Cách hạn chế phù nề khi bầu bí
(Giúp bạn)Hạn chế ăn muối, uống nhiều nước, gác chân lên cao giúp mẹ bầu bớt bị phù nề.
Các mẹ ạ, khi mang bầu bé Táo, em mừng lắm. Bao ngày nằm mơ có em bé, thức dậy buổi sáng cười thầm, nay giấc mơ ấy đã thành hiện thực rồi. Song đi kèm với niềm hạnh phúc vô vàn ấy cũng là những mệt mỏi, khó chịu mà chắc chỉ chị nào trải qua rồi mới hiểu. Nào là chứng nôn mật xanh mật vàng rồi đến cái lưng “phản chủ”, đèn pin nổi loạn. Ôi những tháng cuối thai kỳ, em còn bị phù nề nữa chứ, chân tay sưng lên. Đau đớn, uể oải lắm cơ.
Thương vợ, ông xã ở xa ngày nào cũng động viên qua yahoo rồi gửi link các bài viết chống phù nề. Em thì lăn lê trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khi bầu bí hỏi han các chị, các mẹ trên ấy. Biết được bao nhiêu bí quyết em ghi lại vào sổ rồi thực hiện dần dần. Nay em xin chia sẻ lại với các chị những kinh nghiệm mà em đã biết. Các chị cứ yên tâm thực hiện nhé. Đảm bảo an toàn mà lại hiệu quả.
- 1
Ngồi nhấc chân lên cao
Khi mang bầu, trọng lượng của cơ thể thay đổi, có mẹ lên tới 20 kg trong vòng 9 tháng. Chính vì vậy điều này đã gây sức ép nặng nề lên đôi chân chúng mình, khiến bàn chân sưng phù lên. Bên cạnh đó, lượng máu dồn về chân lớn hơn bình thường cộng với sự thay đổi hormone trong quá trình “đeo ba lô ngược” càng làm cho nhiều mẹ cứ la oai oái vì đau đớn, đi lại nặng nề quá.
Phù nề khi mang thai là triệu chứng phổ biến.
Do đó chị em nên chú ý tránh đứng hoặc ngồi quá lâu trong một thời gian dài nhé.Ngoài ra nếu có thể, các “mẹ ỏng” nên ngồi trong tư thế nhấc chân thẳng lên cao, có thể kê chân lên gối, bục hoặc một quả bóng, nhẹ nhàng xoay cổ chân rồi đưa chân trong – ngoài, ngoài – trong nhé. Em toàn làm thế khi ngồi xem ti vi thôi. Cũng thấy dễ chịu hơn các chị ạ.
- 2
Nằm nghiêng sang bên trái
Khi đi ngủ, các chị nhớ nằm nghiêng sang bên trái nhé. Điều này sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng và không dồn vào chân. Ngoài ra tư thế này cũng rất tốt cho những chị em bị chứng đau lưng hành hạ và khiến chị em ngủ ngon giấc hơn nhiều, chẳng còn tình trạng “băn khoăn giấc chẳng thành” nữa đâu.
- 3
Hạn chế ăn muối
Trước đây khi chưa bầu bí em ăn mặn lắm. Mọi người bảo thì toàn chống chế là ăn mặn đẻ con trai thôi chứ chả chịu sửa chế độ ăn uống gì đâu. Lúc đi khám bác sĩ em mới biết muối khiến cơ thể giữ nhiều nước hơn. Từ đó khiến tình trạng phù nề càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy chị em nào thích ăn mặn như em nên hạn chế lượng muối khi chế biến thức ăn hoặc tránh xa các loại bánh mặn nhé.
- 4
Kết bạn với thực phẩm nhiều kali
Thiếu kali cũng là một trong những nguyên nhân khiến các mẹ bị phù nề đấy. Do đó chị em nên bổ sung một số món ăn giàu kali vào trong thực đơn như: hoa quả, rau xanh, thịt gà, sữa chua, các sản phẩm từ đậu nành, thịt đỏ, cá.... Em thì ngày nào cũng “đánh chén” một quả chuối, cốc nước cam rồi lại thêm cốc sữa chua. Đẹp da mà lại hạn chế phù nề các chị ạ.
