Cách đối phó stress phòng the

09:56 11/02/2014

(Giúp bạn)Trong cuộc sống, chúng ta thường hay nói về stress và ai cũng nghĩ stress là do quá căng thẳng trong công việc, đời sống hoặc những nỗi bất an trong xã hội. Đó là những yếu tố gây ra stress ngoại sinh, tấn công liên tục vào mỗi người, từ các trí thức, doanh nhân đến những người thợ, nông dân... Tuy nhiên, ít ai nghĩ stress có thể do chính bản thân mỗi người tạo ra.

  • 1

    Stress nội tại do... tự tạo 
     
    Nhiều người sống quá nội tâm, khi gặp những chuyện bất bình, những chuyện không hài lòng mà không chịu nói ra hoặc không chịu trút bỏ, cố gắng “chấp nhận”. Với suy nghĩ an phận, họ ôm khư khư trong lòng nỗi “uất hận”, gây ra stress nội tại trong cơ thể - kẻ phá hoại thầm lặng, gặm nhấm dần sức khỏe con người. 
     
    Các nguyên nhân gây stress nội tại rất nhiều, như luôn lo lắng vì bản thân hay người nhà mắc bệnh nan y; làm việc không hợp với sở thích, năng lực; quá lo nghĩ về những chuyện đau đầu do con cái gây ra... Stress nội tại cũng nguy hiểm không kém stress ngoại sinh, tác động nhiều đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, từ đó ảnh hưởng xấu đến năng suất làm việc và mối quan hệ với những người xung quanh.

    cach-doi-pho-stress-phong-the-1

  • 2

    Cảnh giác stress do... “chuyện ấy” lệch pha
     
    Một trong những nguyên nhân gây stress nội tại là... đời sống tình dục không hòa đồng, lạc điệu. Đây là một nguyên nhân đặc biệt và gây tác động lớn đến bệnh nhân nhưng rất ít người biết và quan tâm. Trong thực tế, đã có không ít ca trục trặc phòng the gây stress và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hôn nhân của họ.
     
    Bà S. là một trí thức U50, vợ của một doanh nhân có học vị cao, rất thành đạt, không hề lo lắng về vấn đề tài chính của công ty và dĩ nhiên tài chính gia đình thì càng thong thả. Ông bà có một tổ ấm được mọi người đánh giá là rất hạnh phúc: Ông rất nam tính lại đẹp trai, phong độ; bà đẹp người, đẹp nết, giỏi cả giao tiếp, kinh doanh và chăm lo tốt gia đình; họ có “đủ nếp-đủ tẻ”, con cái học hành đỗ đạt cao... 
     
    Dường như cuộc sống của ông bà S. không có gì phải phàn nàn. Tuy thế, bà S. liên tục mất ngủ, nhức đầu triền miên. Bà đã khám bệnh gần 2 năm qua, đã làm đủ các xét nghiệm, kể cả chụp cộng hưởng từ (MRI) não... mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm và cũng không tìm được nguyên nhân. Sau khi tìm hiểu quá trình bệnh, nghiên cứu kỹ và trao đổi cẩn thận từng chi tiết cuộc sống của bà S., kể cả chuyện phòng the, cuối cùng lộ ra nguyên nhân gây stress nội tại là do... lệch pha trong đời sống vợ chồng.
     
    Điều cần chia sẻ để mọi người cùng rút kinh nghiệm là bản thân ông bà S. (và cả những bệnh nhân có trục trặc “chuyện ấy” đã được khám và tư vấn) cũng không biết vấn đề của mình vì... quá quen với dạng stress này. Chỉ khi được bác sĩ hoặc nhà tâm lý trao đổi tường tận, ông bà S. và những bệnh nhân đồng cảnh ngộ mới nhận ra vấn đề của mình. Đó là... rất thích được “lên đỉnh” nhưng... thường xuyên bị giữa đường đứt gánh nhưng do văn hóa Việt, đặc biệt là đối với quý bà, họ không dám nói ra mong muốn của mình, dần dần cho là chuyện thường. Điều quan ngại nhất là stress nội tại trong cơ thể vẫn diễn ra khiến người đang có vấn đề bị mất ngủ, dẫn đến các hệ quả như: mệt mỏi, nhức đầu, đau dạ dày, đau tê tay chân kéo dài...
     
    Sau khi tìm được nguyên nhân gốc, cả ông bà S. đều được tư vấn kỹ, cả hai lại hòa điệu trong tình yêu.

  • 3

    Nhiều cách giải quyết
     
    Với stress nội tại, đặc biệt stress phòng the, dù đã biết được nguyên nhân nhưng loại bỏ nó là chuyện không dễ! Chủ yếu là dùng biện pháp tâm lý, người bệnh phải ý thức được bệnh của mình, tìm cách loại bỏ stress, như thay đổi cách sống, tích cực đổi mới, tập luyện thể dục thể thao, trao đổi khi có vấn đề... Điều cần nhớ là cần chống và loại bỏ stress một cách chủ động, không trốn tránh. Ví dụ như chủ động nâng cao kiến thức về giới tính, hôn nhân gia đình thay cho ly hôn, ly thân. 
     
    Khi bản thân không thể tự giải quyết thì cần có liệu pháp tâm thần hỗ trợ từ thầy thuốc và người thân... Thầy thuốc lắng nghe và tư vấn; người thân hỗ trợ về tinh thần, tìm những phương pháp thư giãn tốt nhất, giúp bệnh nhân làm chủ chính mình, giảm lo âu và tập trung tư tưởng hơn... Khi các biện pháp trên không có kết quả tốt thì việc điều trị bằng thuốc theo toa của bác sĩ sẽ mang lại hiệu quả nhất định. 
     
    Điều quan trọng là tin tưởng thầy thuốc tuyệt đối, phải có sự hợp tác tốt giữa người bệnh và thầy thuốc mới mang lại kết quả cao nhất. Cần lưu ý, tất cả các loại thuốc chống lo âu, an thần và thuốc ngủ chỉ dùng khi có y lệnh của bác sĩ, phải uống đúng liều... để tránh các biến chứng do thuốc và tránh lờn thuốc.

    Tóm lại, điều trị stress nội tại hoàn toàn có thể đạt kết quả tốt chỉ khi người bệnh bộc bạch hết, nếu không nói ra thì không ai biết nhưng đã biết thì sẽ giải quyết được. 

Comments