Cách giúp con vượt qua những trải nghiệm y tế
(Giúp bạn)Tất nhiên chẳng có cha mẹ nào muốn con mình phải đi bệnh viện hoặc uống thuốc, nhưng có những tình huống y tế không thể tránh khỏi trong tuổi thơ của bé. Có thể con bạn sẽ rất hoảng sợ nên bạn hãy chuẩn bị tinh thần để là chỗ dựa vững chãi, giúp bé vượt qua những thử thách không vui vẻ chút nào này.
Uống thuốc viên
Nhiều năm liền con bạn chỉ uống thuốc nước, thuốc hòa tan vào nước hoặc trộn vào cháo. Nhưng giờ bé cần uống thuốc viên hoặc con nhộng.
- 1
Yếu tố đáng sợ.
Bé có thể nôn ngay khi viên thuốc chạm vào lưỡi, hoặc bé có thể quá lo lắng về việc mắc nghẹn nên cổ họng sẽ siết lại theo bản năng.
Thuốc viên có thể là thử thách khá lớn với các bé
- 2
Cha mẹ cần làm.
Cho bé hớp vài ngụm nước trước khi cho viên thuốc vào vì miệng khô làm cho việc nuốt khó khăn hơn; điều này cũng nhắc bé rằng nuốt là điều rất tự nhiên, cổ họng sẽ tự động nuốt nếu bé không căng thẳng quá mà ngăn nó lại. Nhưng bạn phải quên ngay lời khuyên phổ biến là ngửa đầu ra sẽ dễ nuốt hơn đi nhé! Thực tế, động tác này không làm thẳng ống thực quản như bạn nghĩ mà còn đóng nó lại, khiến việc nuốt càng khó khăn hơn. Thay vào đó, để viên thuốc trượt vào sâu trong khoang miệng, hơi nhấn cằm bé xuống, và cho bé hớp nước. Nếu viên thuốc mắc lại hoặc trôi xuống quá chậm, hãy bảo bé tiếp tục uống nước, trấn an bé là sẽ xong ngay thôi và cảm giác khó chịu sẽ biến mất ngay tức thì.
- 3
Chuẩn bị tinh thần cho con.
Hãy hỏi bác sĩ kê đơn thuốc cho bé là có thể lựa chọn giữa viên nén hoặc viên nang hay không, nếu có, hãy chọn loại thứ hai vì viên nang nổi trong nước trong khi viên nén chìm xuống như một hòn đá trên lưỡi bé. Bạn có thể tập cho bé nuốt thử các mẩu thức ăn có kích cỡ viên thuốc (như táo, lê cắt nhỏ như viên thuốc), sau đó mới cho bé nuốt thuốc thật.
Gãy xương
Đối với những ai đã và đang làm cha mẹ, cảnh tượng hãi hùng nhất mà bạn từng chứng kiến chính là cảnh con mình ngã xuống từ cầu thang hay xe đạp cùng với một tiếng hét xé lòng và cẳng chân (hay cẳng tay) lặc lìa. Nếu bạn thấy xương bé chìa ra, đừng di chuyển bé mà hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
- 1
Yếu tố đáng sợ.
Gãy xương gây đau đớn ngay tức thì và thường là đau rất dữ dội nên bạn có thể sẽ nghe bé khóc thét còn khủng khiếp hơn cả trong phim “Ở nhà một mình”. Các bé nhỏ tuổi có thể ghét ở yên chỉ để chụp X-quang thôi, chưa nói đến chuyện cố định xương khiến bé không thấy thoải mái chút nào. Và dĩ nhiên, phải bất động trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trong tình trạng bị bó chặt và ngứa “như điên’ là hết sức kinh khủng với bé. May mắn là, nếu bác sĩ cần phải thực hiện sắp lại xương – một thủ thuật rất đau đớn – bé của bạn sẽ được gây mê.
- 2
Cha mẹ cần làm.
Hãy yêu cầu nhân viên y tế giảm đau tại chỗ cho bé ngay, sau đó giúp bé phân tâm khỏi vết thương và nỗi sợ, trò chuyện và cười đùa với con để bé quên đi cái đau. Các bé nhỏ sẽ cảm thấy yên tâm khi luôn được ở sát bên bố mẹ, bạn có thể đề nghị cơ quan y tế cho phép bạn luôn ở cạnh con (nắm tay bé, ôm bé hoặc cho bé ngồi vào lòng) trong khi chụp X-quang và thậm chí là cả lúc bó bột. Khi bé được chỉ định bó bột cố định, bạn cần giúp bé giữ cho bột không bị ướt trong khi tắm và phải theo dõi tình trạng bột để thăm khám trong trường hợp cần thiết.
- 3
Chuẩn bị tinh thần cho con.
Không ai có thể thực sự chuẩn bị sẵn cho tình huống gãy xương cả, nhưng khi nó đã xảy ra, hãy cẩn thận một chút với ngôn từ bạn dùng trong khi đợi bác sĩ đến. Từ “gãy xương” có thể liên tưởng đến hình ảnh vỡ vụn rất ám ảnh trong đầu óc đang hoảng loạn vì đau của bé. Thay vào đó, bạn cần dùng những từ nhẹ nhàng và lạc quan hơn với bé như “đau” hay “bị thương”. Với những bé lớn một chút, đã sẵn sàng hơn để đón nhận thông tin về tình trạng của mình, bạn có thể dùng những từ y khoa thông dụng để giải thích những gì bé đang thấy, nghe và trải qua.