Bệnh Kawasaki ở trẻ em
(Giúp bạn)Bệnh Kawasaki khởi phát với triệu chứng sốt cao kéo dài, đỏ mắt, phát ban đỏ khắp cơ thể, lưỡi đỏ rực, bong rộp ở các chi.
Theo Vnexpress, bệnh Kawasaki được đặt theo tên một vị giáo sư người Nhật Bản - người đã phát hiện ra căn bệnh này đầu tiên. Bệnh Kawasaki làm viêm các mạch máu và có thể gây tổn thương tạm thời đến tim.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi đến điều trị bệnh Kawasaki, trong đó có gần 50% trường hợp nhập viện trễ. “Kawasaki là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng nhiều phụ huynh do thiếu thông tin, chủ quan hoặc nhân viên y tế không chẩn đoán ra bệnh, khiến người bệnh gặp nhiều biến chứng. Nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử” - PGS-TS Vũ Minh Phúc - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo.
Triệu chứng điển hình thường gặp ở bệnh Kawasaki
Báo Phụ nữ TP.HCM cho biết, cho đến nay, nguyên nhân của bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường gặp ở trẻ từ hai tháng đến dưới ba tuổi (80% bệnh nhân Kawasaki là trẻ nhỏ).
Biểu hiện ban đầu là sốt rất cao, không thể hạ sốt bằng thuốc. Khoảng hai ngày sau, bệnh nhi bắt đầu có triệu chứng trên da và niêm mạc. Da nổi mẩn đỏ với nhiều hình dạng. Ở niêm mạc môi thì đỏ tươi, nứt nẻ và chảy máu; kết mạc đỏ và khô chứ không chảy nước mắt giống như bị cảm thông thường; niêm mạc miệng bị lở loét, gai lưỡi nổi hột. Vùng da hậu môn có thể bong tróc.
Bệnh nhân có thể bị bong da ở đầu móng tay chân, hạch cổ sưng to (thường gặp bên trái). Ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm như: tiêu chảy, ói mửa, ho, sổ mũi; có thể có triệu chứng co giật.
Triệu chứng ít gặp hơn là khớp bị sưng. Biến chứng ở tim dù hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, bởi trẻ có thể bị viêm cơ tim, tổn thương mạch máu chính để nuôi tim (mạch vành), làm tắc và giãn mạch vành, cơ tim hoại tử và có biểu hiện nhồi máu cơ tim.
Bệnh Kawasaki dễ bị chẩn đoán nhầm
Thông thường khi thấy con bị sốt, phụ huynh hay có tâm lý đưa con đến khám tại các phòng khám đa khoa gần nhà. Bệnh Kawasaki rất khó chẩn đoán chính xác do những biểu hiện lâm sàng na ná bệnh sốt xuất huyết hay viêm phế quản.
Do chưa tìm được nguyên nhân nên việc chẩn đoán bệnh vẫn là dựa trên những tổn thương bên ngoài. Để chẩn đoán trẻ có bị bệnh Kawasaki hay không, phải dựa vào các yếu tố: sốt cao kéo dài trên năm ngày, kèm với một số triệu chứng kể trên; có bất thường động mạch vành khi siêu âm tim 2D hoặc chụp mạch vành (nếu có).
“Phụ huynh không được chủ quan bởi nếu không được điều trị trước 10 ngày kể từ lúc phát bệnh, biến chứng ở tim của bệnh Kawasaki rất nguy hiểm” - PGS-TS Minh Phúc nói.
Điều trị bệnh Kawasaki
Về việc điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ, PGS-TS Minh Phúc cho biết, cần hạ sốt, chống sưng, chống viêm bằng thuốc Aspirin, và truyền Gamma globulin liên tục từ 10 - 12g để ngăn chặn biến chứng lên tim mạch cho trẻ. Trường hợp chưa bị biến chứng, sau 48g điều trị, bệnh nhi hết sốt thì có thể về nhà uống thuốc Aspirin trong khoảng sáu tuần.
Gamma globulin là loại thuốc chi phí cao, cứ một ký trọng lượng thì tốn một triệu đồng thuốc Gamma globulin. Có một số trường hợp phải dùng đến liều Gamma globulin thứ hai.
Sau khi được truyền Gamma globulin, trong vòng ba tháng, bệnh nhi không nên chủng ngừa các bệnh sởi, quai bị, rubella, thủy đậu… vì có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm. Sau khi được điều trị, tỷ lệ tái phát bệnh (cả người lớn và trẻ em) từ 2-3% nên những người mắc bệnh Kawasaki cần phải tái khám định kỳ.
“Do chưa tìm được cơ chế sinh bệnh Kawasaki nên hiện chưa có biện pháp phòng ngừa. Khi trẻ bị sốt cao bốn-năm ngày mà không giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại bác sĩ chuyên khoa nhi” - PGS-TS Minh Phúc khuyến cáo.
Tham khảo thuốc: Aspirin: Aspirin là một thuốc chống viêm giảm đau phi steroid (NSAID) hiệu quả trong điều trị sốt, đau và viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN