Bí quyết sử dụng ti vi hiệu quả và tiết kiệm
(Giúp bạn)Một số mẹo nhỏ sau đây sẽ phần nào giúp bạn sử dụng TV khoa học hơn. Tránh những hỏng hóc không đáng có, vừa tốn kém lại ảnh hưởng đến gia đình bạn.
Đối với tivi CRT
CRT là loại màn hình dùng ống phóng tia điện tử va đập vào mặt phốt pho trên màn hình để phát sáng. Tivi CRT được chia làm hai loại: màn hình mặt nạ và màn hình Trinitron. Màn hình mặt nạ là loại màn hình có bề mặt hơi cong, chủ yếu dùng kỹ thuật hạt màu, do đó có hình ảnh sắc nét, độ chính xác cao.
Màn hình Trinitron được sử dụng chủ yếu trong kỹ thuật dải màu, màn phẳng, khi sử dụng cho màu sắc trung thực, độ tương phản cao. Một màn hình CRT có thể hoạt động ở nhiều tần số quét và độ phân giải khác nhau.
Khi sử dụng loại tivi này, bạn cần lưu ý những điểm sau:
- 1
Điện áp
Bạn phải luôn giữ cho điện áp ở mức bình thường. Bất kể tivi màu hay đen trắng, nếu điện áp cao hoặc thấp đều ảnh hưởng tới hoạt động và tuổi thọ của tivi. Tốt nhất, bạn phải sắm một máy điều chỉnh điện áp để giữ điện ổn định.
- 2
Nhiệt độ phòng
Bạn phải giữ cho phòng luôn khô sạch và tránh nhiệt độ cao. Cấu tạo của tivi rất phức tạp, cần đảm bảo trong ngoài máy luôn khô sạch, tránh cho các linh kiện bị bẩn, ẩm hay chịu nhiệt quá cao gây chập mạch.
Cần tránh đặt tivi ở những vị trí có ánh nắng trực tiếp chiếu vào để phòng lão hoá cho màn huỳnh quang, cũng không đặt ở nơi quá ẩm, quá nóng hoặc bụi bẩn. Không đặt tivi sát tường và không dùng các miếng xốp nhựa để lót.
- 3
Số lần đóng/mở tivi
Hạn chế số lần đóng/mở tivi. Mỗi lần bật mở là một lần dây tóc bóng đèn hình bị nung nóng bởi nhiệt độ tăng cao bất ngờ. Việc đóng/mở máy phải theo một trình tự bắt buộc: cắm điện nguồn trước rồi mới bật máy, khi tắt thì phải tắt công tắc trước rồi mới rút điện nguồn.
- 4
Phòng từ
Phải phòng từ. Với tivi màu, nếu gặp từ trường mạnh thì đèn hình sẽ bị nhiễu loạn gây ra nhiễu hình ảnh trên màn huỳnh quang. Cần tránh đặt tivi gần các đồ điện có từ trường như máy ghi âm, tủ lạnh, máy giặt…
- 5
Ăngten ngoài trời
Nếu tivi dùng ăngten ngoài trời cần lắp thêm bộ phận tránh sét. Khi xem xong, tốt nhất nên rút phích cắm dây ăngten ra khỏi máy.
- 6
Sửa chữa
Bạn không được tự tiện sửa máy. Nếu không hiểu gì về máy móc của tivi, tốt nhất bạn nên đem ra thợ sửa chữa, đừng tùy tiện mở máy ra chỉnh sửa.
Đối với tivi LCD
Tại Việt Nam, với đặc thù khí hậu là độ ẩm không khí khá cao, nhất là trong những ngày mưa kéo dài, nên nguy cơ hỏng hóc đối với đồ điện tử nói chung và TV LCD nói riêng là rất lớn. Thêm vào đó, việc không biết sử dụng TV đúng cách của nhiều người tiêu dùng Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân khiến TV “đoản thọ”.
