92% rủi ro các bệnh liên quan đến ống thần kinh như tật nứt đốt sống cho bà bầu & thai nhi. - Giúp bà bầu ngăn ngừa thiếu chất sắt hữu hiệu và hỗ trợ sự phát triển hoàn thiện bộ não thai nhi. |
Thùy Linh
Theo GDVN