Bí quyết giúp trẻ thích đọc sách
(Giúp bạn)Biết cách chọn sách phù hợp và tạo được hứng thú, sự tập trung cho trẻ mầm non khi xem sách là cả một nghệ thuật của bố mẹ. Những hướng dẫn sau sẽ giúp bố mẹ "giải mã" nghệ thuật đó.
- 1
Chọn sách ít chữ
Với trẻ từ 4 - 5 tuổi, cần chọn sách có nội dung gần gũi xuất phát từ cuộc sống để khi đọc trẻ cảm thấy có hình ảnh mình trong đó. Ở tuổi này trí tưởng tượng của trẻ phong phú nên cha mẹ cần chọn truyện mang tính tưởng tượng nhưng không làm trẻ quá sợ...
Trẻ dưới 3 tuổi chủ yếu cảm nhận cuộc sống bằng đồ chơi, nhất là đồ chơi có âm thanh và vận động. Vì thế, sách đối với lứa tuổi này chưa có nhiều tác dụng.
Tuy nhiên, nếu cần mua sách cho trẻ, cha mẹ nên chọn những sách tranh có hình con vật, đồ vật to, rõ, tả thực, mầu sắc chuẩn (mẫu chủ đạo là xanh, đỏ vàng), không có hoặc ít chữ.
Không nên mua những quyển sách vẽ hình theo kiểu nhân cách hoá hoặc quá nhiều chi tiết.
- 2
Không bắt trẻ "đọc" sách quá 20 phút
Đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày là việc làm cần thiết đối với cha mẹ. Điều này không chỉ giúp cho trẻ phát triển ngôn ngữ mà nội dung các câu chuyện còn giáo dục trẻ có một tâm hồn tốt đẹp, trí tưởng tượng và tư duy ngôn ngữ. Nhưng muốn để trẻ có thể tập trung được sự chú ý vào nội dung câu chuyện, trước tiên các bậc cha mẹ hãy để trẻ cảm thấy mình là người chủ động, tham gia thực sự vào việc "đọc" sách.
Trẻ tự khám phá quyển sách, cha mẹ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn trẻ lật từng trang sách. Khi trẻ xem sách cha mẹ quan sát và đưa ra các câu hỏi để hướng trẻ vào nội dung các bức tranh như con thích bức tranh nào nhất, hãy kể xem bức tranh đó nói về điều gì, con có muốn biết điều gì đã xảy ra... bố/mẹ sẽ đọc cho con nghe...
Sau khi đọc xong mỗi trang nên đặt câu hỏi để tạo hứng thú cũng như gây sự tò mò cho trẻ: con thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với con vật/bạn... Đây là một nghệ thuật giúp trẻ thích bố mẹ đọc sách và tập trung chú ý hơn.
Mỗi lần đọc sách, chỉ nên tập trung đọc 1 - 2 câu chuyện, mỗi câu chuyện đọc 2 - 3 lần. Không nên bắt trẻ ngồi quá lâu, tốt nhất là đọc trong khoảng 15 phút, còn 5 phút cha mẹ sẽ trò chuyện cùng với con về câu chuyện vừa đọc để trẻ vừa hiểu sâu sắc nội dung vừa tạo cho trẻ sự thèm muốn (dừng đọc trước khi trẻ chán).
Hãy kết thúc buổi xem sách truyện bằng lời nói âu yếm như: "Hôm nay mẹ đọc cho con rồi, con hãy nhớ và tưởng tượng lại đi. Ngày mai hai mẹ con mình cùng đọc tiếp". Sau nhiều lần đọc trẻ sẽ thuộc lòng, trẻ lấy sách ra đọc như người biết chữ nhưng thực chất trẻ vẫn chưa biết đọc mà chỉ là thuộc lòng thông qua việc nhìn tranh khi bố/mẹ đọc.