Cách luyện tập tính kiên nhẫn với trẻ nhỏ
(Giúp bạn)Trẻ em là món quà tuyệt vời nhất mà đấng tạo hóa đã ban tặng cho các bậc cha mẹ, tuy nhiên với các bé từ độ tuổi chập chững biết đi, chưa đi mẫu giáo cho đến tuổi chuẩn bị cắp sách tới trường ít nhiều đều khiến cha mẹ phải đau đầu với những hành động ngây ngô của mình. Nếu bạn gặp phải vấn đề trong cách giải quyết với những hành động của những thiên thần bé nhỏ này thì hãy làm theo những bí quyết nhỏ dưới đây, chắc chắn các bạn sẽ trở thành những bậc phụ huynh có tính kiên nhẫn trong việc cư xử với con trẻ.
- 1
Không nên nghĩ chúng giống những đứa trẻ trưởng thành
Phần lớn những hành động không tốt của trẻ đều xuất phát không có chủ ý. Nhiều hành vi của trẻ mà bạn chứng kiến đều bắt nguồn từ một trong hai nguyên nhân: sự ngây thơ hoặc sự thất vọng. Những đứa trẻ mới chập chững biết đi thường hay té ngã và gây nên lỗi nhỏ, tuy nhiên đây là những hành động ngây thơ của chúng, bạn không nên la mắng trẻ. Bạn hãy xem đây là thời điểm thích hợp để khuyên dạy cho trẻ và những lần tiếp sau cũng như thế. Hơn nữa, vì đây là độ tuổi mà trẻ đang học cách để nói chuyện, một vài hành vi sơ khởi còn vụng về của chúng dễ gây nên tình trạng thất vọng khi chúng không thể giao tiếp. Nếu trẻ không diễn tả được cho bạn và những người xung quanh hiểu được chúng đang muốn hoặc cần gì, chúng sẽ có xu hướng thể hiện bằng hành động. Trong lúc trẻ đang học nói, hãy dạy chúng bằng những hành động cơ bản mà chúng có thể hiểu để có thể giao tiếp được với bạn.
- 2
Cho chúng nhiều sự lựa chọn
Những đứa trẻ của bạn sẽ không muốn nghe bạn bảo phải làm cái này hay cái kia suốt cả ngày. Và chúng càng không muốn nghe từ "không" mỗi khi chúng đòi hỏi cái gì hoặc yêu cầu làm gì. Nếu chúng gặp khó khăn trong việc lựa chọn quần áo cho buổi sáng, hãy tạo ra nhiều sự lựa chọn thay vì bắt buộc chúng phải mặc những gì bạn muốn. Bạn sẽ nhận thấy câu nói "Con muốn mặc áo sơ mi màu đỏ hay màu vàng?" sẽ tốt hơn là phải vật lộn ép buộc chúng phải mặc chiếc áo sơ mi màu vàng. Thậm chí lúc đi ngủ, đi tắm hay những hoạt động khác cũng vậy, bạn nên cho chúng một số quyền tự do nhất định – điều này cho chúng bài học đầu tiên về tính tự lập.
- 3
Xem lại cách hành xử của mình
Bạn hay to tiếng mỗi khi có chuyện bực bội trong lòng? Bạn vừa ăn vừa xem tivi mỗi tối? Bạn ăn tất cả các loại rau có trên đĩa của bạn? Đừng mong đợi con cái bạn có lối cư xử hoàn hảo nếu như bạn vẫn tồn tại các thói quen xấu. Trẻ nhỏ thường bắt chước bố mẹ chúng, vì thế bạn cần lưu ý những hành động của mình trước mặt trẻ.
- 4
Đừng quan tâm những điều nhỏ nhặt
Nếu chúng ném những hộp ngũ cốc hay bánh kẹo vương vãi khắp sàn nhà, liệu đây có phải là vấn đề to tát hay không? Mặc dù bạn muốn con của mình cư xử đúng mực hơn, nhưng chúng chỉ là những đứa trẻ, bạn đừng lãng phí thời gian và công sức vào những điều nhỏ nhặt này. Đơn giản, bạn hãy sửa chữa những lỗi cần phải sửa của trẻ và nhanh chóng bỏ qua. Nên tán dương và ca ngợi trẻ mỗi khi chúng làm tốt thay vì bận tâm đến những sai sót nhỏ nhặt của trẻ.