Cách chống rạn da ở bà bầu

14:51 14/04/2015

(Giúp bạn)Khi bước vào những tuần cuối cùng của thai kỳ thì da bụng chị bắt đầu xuất hiện những vết rạn màu hồng ngày càng đậm và nhiều hơn.

Nguyên nhân gây rạn da

Theo Trí thức trẻ, về cơ bản, rạn da là kết quả của việc collagen và các lớp đàn hồi của da bị phá vỡ. Các dấu hiệu ban đầu có thể là cảm giác nóng ran trên da, ngứa hoặc thậm chí có người cảm thấy như bị kim chích nhẹ.

Những người bị rạn da nhiều hơn là những người sở hữu làn da có độ đàn hồi thấp hơn – đồng nghĩa với việc càng mang thai khi quá nhiều tuổi càng có nguy cơ bị rạn da cao, nhất là những người sinh con ở độ tuổi sau 35 tuổi.

Tùy thuộc vào màu da mà vết rạn lúc đầu có màu hồng, nâu đỏ hoặc nâu sẫm. Theo thời gian, sắc tố nâu đỏ dần biến mất và các vết rạn da sẽ trông giống như những vết sẹo màu trắng đục.

-1

(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, không ai có thể biết trước được mình có bị rạn da hay không. Tuy vậy gene đóng một vai trò không nhỏ bởi mỗi người đều được thừa hưởng mẫu da từ cha mẹ - điều đó có nghĩa là nếu mẹ bạn bị rạn da khi mang bầu bạn thì rất có thể bạn cũng sẽ bị rạn da khi mang bầu em bé của mình.

Ngoài ra những người mang thai đôi hoặc thai ba sẽ dễ bị rạn da hơn bởi bụng họ sẽ to hơn, da phải giãn nhiều hơn để có đủ “chỗ ở” cho các bé.

Những cách ngăn ngừa rạn da cho bà bầu

- Chế độ dinh dưỡng đa dạng: Rạn da có thể do thiếu hụt 2 yếu tố thiết yếu: vitamin và protein. Vì thế, một chế độ ăn uống khỏe mạnh, giàu vitamin A, C, E và chất chống oxy hóa giúp làn da được nuôi dưỡng tốt từ bên trong.

Ngoài ra, mẹ bầu có thể thêm các thực phẩm giàu omega 3 như cá chứa dầu vì nó có tác dụng tăng sự khỏe mạnh cho làn da. Rau quả tươi, trứng, ngũ cốc, cá... phải được bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Sự đa dạng trong thực phẩm làm da tăng sức đàn hồi.

Ngoài ra, mẹ bầu nên chăm chỉ uống nước. Uống đủ nước giúp da được cung cấp đủ độ ẩm từ bên trong, vì vậy sẽ hạn chế các vết rạn da ở mức tối thiểu. Không có kem giữ ẩm nào tốt nhất cho da nếu bạn lười uống nước.

Uống đủ vitamin theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đây là cách đảm bảo dinh dưỡng cho thai phụ. Đồng thời, cũng là cách quan trọng để có làn da khỏe đẹp cho cả mẹ và bé.

- Kiểm soát cân nặng để ngừa rạn da: Ngoài chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng của mình để ngăn ngừa rạn da. Vẫn còn nhiều mẹ bầu hiểu sai về khái niệm “ăn cho hai người” nên họ cố gắng ăn thật nhiều.

Đây là một quan niệm không đúng khoa học. Hãy đảm bảo bạn ăn uống cân bằng và tăng cân vừa đủ trong thai kỳ, cách tốt nhất là tăng cân đều và từ từ. Bởi tăng cân đột ngột là một trong những lý do khiến mẹ bầu bị rạn da.

- Tập thể dục cũng giúp ngăn ngừa rạn da: Độ đàn hồi của làn da sẽ tốt hơn khi mẹ bầu chăm chỉ tập thể dục. Trong quá trình tập, các tuyến dầu dưới da kích thích tiết bã nhờn, khiến da không bị khô, cung cấp độ ẩm cho da và hạn chế những vết rách do rạn.

Yoga được khuyến khích vì nó có nhiều bài tập nhẹ phù hợp cho phụ nữ mang thai. Dù tập động tác nào, bạn cũng không nên duỗi hoặc căng mạnh cơ vùng bụng, vùng chậu hoặc căng cơ quá nhiều.

- Sử dụng kem chống rạn da: Nhiều người tin rằng các loại sữa dưỡng da, kem và dầu dưỡng thể - trong đó có các loại kem được quảng cáo là chuyên chống rạn da - sẽ giúp họ ngăn ngừa hoặc giảm các vết rạn da.

Trên thực tế các sản phẩm này có thể có ích trong việc giảm ngứa khi da bắt đầu rạn và phần nào giúp da ngậm nước tốt hơn. Tuy nhiên không có bằng chứng thực tế nào cho thấy chúng có tác dụng ngăn ngừa rạn da hay làm giảm các vết rạn da bạn đang có.

Theo Người đưa tin, chống rạn da với trứng gà như: Hằng ngày trước khi tắm dùng lòng trắng tứng gà xoa lên vùng da bị rạn, hoặc có nguy cơ bị rạn như vùng bụng, đùi, mông và cả vùng ngực. Sau khoảng 15 phút bắt đầu dùng nước lạnh để rửa.

Cẩn thận khi dùng kem chống rạn da

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng một phòng khám sản phụ khoa ở Hà Nội khuyến cáo các mẹ: "Việc bôi kem chống rạn da chỉ là cách hỗ trợ, phù hợp hay không còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người.

Hiện nay, chưa có một chuyên gia hoặc nghiên cứu nào khẳng định rằng bôi kem rạn da sẽ phục hồi được làn da. Nhưng có một điều chắc chắn là trong thời gian mang thai, nếu chị em bôi kem chống rạn da quá "nhiệt tình" sẽ dẫn đến nguy cơ bị sẩy thai hoặc sinh non".

Lý giải cho điều này, bác sĩ Dung cho biết: "Khi bôi kem chống rạn da, bà bầu thường phải có thao tác xoa và mát-xa vùng bụng. Việc xoa bụng trong suốt thời gian có thai làm xuất hiện các cơn co tử cung.

Các cơn co này càng nhiều, phản ứng đẩy thai trong tử cung ra ngoài càng cao, dẫn đến sẩy thai, động thai, sinh con thiếu tháng. Càng về giai đoạn cuối của thai kỳ, nguy cơ từ việc xoa bụng càng lớn. Do đó, các thai phụ nên tránh việc xoa vùng bụng và tránh mát-xa".

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Acid folic rất cần thiết cho rất nhiều các phản ứng sinh lý. Đặc hiệu hơn, acid folic cần thiết cho việc tổng hợp DNA và do đó đóng vai trò thết yếu trong quá trình phân chia tế bào. Nó còn tham gia vào quá trình sản xuất các acid amin không thiết yếu như methionine và glycin.

Tú Liên

Nên đọc
-2 Những lý do bạn nên tập thể dục khi mang thai
-3 Bà bầu có được uống thuốc Doxazosin không?
-4 Phòng tránh bệnh khô mắt ở dân văn phòng
-5 Chẩn đoán ung thư buồng trứng

Theo GDVN

Comments