Bí quyết để làn da bé mịn màng, khỏe mạnh
(Giúp bạn)Với mùa lạnh, da của bé rất dễ bị khô. Vì thế, bạn có thể dùng kem làm mềm da, thoa cho bé 1-2 lần/ngày. Mỗi lần một lượng nhỏ vì các bé có khả năng hấp thụ hóa chất qua da nhiều hơn người lớn. Nên thay tã cho bé thường xuyên, chọn tã có độ thấm hút tốt.
- 1
Tắm rửa cho bé
Có thể cho một ít dầu tắm không mùi thơm vào chậu (bồn) tắm của bé - giúp cho làn da bé mềm mại. Tránh tắm cho bé bằng các sản phẩm có bọt bong bóng vì nó làm trôi đi lớp dầu bảo vệ trên da của bé. Xà phòng thơm diệt khuẩn hoặc có mùi thơm không hợp với bé. Cần lau sạch bọt sữa tắm ở những vùng da xếp lại như nách, cổ, háng, sau gáy…
Có thể dùng ít sản phẩm làm mềm da (kem sorbolene hay kem bào chế với nước) để lau sạch vùng quấn tã của bé. Những loại kem này có thể được thoa cho bé sau khi tắm để làn da luôn mềm mại.
Nếu bé bị khô da hay chàm bội nhiễm, cần tránh dùng xà phòng thơm cho bé. Có thể cho kem làm mềm da hòa vào nước và tắm cho bé. Cũng nên thoa kem cho bé thường xuyên.
Vào mùa đông, tránh tắm cho bé thường xuyên vì thời tiết lạnh sẽ làm khô da bé nhanh hơn.
- 2
Cách thích ứng của da với sự thay đổi của nhiệt độ
Da giúp điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Nhưng ở bé khả năng điều hòa này còn kém nên bé khó thích ứng nếu nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh. Khi thời tiết ấm nên cho bé mặc quần áo mỏng, rộng bằng vải cotton là tốt nhất. Không đắp chăn dày cho bé khi trời nóng vì có thể làm bé bị nóng quá.
Trời lạnh, có thể cho bé mặc quần áo bằng vải bông. Mặc quần áo len bên ngoài quần áo vải cũng tốt nhưng tránh để quần áo len tiếp xúc trực tiếp với da của bé vì có thể làm bé ngứa ngáy. Trời lạnh có thể làm chân tay của bé chuyển màu xanh đậm. Hiện tượng này không có gì lạ. Nếu giữ ấm chân tay cho bé, những vết màu này sẽ biến mất.
- 3
Với vùng quấn tã
Nên thay tã thường xuyên cho bé. Tránh mặc thêm quần nilon cho bé trong trường hợp bé không được thay tã thường xuyên. Không cần dùng chất xả vải khi giặt quần áo, tã vải cho bé.
- 4
Chăm sóc tóc và móng cho bé
Một số bé sinh ra đã có rất nhiều tóc. Tóc này có thể rụng nhiều trước khi tóc mới, mềm mịn xuất hiện.
Một số bé sinh ra với ít tóc rồi từ từ mọc dần. Khi bé nằm ngửa và cựa quậy có thể làm rụng tóc, trơ da đầu (nơi thường xuyên tiếp xúc với tấm trải giường). Hầu hết các bé sơ sinh không cần dùng dầu gội đầu. Nếu dùng nên chọn loại rất dịu nhẹ, dùng càng ít và không thường xuyên thì càng tốt. Nếu bé bị “cứt trâu”, có thể thoa dầu olive hay kem làm mềm da lên vùng da đầu đó. Dùng lược mềm gỡ cho lớp vảy tróc ra.
Móng tay của bé sơ sinh khá mềm và không cần cắt ngay. Nếu muốn, bạn chỉ nên dũa nhẹ phần cạnh của móng. Hình dạng móng của bé có thể thẳng hoặc cong lên như chiếc thìa. Điều này là bình thường, nhiều bé bị cong móng cho đến 3-4 tuổi. Đôi khi, phần da dưới móng không được phẳng lúc móng bắt đầu mọc ra. Móng có thể đâm vào da làm đầu ngón tay (ngón chân) của bé sưng đỏ. Hiện tượng này thường tự khỏi mà không cần phải điều trị.