- 5
Uống đủ nước
Uống đủ nước khi mang bầu giúp các hệ tiêu hoá, tiết niệu… hoạt động tốt. Đồng thời, phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù. Vì thế các mẹ nên chú ý uống đủ 2 lít nước mỗi ngày nhé.
Mẹ bầu nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày nhé
Ngày nào đi đâu em cũng mang theo một chai nước bên mình. Lúc nào cần là uống ngay các chị ạ chứ để đến lúc cảm thấy khát mới bắt đầu uống là hỏng vì khi ấy cơ thể đã bị mất nước rồi. Nếu không thích uống nước lọc, các chị có thể say xinh tố hoặc làm nước ép hoa quả nhé.Mùa nào thức ấy, vừa mát vừa ngon mà lại tốt cho sức khỏe.
- 6
Tập thể dục thường xuyên
Ban đầu em cứ nghĩ rằng bầu bí là chấm dứt thể dục thể thao vì sợ nguy hiểm đến mẹ và bé. Hóa ra nhầm to các mẹ ạ. Chị em chúng mình chỉ nên tránh các hoạt động nặng thôi chứ đi bộ, tập yoga, bơi lội thì khỏe re.
Sáng nào thời tiết đẹp em cũng dậy đi bộ loanh quanh trong khu. Chiều tối thì làm vài động tác yoga nhẹ nhàng mà lại có tác dụng tốt cho cơ thể. Lúc nào hứng lên thì rủ bà bạn đi bơi. Tuy nhiên nên tránh các bể bơi chật chội, bẩn thìu nếu không lại phản tác dụng các chị ạ.
- 7
Tránh xa giày dép chật
Giày dép quá chật là nguyên nhân phát sinh của chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân. Các vết chai sần được hình thành như những đốm da cứng để chống lại sự ma sát của giày dép lên chân. Thời gian mang giày càng chật thì những vết chai này cũng dày lên, sạm đi khiến chân chúng mình xấu xí và không thoải mái. Chính vì vậy lúc bầu bí em toàn chọn những đôi giày rộng vừa chân thôi các chị ạ.
Ngoài ra chị nào mang thai cũng nên tránh xa các đôi giày cao gót nhé. Đẹp thì đẹp thật đấy nhưng đi vào dễ gây nguy hiểm cho mẹ và bé lắm. Tốt nhất là các “mẹ ỏng” cứ đi những đôi giày, dép đế bằng rồi lúc sinh xong thì tha hồ “diện” giày cao gót.
- 8
Spa cho đôi chân tại nhà
Mang bầu mệt mỏi, các xã thương mẹ bầu lắm đấy. Vì vậy chị em chúng mình cứ thoải mái nhờ chồng mát xa chân buổi tối nhé. Vừa tăng thêm tình cảm vợ chồng mà lại dễ chịu, thư giãn đấy.
Chị em nên nhờ ông xã mát xa tại nhà
Chồng em thì đi làm xa, hai tuần mới về được một lần nên em toàn tự thân vận động thôi. Buổi tối trước khi đi ngủ em ngâm chân trong bát nước ấm với hoa cúc hoặc thêm chút muối. Sau đó lau khô chân,bôi chút dầu rồi mát xa từ bàn chân tới đầu gối. Thế là bao nhiêu cảm giác đau đớn, khó chịu rồi tủi thân cũng biến đi. Mình không thương mình thì thương ai các chị nhỉ?
Nếu không thích mát xa ở nhà, các chị cũng có thể đến spa. Ở đó họ có chương trình mát xa riêng dành cho chị em bầu bí đấy.
Phù nề chân tay rồi cũng sẽ kết thúc sau khi sinh. Vì vậy các mẹ đừng quá lo lắng nhé. Chúng mình cứ coi đấy là chuyện bình thường mà khi mang thai mà mẹ nào cũng phải trải qua để tâm trạng không trở nên nặng nề, khó chịu nhé. Chứ ngày nào cũng cau có thì ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé lắm đấy. Chúc các chị em giảm hạn chế phù nề với vài bí kíp nho nhỏ ở trên nhé!