Trong khi không còn cách nào khác là phải để cho TV sống chung với khí hậu ẩm ướt, người tiêu dùng có thể cải thiện độ bền của chiếc TV trong gia đình bằng cách áp dụng một số nguyên tắc “vàng” trong khi sử dụng.
- 1
Nguồn điện
Đầu tiên, phải chú ý đến sự ổn định của nguồn điện. Không nên sử dụng TV với nguồn điện áp quá cao hoặc quá thấp. Nếu có thể, bạn hãy sắm một máy điều chỉnh điện áp để giữ cho nguồn điện luôn ổn định. Ngoài ra, tránh sử dụng khi nguồn điện thay đổi đột ngột. Những thiết bị điện tối kỵ với TV là máy hàn, máy cưa, máy khoan… Khi sử dụng những thiết bị này, bạn nên rút dây điện nguồn TV để tránh nguy cơ chập, cháy.
- 2
Vị trí đặt TV
Vị trí đặt TV cũng là điều nên chú ý. Phải bố trí TV ở nơi khô thoáng, tốt nhất là cách tường 30 cm. Tránh đặt ở hốc tường, hốc tủ, đồng thời cũng không nên để TV ở những nơi có nhiệt độ cao. Nếu căn phòng có cửa sổ, tránh cho ánh nắng hắt trực tiếp vào TV. Khi sử dụng, bạn nên khép cửa để giảm độ sáng của căn phòng, vừa làm tăng chất lượng hình ảnh, vừa đảm bảo độ bền cho TV.
Ngoài ra, người dùng cần chú ý không sử dụng các miếng xốp để lót hoặc chèn xung quanh, đồng thời cũng không được đặt TV gần các thiết bị có từ trường như máy ghi âm, tủ lạnh, máy giặt…
- 3
Việc tắt tivi
Khi không sử dụng, nên tắt hẳn TV rồi rút dây điện nguồn. Tuy nhiên, thao tác đơn giản này cũng cần được thực hiện theo đúng trình tự tắt công tắc trước rồi mới rút điện nguồn, không nên rút điện ngay khi TV đang hoạt động.
Trong quá trình sử dụng, nên hạn chế số lần bật/tắt TV, bởi mỗi lần bật/tắt là một lần dây tóc bóng đèn hình bị nung nóng bởi nhiệt độ tăng cao bất ngờ, rất có hại cho loại linh kiện quan trọng này.
- 4
Ăngten ngoài trời
Nếu bạn không sử dụng dịch vụ truyền hình cáp mà dùng anten ngoài trời để thu sóng, cần lắp thêm bộ phận tránh sét. Ngoài ra, khi xem xong, tốt nhất là nên rút phích cắm dây anten ra khỏi TV.
- 5
Bóng đèn hình
Lỗi thường gặp nhất của TV LCD tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu liên quan đến module nguồn và bóng đèn hình. Nguyên nhân bao gồm cả chủ quan (lỗi sử dụng của người dùng) lẫn khách quan (điều kiện thời tiết). Bên cạnh đó còn có những lỗi nhỏ về loa, các cổng kết nối hay bị vỡ màn hình.
Lỗi về nguồn điện thường có những biểu hiện như cắm điện, bật công tắc nhưng đèn nguồn không sáng hay bật công tắc, đèn nguồn sáng nhưng màn hình tối đen hoặc chỉ hiện lên những đường sọc ngang, dọc. Để khắc phục lỗi này, chi phí thường chỉ từ một triệu đồng trở xuống.
Tuy nhiên, nếu bóng đèn hình bị cháy, chi phí thay mới có thể lên tới 40-50% giá trị TV. Đây là linh kiện quan trọng và có giá đắt nhất đối với một chiếc TV. Theo giới kỹ thuật, loại linh kiện này không phải lúc nào cũng sẵn có, trong khi chi phí lại cao, giá TV mới giảm từng ngày nên họ thường khuyên khách hàng thay vì thay bóng đèn hình, tốt nhất nên chọn mua một chiếc TV mới.